Một động thái cần thiết

20/05/2008 02:19 GMT+7

Ngày 17.5.2008, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định 16/2008/QĐ-NHNN thay đổi cơ chế điều hành lãi suất VND. Những thay đổi chủ yếu của cơ chế điều hành mới là bỏ trần lãi suất huy động, nâng lãi suất cơ bản lên 12%/năm, lãi suất cho vay không vượt quá 150% lãi suất cơ bản, tức là không vượt quá 18%/năm, lãi suất tái cấp vốn nâng lên 13%/năm, lãi suất tái chiết khấu là 11%/năm,...

Cơ chế mới đã bỏ trần lãi suất huy động 12%/năm theo công điện 02/NHNN của Ngân hàng Nhà nước - một sự can thiệp hành chính, ngược với cơ chế thị trường.

Động thái mới về điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ có một số tác động.

Tác động rõ nhất là lãi suất huy động tiết kiệm sẽ tăng lên. Theo dự đoán lãi suất huy động tới đây sẽ xoay quanh mức 14,5%/năm. Khi đó người gửi tiền tiết kiệm sẽ đỡ bị thiệt thòi, thậm chí còn có thể có lợi, nếu mức lạm phát tới đây thấp hơn lãi suất huy động, tạo điều kiện tiến tới lãi suất thực dương. Khó khăn về thanh khoản của nhiều ngân hàng thương mại sẽ được khắc phục. Tính thanh khoản giống như máu, nếu nó được thông suốt thì sẽ lưu thông tốt, tránh gây ra khủng hoảng tiền tệ, tín dụng - rất nguy hiểm.

Một lượng tiền trong lưu thông sẽ được hút vào các ngân hàng sẽ làm giảm áp lực đối với lạm phát - mà kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Lãi suất cho vay cơ bản vẫn giữ được mức không vượt quá 18%/năm, tuy còn cao đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đang phải cạnh tranh quyết liệt với hàng ngoại nhập, khi nhập siêu đã quá cao. Nhưng đó cũng là cái giá phải trả trong điều kiện kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Đây là quá trình tháo gỡ khó khăn cho người gửi tiền, cho tính thanh khoản của các ngân hàng và vẫn là nhằm kiềm chế lạm phát, thắt chặt tiền tệ, nên không có tác động lớn đến thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản. Có chăng khi tính thanh khoản của các ngân hàng được cải thiện, thì việc xả hàng để giải chấp của một số ngân hàng sẽ không quyết liệt; nhưng nếu chứng khoán còn giảm, giao dịch bất động sản vẫn khó khăn,... thì các ngân hàng - đi vay để cho vay, chắc cũng không dám mạnh tay để cho vay. Hơn nữa, giá vàng, giá USD lại đang có xu hướng tăng nên lượng tiền vào chứng khoán, vào bất động sản sẽ khó mà tăng lên.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.