Mua chứng chỉ tiền gửi hay gửi tiết kiệm?

27/03/2017 07:59 GMT+7

Hàng loạt ngân hàng đang “chạy đua” phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài với lãi suất hấp dẫn hơn gửi tiết kiệm, nhưng các chuyên gia cho rằng sản phẩm này không hẳn phù hợp với mọi khách hàng.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) từ ngày 15.3 công bố phát hành chứng chỉ tiền gửi (CD - Certificates of Deposit) bằng VNĐ trên toàn hệ thống dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức. Theo đó, khách hàng tham gia với mệnh giá tối thiểu 10 triệu đồng, kỳ hạn 5 năm + 1 ngày hoặc 7 năm sẽ nhận được lãi suất (LS) 8,48%/năm/kỳ hạn 5 năm + 1 ngày và 8,88%/năm/kỳ hạn 7 năm trong năm đầu tiên. Nếu so với LS đang được niêm yết của NH này cho kỳ hạn 12 tháng lãnh lãi cuối kỳ là 6,8%/năm, thì rõ ràng LS của CD đang cao hơn nhiều.
Trước đó, vào đầu tháng 3, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) phát hành CD trung và dài hạn bằng VNĐ với tổng giá trị 1.000 tỉ đồng. Khách hàng có thể lựa chọn mua CD theo các kỳ hạn từ 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng đến 60 tháng với mức LS lên đến 8,8%/năm cố định trong suốt kỳ hạn của CD, mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng và không hạn chế số tiền mua tối đa. Nếu so với LS gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của LienVietPostBank đang áp dụng là 6,8%/năm thì mức LS CD khá hấp dẫn. Còn tại NH Việt Á, khách hàng có thể lựa chọn mua CD mệnh giá từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng với LS 6,9%/năm. Nếu mua chứng chỉ với mệnh giá trên 2 tỉ đồng thì LS cao hơn, từ 7,1%/năm cho kỳ hạn 6 tháng lên đến 8,2%/năm cho kỳ hạn 18 tháng…
Chứng chỉ tiền gửi là một hình thức tiền gửi có thời hạn thường được cung cấp bởi các định chế tài chính như ngân hàng, các tổ chức tín dụng... Thời hạn thông thường của chứng chỉ từ 6 tháng đến 5 năm; thời hạn càng dài thì lãi suất sẽ càng cao.
Khi phát hành CD, các ngân hàng đều khẳng định khách hàng có thể bán lại CD cho người khác hoặc NH khác, bên cạnh việc có thể cầm cố để vay vốn NH.
Cân nhắc kỹ trước khi mua
Việc phát hành CD của các NH hiện nay chủ yếu nhằm huy động vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay dài hạn. Vì vậy, đặc điểm thường được quy định chung của sản phẩm là khách không được rút vốn trước hạn như sổ tiết kiệm thông thường. Với quy định này, trường hợp khách đã dốc tiền mua CD, khi có nhu cầu tài chính chỉ có thể thế chấp chứng chỉ tiền gửi để vay lại NH. Tuy nhiên, việc thế chấp thường được các NH áp dụng với LS bằng LS ghi trên CD cộng thêm biên độ khoảng 2 - 2,5%, thậm chí LS cho vay lúc này có thể bằng 1,5 lần LS ghi trên chứng chỉ tiền gửi, nhiều trường hợp LS vay khi thế chấp CD cao hơn vay mua nhà, ô tô... hiện từ 9 - 11%/năm mà nhiều NH đang áp dụng.
Một lưu ý khác, theo quy định thì khách hàng có thể bán CD cho người khác với giá tự thỏa thuận. Tuy nhiên, thực tế hầu như thị trường không có người mua lại sản phẩm này. Vì vậy, theo các chuyên gia tài chính, khách hàng cá nhân nên xem xét kỹ trước khi ra quyết định mua CD. Nếu có một số vốn không cần sử dụng trong vài năm thì có thể lựa chọn CD để tối đa hóa lợi nhuận khoản tiết kiệm của mình. Trường hợp chưa xác định được kế hoạch lâu dài thì nên lựa chọn phương án gửi tiết kiệm. “LS tiết kiệm kỳ hạn ngắn hơn sẽ thấp hơn mua CD, nhưng trong tình hình thị trường tài chính luôn có những biến động thì việc gửi tiền kỳ hạn ngắn cũng giúp khách hàng có thể dễ dàng chuyển sang kênh đầu tư khác để có cơ hội sinh lời cao hơn”, một chuyên gia tài chính ở TP.HCM phân tích. Tuy nhiên, ông này cũng đưa ra lời khuyên: Có thể chia một phần tiền tiết kiệm để mua CD và phần còn lại gửi tiết kiệm thông thường với kỳ hạn ngắn nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn khi cần thiết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.