Mỹ dùng phương pháp 'lạ' đo 'sức khỏe' kinh tế Trung Quốc

20/04/2017 16:20 GMT+7

Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) ở bang Massachusetts (Mỹ) mới đây sử dụng một phương pháp khác lạ để đo 'sức khỏe' thực sự của nền kinh tế Trung Quốc.

Theo Russia Today, các tác giả của nghiên cứu do NBER công bố sử dụng một phương pháp bất thường là dùng vệ tinh để theo dõi và ghi lại ánh sáng vào ban đêm ở Trung Quốc. Họ xem đây là chỉ số phản ánh thể trạng nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Theo nghiên cứu trên, kinh tế Trung Quốc thực ra đang thể hiện còn tốt hơn so với số liệu chính thức. Các nhà kinh tế NBER cho hay: “Chúng tôi nhận thấy rằng phương pháp luận của chúng tôi dự đoán tăng trưởng GDP Trung Quốc thấp hơn ước tính chính thức vào trước khủng hoảng năm 2008, sụt giảm mạnh trong năm đó, trải qua đợt hồi phục lớn năm 2009, 2010 và ổn định ở mức cao hơn sau năm 2011”.
Nghiên cứu cho hay trong khoảng thời gian 11 năm được xem xét, dự báo tăng trưởng Trung Quốc dường như có xu hướng không đổi, trong khi ước tính tăng trưởng của chính phủ thì theo chiều đi xuống.
Các dự đoán mới được tiết lộ về tăng trưởng Đại lục trong quá khứ trùng khớp phần nào với nhận định của các chuyên gia thị trường. Nghiên cứu viết: “Đơn cử, chỉ số của chúng tôi đưa ra kết quả tương tự như ước tính của Barclays và Bloomberg về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là vào khoảng 11% năm 2007, không đi lên đáng kể trước khủng hoảng tài chính. Trong khi đó, ghi nhận số liệu GDP chính thức cho thấy nước này tăng trưởng từ 12 đến 15% giai đoạn năm 2005 - 2007. Tuy nhiên, dự báo của chúng tôi về tốc độ tăng trưởng hiện tại của Đại lục cao hơn nhiều người khác, và cũng cao hơn số liệu GDP mà chính phủ nước này đưa ra”.
Ba tác giả của nghiên cứu là Hunter Clark, Maxim Pinkovskiy thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ New York và chuyên gia Xavier Sala-i-Martin không giải thích vì sao giới chức Đại lục lại hạ mức thể hiện thực của nền kinh tế.
Dữ liệu về đèn sáng lên vào ban đêm do Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ công khai. Một số nghiên cứu khác cũng sử dụng dữ liệu này để chỉ ra sự khác biệt giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, một số làng ở châu Phi và những biến động kinh tế từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. NBER cho hay ánh sáng đèn điện có độ tương quan cao với các biện pháp đo lường hoạt động kinh tế và sức tăng trưởng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.