Mỹ, Hàn Quốc sắp 'cân não' về vấn đề thương mại

05/01/2018 11:38 GMT+7

Quan chức hai nước sẽ gặp gỡ tại Washington (Mỹ) trong tuần này để khởi động các cuộc đàm phán nhằm tái thương lượng Korus, hiệp định thương mại tự do gắn kết hai nền kinh tế trong gần sáu năm.

Theo CNN, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã và đang chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận này, gọi đây là thỏa thuận “khủng khiếp”. Kể từ ngày nhậm chức, ông đã đe dọa sẽ rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận. Đợt đàm phán về tương lai Korus sẽ có tác động lớn đến cách các nước khác tiếp cận đàm phán thương mại với ông Trump, và vấn đề căng thẳng Triều Tiên.
Korus được ký vào năm 2007 song không có hiệu lực cho đến 5 năm sau đó. Hiệp định loại bỏ thuế quan và nhiều rào cản khác trong giao thương những sản phẩm như nông sản, ô tô và hàng công nghiệp. Thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa hai nước tăng mạnh từ lúc đó. Năm 2016, giao thương hai bên đạt gần 150 tỉ USD. Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ sáu của Mỹ.
Quốc gia Đông Á không muốn tái đàm phán Korus, nhưng cuối cùng họ phải đàm phán trước áp lực từ phía Mỹ. Với ông Trump, việc đại tu các thỏa thuận thương mại mà ông cho rằng thiếu công bằng với nước Mỹ là một phần trong nhiều cam kết của chiến dịch tranh cử tổng thống.
Dù vậy, Giám đốc Viện Kinh tế Mỹ ở Hàn Quốc Troy Stangarone cho rằng lời chỉ trích của ông Trump dành cho Korus là không chính xác. Chuyên gia này cho biết Mỹ tăng trưởng đáng kể trong giá trị dịch vụ bán cho Hàn Quốc sau khi hai bên áp dụng hiệp định. Chuyên gia Phil Eskeland cũng thuộc Viện Kinh tế Mỹ ở Hàn Quốc thì cho hay sau khi thâm hụt mạnh trong những năm đầu khi Korus có hiệu lực, thâm hụt thương mại của Mỹ với Hàn Quốc hiện đang giảm.
Giới chuyên gia cho rằng ít có khả năng Mỹ rút khỏi hiệp định Korus vì điều này sẽ làm tổn thương các ngành sản xuất thịt bò, mặt hàng xuất khẩu chính của Mỹ đến Hàn Quốc.
Các nước trên thế giới sẽ theo dõi sát cuộc thương lượng giữa đôi bên để xem cách Tổng thống Trump và đội ngũ của ông giải quyết vấn đề đàm phán. Nhật Bản, nước cũng có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, dường như chần chừ trong việc tham gia đàm phán về thỏa thuận tự do thương mại song phương với chính quyền ông Trump.
Ông Stangarone cho biết ông Trum cần cho thấy rằng các cuộc đàm phán thương mại song phương với Mỹ cũng tốt cho các đối tác thương mại của nước này. “Nếu các cuộc đàm phán quá thiên về một bên, những nước khác sẽ nản lòng”, ông Stangarone nói.
Bất đồng thương mại giữa Mỹ và Hàn Quốc có thể làm khó mối quan hệ giữa hai đồng minh quan trọng. Việc này có thể khiến các đối tác khác của Mỹ, trong đó có Nhật Bản, đặt câu hỏi về cam kết của nước này đối với an ninh trong khu vực, nhất là giữa lúc Mỹ, Triều Tiên căng thẳng về chương trình vũ khí hạt nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.