Nền kinh tế ổn định nhưng vẫn còn tiềm ẩn rủi ro

26/06/2014 03:05 GMT+7

Mặc dù lạm phát được kiểm soát, vĩ mô ổn định, nền kinh tế xuất siêu... nhưng Nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) trong báo cáo mới nhất vừa phát hành đã bày tỏ lo ngại khi nền kinh tế đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nền kinh tế ổn định nhưng vẫn còn tiềm ẩn rủi ro

Hàng nhập khẩu của Trung Quốc tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn)  Ảnh: Ngọc Thắng

Với chủ đề “Cải cách thể chế kinh tế: Chìa khóa cho tái cơ cấu”, báo cáo kinh tế vĩ mô 2014 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì đánh giá khá toàn diện về mọi mặt của nền kinh tế. Trong đó, đặc biệt tập trung vào vấn đề cải cách thể chế và tái cơ cấu nền kinh tế.

Nhìn lại diễn biến kinh tế vĩ mô năm 2013, báo cáo cho rằng nền kinh tế chưa có những thay đổi căn bản về nền tảng tăng trưởng, quá trình tái cơ cấu chưa có tiến triển đáng kể. Nền kinh tế mặc dù đã đạt được những kết quả ban đầu trong ổn định kinh tế vĩ mô nhưng vẫn tiềm ẩn những rủi ro và nguy cơ bất ổn, động lực tăng trưởng suy yếu và dư địa các chính sách vĩ mô bị thu hẹp.

Doanh nghiệp nhà nước là “rào cản” hội nhập

 

Chưa quyết liệt đổi mới tư duy và thể chế

Theo Nhóm chuyên giá tư vấn, nguyên nhân căn bản gây rủi ro và bất ổn cho nền kinh tế là đổi mới tư duy và thể chế - điều kiện tiền đề cho đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế - vẫn chưa được công phá quyết liệt. Theo đó, nhiều điểm nghẽn thể chế đang cản trở sự vận động của các quy luật kinh tế thị trường, làm méo mó thị trường và phân bổ nguồn lực. Những điểm nghẽn quan trọng như vấn đề quản trị DNNN, phân cấp phân quyền đi đôi với ràng buộc trách nhiệm chưa đúng mức trong quản lý đầu tư công, thể chế thị trường cho các hàng hóa công ích còn chập chờn, chưa tận dụng được sức ép đổi mới thể chế từ quá trình hội nhập và vấn đề chất lượng và tính minh bạch của thống kê kinh tế.

Trong quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ở VN, theo các chuyên gia trong nhóm tư vấn, đã có nhiều kỳ vọng đây sẽ là cơ hội để cải thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường và quan trọng không kém sẽ tạo ra áp lực đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải cải cách và trở nên cạnh tranh hơn. Đáng tiếc, những cải cách thể chế đáng kể nhất đều thuộc về giai đoạn “tiền WTO”, còn trong giai đoạn “hậu WTO” thì gần như ít có cải thiện, thậm chí một số khía cạnh còn thụt lùi. Chi tiết hơn, sự phát triển một cách ồ ạt các tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn và kinh doanh đa ngành đã triệt tiêu hầu hết các tác động tích cực tiềm tàng của việc gia nhập WTO đối với cải cách DNNN.

Cụ thể cạnh tranh trong nhiều ngành có sự hiện diện của tập đoàn kinh tế nhà nước hầu như không được tăng cường, trợ cấp chéo giữa các DNNN chuyển sang một hình thức mới tinh vi và phức tạp hơn, nguyên tắc đối xử quốc gia được thực hiện một cách hình thức, không thực chất, và sự tham gia của các ngân hàng nước ngoài còn hết sức khiêm tốn. Vì vậy, trong bối cảnh chuẩn bị ký kết Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các chuyên gia cảnh báo nếu không có nỗ lực cải cách tự thân từ bên trong một cách mạnh mẽ và có hệ thống thì một lần nữa cơ hội cải cách và tăng trưởng kinh tế có thể lại tuột khỏi tầm tay.

Xuất siêu không bền vững

Theo đánh giá của nhóm chuyên gia, dấu ấn lớn nhất suốt thời gian qua là lạm phát được kiểm soát, vĩ mô ổn định hơn, cán cân thương mại thặng dư. Năm 2013 là năm thứ hai liên tiếp nền kinh tế có xuất siêu, đóng góp vào thặng dư cán cân thanh toán và gia tăng nhanh dự trữ ngoại hối quốc gia.

Tuy nhiên, cán cân thương mại được cải thiện chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu tăng không đáng kể. Đây là xu hướng thiếu bền vững vì cấu trúc sản xuất và xuất khẩu của nền kinh tế chưa được cải thiện. Khu vực kinh tế trong nước tiếp tục nhập siêu, quy mô lớn phản ánh năng lực cạnh tranh xuất khẩu còn hạn chế, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu và thị trường xuất khẩu chưa có thay đổi đáng kể và ít cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa gần như không thay đổi, nhập khẩu vẫn chủ yếu là nhóm hàng máy móc, nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất trong nước và xuất khẩu, cho thấy khu vực công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, cảnh báo khả năng khó khăn của nền kinh tế khi quan hệ quốc tế với bên ngoài có biến động mạnh. Trong khi đó, cơ cấu xuất khẩu vẫn chủ yếu là các mặt hàng thô hoặc sơ chế, đơn giản, trong khi ngành xuất khẩu công nghiệp chế tạo chế biến có giá trị gia tăng thấp. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của VN với mức nhập siêu lên đến 23,7 tỉ USD. VN xuất siêu đối với phần còn lại của thế giới cũng chỉ để bù đắp quy mô nhập siêu kỷ lục từ quốc gia này.

Xu hướng này càng rõ hơn khi VN hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới, kéo theo sự tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu ồ ạt từ Trung Quốc để gia công với giá trị gia tăng thấp, phục vụ cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Phần nhập siêu này không có đóng góp tích cực vào sự gia tăng năng lực sản xuất trong nước của VN.

Anh Vũ - Nguyệt Minh

 >> Du lịch tránh phụ thuộc, giảm rủi ro
>> NHNN cảnh báo rủi ro từ cho vay cá nhân
>> Ngân hàng và DNNN tiềm ẩn nhiều rủi ro
>> Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: ‘Chúng ta không lệ thuộc nền kinh tế bất cứ nước nào’
>> Làm gì để nền kinh tế bớt phụ thuộc vào Trung Quốc?
>> Quản lý như thế này thì nền kinh tế đất nước sẽ về đâu?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.