Ngân hàng ăn theo ngành du lịch

15/03/2012 03:22 GMT+7

Bằng cách tặng va li, máy ảnh cho khách hàng dùng thẻ trả tiền mua tour đi nước ngoài, các ngân hàng Singapore vừa giúp ngành du lịch vừa thu hút về mình những khách “sộp”.

 
HSBC cho người cõng pa-nô đi khắp hội chợ quảng bá chương trình quà tặng - Ảnh: Thục Minh

Mỗi năm Hiệp hội các đại lý du lịch Singapore (NATAS) đều đặn tổ chức 2 hội chợ du lịch vào tháng 2 và tháng 8. Tại đây, các công ty tổ chức tour đồng loạt tung ra những sản phẩm với mức giá cạnh tranh khốc liệt, có khi thấp hơn đến 75% so với giá bán bình thường vào mùa cao điểm. Vậy nên, hội chợ NATAS, thường kéo dài 3 ngày, từ 10 giờ sáng cho đến 9 giờ rưỡi đêm, bao giờ cũng đông nghịt kẻ bán người mua.

Ngoài các công ty tổ chức tour, các hãng máy bay, công ty bảo hiểm, cửa hàng phụ trang cho khách du lịch… cũng rộn ràng tham gia lôi kéo khách hàng.

Đặc biệt nhất là sự tham gia của các ngân hàng: không bán gì, chỉ tặng quà! Những món quà có giá trị rất lớn, thấp nhất cũng phải trên 150 SGD (2,5 triệu đồng). Điều kiện duy nhất để được nhận quà là dùng thẻ của ngân hàng trả tiền mua tour du lịch với giá từ 1.800 SGD trở lên. Quà tặng thông thường là những chiếc va li có kích thước 20, 24 và 28 inch tùy số tiền mua tour từ 1.800 SGD đến 6.000 SGD. Những khoản chi từ 600 - 1.000 SGD cũng được bốc thăm chọn các quà tặng trị giá vài chục SGD như pin máy ảnh, khung hình điện tử, hoặc bốc thăm trúng thưởng nhiều món quà giá trị lớn. Với mức chi 8.000 SGD, Ngân hàng HSBC tặng khách vé máy bay đi Hồng Kông từ Singapore, còn DBS tặng máy ảnh Nikon Coolpix S2500…

Trong khi đó, kém hơn về tên tuổi và chủ yếu phục vụ khách Malaysia, Ngân hàng Maybank tặng máy ảnh Nikon Coolpix S3100 cho những khoản chi chỉ 4.000 SGD hay túi xách giá trị trên 100 SGD với khoản chi 1.000 SGD.

Giải thích về mục đích “cho không” này, chị Lê Hương Lan, chuyên viên tài chính của Ngân hàng Deutsche Bank tại Singapore, nói: “Hội chợ du lịch là cơ hội để các ngân hàng “câu” khách “sộp”, bởi chỉ những người có thu nhập cao mới có khả năng chi hàng ngàn đô la cho du lịch. Trong khi đó, ai cũng có thể có trong ví thẻ tín dụng của nhiều ngân hàng khác nhau. Phải có ưu đãi lớn mới đủ hấp dẫn khách dùng thẻ của ngân hàng mình chi trả mà không dùng thẻ của ngân hàng khác”.

Chị Hương Lan cũng khẳng định các ngân hàng không nhận lại bất cứ khoản chia chác nào từ các công ty tổ chức tour. “Ngân hàng chấp nhận chi lớn cho quà tặng. Nhưng một khi khách hàng đã dùng thẻ của mình để chi trả thường xuyên thì chẳng bao lâu họ sẽ thu hồi vốn, nhờ vào khoản phí mà các cửa hàng phải trả cho ngân hàng khi khách dùng thẻ”, chị Lan nói.

Xét về khía cạnh kinh tế, thạc sĩ quản trị kinh doanh từ Đại học Connecticut (Mỹ), anh Lê Bình Phương, cho rằng cách làm này rất hay, bởi nó kích thích tiêu dùng mà nhiều ngành cùng có lợi. Hiện là giám đốc một công ty xuất nhập khẩu sản phẩm sức khỏe mới thành lập tại TP.HCM, anh Phương cho biết Việt Nam chưa có nhiều hình thức kinh doanh lôi kéo nhiều ngành cùng tham gia. Đặc biệt, các ngân hàng Việt Nam chưa chủ động trong việc tham gia vào các hoạt động kinh tế khác.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.