Ngân hàng chia sẻ lợi nhuận với doanh nghiệp khó khăn vì dịch

16/03/2020 07:13 GMT+7

Hệ thống ngân hàng chỉ cần lơ là, chậm trễ có thể sẽ khiến hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang hứng chịu đại dịch Covid-19 phải đóng cửa.

Với hơn 8 triệu tỉ đồng đã “bơm” ra (chiếm khoảng 70% dư nợ toàn nền kinh tế), chỉ cần hệ thống ngân hàng lơ là, chậm trễ có thể sẽ khiến hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang hứng chịu “cơn bão” đại dịch Covid-19 phải đóng cửa, rời bỏ thị trường.

Đi trước 1 bước...

Một trong những khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp (DN) kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát là hàng hóa ách tắc, sản xuất kinh doanh đình trệ, hàng xuất đi không bán được hoặc có đầu ra thì lại thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào... Dòng tiền thiếu hụt, không thu hồi được để thanh toán nợ vay ngân hàng (NH).
Nợ không trả được sẽ thành nợ xấu, không tiếp tục được vay vốn, không duy trì được sản xuất, lao động mất việc, DN đóng cửa... “Chúng tôi thống kê, từ khi bắt đầu có dịch Covid-19, TienPhongBank có khoảng 1.000 khách hàng với dư nợ khoảng 10.000 tỉ đồng có khả năng đến hạn không trả được. Tôi nghĩ đây là sự thách thức rất lớn bởi các DN vừa và nhỏ là lực lượng đang giải quyết việc làm cho phần lớn lao động”, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT NH TMCP Tiên Phong (TienPhongBank), chia sẻ.
Trong khó khăn, nguy cấp cần phải có những hành động kịp thời. Sự nhập cuộc nhanh của NH đã giúp các DN dễ thở hơn. Nhìn lại quá trình Covid-19 hoành hành, ngay khi Việt Nam xác nhận những ca đầu tiên, cửa khẩu với phía Trung Quốc tạm đóng cửa... hệ thống NH vào cuộc khá sớm.
Cụ thể, ngày 4.2, trong khi chờ thông tư hướng dẫn (theo quy trình của luật), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo toàn hệ thống phải chủ động nắm bắt, rà soát tình hình để cơ cấu lại ngay nợ, giảm lãi vay, miễn lãi cho DN.
Dù khi đó không ít ông chủ NH vẫn còn băn khoăn về việc giãn cho ai, giãn trong thời gian nào, song tất cả đều phải “xắn tay áo” chạy hết tốc độ.
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch VietinBank, cho biết nếu mang tâm lý chờ đợi hướng dẫn thì các DN sẽ phải đóng cửa, phá sản, NH cũng khó mà sống được. Do đó, VietinBank giảm lãi suất trước, hỗ trợ thanh khoản, tập trung vào các DN chịu tác động trực tiếp của Covid-19 trong lĩnh vực hàng không, du lịch, xuất nhập khẩu. “Nói hỗ trợ thì dễ bị hiểu lầm là cho đi. Bản chất ở đây là chia sẻ, khách hàng là bạn, đối tác của NH. Hai bên cùng nương tựa vào nhau vượt qua khó khăn trong đại dịch”, ông Thọ nói.
Bên cạnh VietinBank, các NH khác cũng liên tiếp đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ DN, cam kết cho vay với lãi suất giảm từ 0,5 - 1%/năm so với mặt bằng lãi suất chung như: Techcombank, VPBank, Vietcombank... Đồng thời, xem xét giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu, với mức lãi suất giảm từ 1 - 3%/năm; không tính lãi phạt, giảm phí dịch vụ NH.

Doanh nghiệp nào được hưởng?

Sau khi chủ động đi trước hỗ trợ DN, ngày 13.3, NHNN đã chính thức ban hành Thông tư 01/2020 để xử lý các bước tiếp theo về mặt quy trình. Theo Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, thông tư đảm bảo cơ sở pháp lý hướng dẫn các NH thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ cho DN, người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tinh thần chung là tạo điều kiện thuận lợi nhất để các NH được chủ động tái cơ cấu những khoản nợ đến hạn đối với DN, nhưng vẫn bảo đảm sự hỗ trợ đến đúng địa chỉ các đối tượng bị thiệt hại do Covid-19.
Một điểm khác biệt rất đáng chú ý, theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, khác với thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2009 khi việc hỗ trợ cho DN được thực hiện bằng nguồn ngân sách (cấp bù lãi suất), thì lần này nguồn chính từ lợi nhuận của các NH. “Các NH sẵn sàng, chủ động chia sẻ lợi nhuận của mình với khó khăn của DN do Covid-19”, ông Tú khẳng định.
Vậy những DN nào sẽ được giảm lãi, giãn nợ và trong thời gian bao lâu? Ông Nguyễn Trọng Du, Phó chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát thuộc NHNN, cho biết thêm: Thông tư quy định nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là số dư nợ gốc và/hoặc lãi đáp ứng đầy đủ các điều kiện: thứ nhất phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.
Thứ hai, phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23.1.2020 đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch Covid-19. Thứ ba, khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đánh giá thêm tác động của thông tư, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT NH Vietcombank, nói: “Các DN được giảm, miễn lãi tùy theo năng lực tài chính của các NH. Tại Vietcombank thì mức giảm miễn lãi là 1 - 1,5% đối với khoản vay bằng VND và 0,5% với dư nợ ngoại tệ. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để NH cơ cấu lại thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ. Các NH có thể tiếp tục cho vay mới với DN bị ảnh hưởng bởi dịch”.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cho rằng chỉ cần chậm trễ ban hành thông tư sẽ có thể gây ra hậu quả rất lớn, vì hiện nay 70% vốn trong nền kinh tế là từ tín dụng của hệ thống NH. Không cơ cấu lại nhanh, không khơi thông vốn được..., nhiều DN sẽ bị khai tử sau đại dịch. “Thông tư đã tạo hành lang pháp lý cho các NH triển khai cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ. Nếu không NH sẽ rất sợ nợ xấu mà không dám hành động quyết liệt”, ông Hiếu nói.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, NHNN, với tinh thần trách nhiệm cao vì cộng đồng xã hội, ngành NH hỗ trợ ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 với số tiền khoảng 110 tỉ đồng.

Tiếp tục xem xét giảm lãi cho 34.350 khách hàng

Báo cáo bước đầu của NHNN cho thấy, đến nay toàn hệ thống đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng với tổng dư nợ 21.753 tỉ đồng; miễn giảm lãi cho khoảng 8.000 khách hàng với số tiền trên 350 tỉ đồng. Các NH cũng đang xem xét miễn giảm lãi cho vay cho 34.350 khách hàng với dư nợ 185.000 tỉ đồng; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ mới, cho vay mới cho khoảng 5.493 khách hàng với doanh số cho vay dự kiến khoảng 24.000 tỉ đồng. Ngoài ra, tạm thời chưa chuyển nhóm nợ, xem xét giảm lãi suất, cho vay mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.