Ngân hàng đỏ mắt tìm 'tướng' giỏi

25/12/2015 11:22 GMT+7

Ngành ngân hàng đã có một năm 2015 hoạt động dưới áp lực lớn, tìm kiếm lợi nhuận khó khăn hơn trong khi 'đau đầu' tái cơ cấu và trên vai vẫn nặng gánh nợ xấu.

Ngành ngân hàng đã có một năm 2015 hoạt động dưới áp lực lớn, tìm kiếm lợi nhuận khó khăn hơn trong khi 'đau đầu' tái cơ cấu và trên vai vẫn nặng gánh nợ xấu.

Nhân sự cao cấp ở Eximbank là câu chuyện nóng bỏng về nhân sự ngành tài chính nhất năm 2015 - Ảnh: Diệp Đức MinhNhân sự cao cấp ở Eximbank là câu chuyện nóng bỏng về nhân sự ngành tài chính nhất năm 2015 - Ảnh: Diệp Đức Minh
Chính vì vậy, chưa bao giờ ngành ngân hàng biến động nhân sự cấp cao và đỏ mắt tìm nhân tài như hiện nay.
Dồn dập thay “tướng”
Tính ra, trong năm qua có 10 ngân hàng (NH) biến động vị trí tổng giám đốc (TGĐ). Mới đây, vào giữa tháng 12, ông Đào Trọng Khanh được bổ nhiệm làm TGĐ NH Quốc Dân. Ông Khanh đã làm việc tại các NH nước ngoài như Citi Group, Caylon Bank, Mizuho Bank và từng là CEO của NH Tiên Phong và là Phó chủ tịch của Maritime Bank (MSB). Ngồi ghế CEO, ông Khanh đang chấp nhận lèo lái một NH có chiều dài hoạt động 20 năm nhưng đang trong cuộc tái cơ cấu khốc liệt của ngành NH, nợ xấu đang ở mức 2,08% tính đến tháng 11 năm nay.
Nhân sự cao cấp ở Eximbank là câu chuyện nóng bỏng về nhân sự ngành tài chính nhất năm 2015, khi vị trí CEO và bầu chọn HĐQT gặp nhiều trắc trở. Không ít người đã bất ngờ trước sự rời đi của ông Phạm Hữu Phú, từ nhiệm vị trí CEO NH Eximbank với lý do cá nhân. Trước đó, Eximbank đã bổ nhiệm và miễn nhiệm vị trí CEO đối với ông Nguyễn Quốc Hương chỉ trong 4 tháng, ông trở lại chức vị phó tổng giám đốc, ông Phú từ Sacombank quay về thay thế. Ông Trần Tấn Lộc, Phó tổng giám đốc có 21 năm gắn bó với Eximbank lên giữ chức CEO. Đại hội đồng mới đây của NH này cũng đã bầu tân chủ tịch HĐQT. Ở Sacombank, ông Trầm Bê đã thôi giữ chức Phó chủ tịch HĐQT. Trong khi đó, CEO thâm niên của DongABank là ông Trần Phương Bình đã rời chức. Ông Nguyễn An, người đã gắn bó 20 năm ở NH này được chỉ định lên điều hành từ tháng 8.2015. Hiện NH này chưa có CEO chính thức.
Maritime Bank cũng là NH có nhiều biến động nhân sự cao cấp trong năm khi CEO người Ấn Độ Atul Malik từ nhiệm, Phó tổng giám đốc Tạ Ngọc Đa phụ trách điều hành thay và sau đó cũng đã chuyển sang làm Phó tổng NH Quốc Dân từ tháng 10 vừa qua. Maritime Bank đã bổ nhiệm ông Huỳnh Bửu Quang giữ vị trí TGĐ. Ông Quang đã có gần 20 năm kinh nghiệm tại NH HSBC tại VN và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông rời HSBC sau khi ông Phạm Hồng Hải được bổ nhiệm vào vị trí CEO của NH ngoại tại VN này.
Một NH ngoại khác tại VN cũng biến động nhân sự, đó là NH HongLeong, khi ông Lê Minh Tâm từ nhiệm vị trí CEO kể từ ngày 1.9.2015. Vào thời điểm tháng 5, khi ông Trần Ngô Phước Vũ rời ghế Tổng giám đốc NamA Bank để tham gia ứng cử vào HĐQT của Eximbank, thì NamA Bank đã đưa nữ Phó tổng giám đốc Lương Thị Cẩm Tú lên thay thế. Cùng lúc, NH An Bình (ABBank) cũng bổ nhiệm Phó tổng giám đốc lên thay chức CEO khi ông Phạm Duy Hiếu rời đi. Ông Hiếu từng được mệnh danh là CEO trẻ nhất trong làng tài chính ngân hàng khi lên chức ở tuổi 34.
Trong khi đó, LienVietPostBank cũng đang tìm kiếm người để ngồi ghế TGĐ sắp tới. Theo đó, ngày 6.1.2016, ngân hàng sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường bầu bổ sung thành viên hội đồng quản trị, trong đó NH sẽ bầu ông Phạm Doãn Sơn, hiện là CEO, vào HĐQT, vì vậy cần người thay thế vị trí ông Sơn để lại.
Đỏ mắt tìm nhân tài
Thị trường nhân sự tài chính cao cấp nhộn nhịp, các NH “đỏ mắt” tìm nhân tài, các CEO liên tục “chạm mặt” nhau khi từ NH này chuyển sang NH khác. Nhưng để tìm được một CEO phù hợp với cỗ máy đang chạy, thực hiện được tham vọng của cổ đông và HĐQT, “đốt cháy” được nhiệt huyết của nhân viên, có động lực làm việc vì NH là không dễ. Nếu tìm được, các CEO sẽ chắp cánh cho doanh nghiệp vươn xa, nhưng nếu không phù hợp có thể kéo doanh nghiệp đi lùi. Cũng vì lý do đó, thời gian giữ chức của các CEO ngày càng ngắn hơn. Nếu như thời kỳ trước có thể kéo dài 10-20 năm, thì nay nhiều trường hợp chỉ 1-3 năm, hoặc có người ngồi ghế đơn vị tính là tháng.
Đến nay, các NH, dù không nói ra, vẫn đang nhìn VPBank và mong muốn có một vị tướng vững vàng như đơn vị này đang có. Ông Nguyễn Đức Vinh, sau 12 năm ở vị trí CEO Techcombank, đã rời đi vào cuối năm 2011, và sau đó đã đầu quân về VPBank từ tháng 7.2012. Ông đã lèo lái đưa VPBank có một cuộc lột xác ngoạn mục trong 3 năm qua với lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đó, lợi nhuận trước thuế 2013 đạt 1.354 tỉ đồng, tăng 42% so với năm 2012, lợi nhuận sau thuế đạt 1.017 tỉ đồng, là mức lợi nhuận cao nhất của VPBank kể từ năm 2008. Năm 2014 VPBank đạt 1.254 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, tăng 23% so với 2013. Huy động tiền gửi của khách hàng tăng 29% và lần đầu tiên vượt mốc 100 ngàn tỉ đồng, tăng ròng gần 25 ngàn tỉ so với 2013. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, VPBank đạt lợi nhuận sau thuế 1.200 tỉ đồng.
“Năm 2013 là năm đầu tiên tôi nhận được tháng lương thứ 13 sau 3-4 năm làm việc”, một trưởng bộ phận tín dụng khách hàng cá nhân của NH này từng cho biết. Từ 3 năm qua, VPBank đã đi sâu và phát triển mạnh con đường cho vay tiêu dùng thông qua công ty tài chính FE Credit (VPB FC). Đây là con đường mà nhiều NH cũng đang tập trung phát triển.
Năm 2016 được dự báo là một năm mà các NH sẽ còn phải cạnh tranh khốc liệt để giữ vững thị phần huy động và thị phần tín dụng, trong khi nợ xấu vẫn chưa có lối ra thì những vị thuyền trưởng lèo lái những con tàu có quy mô hàng chục ngàn tỉ sẽ còn gặp nhiều thách thức. Chiếc ghế CEO sẽ còn nóng và cuộc chiến tìm những vị "tướng" tài giữ túi tiền cho mình sẽ còn khiến các ông chủ NH "đau đầu".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.