Ngân hàng đòi nợ kiểu 'khủng bố khách hàng'

23/08/2016 10:00 GMT+7

Ủy quyền cho công ty đòi nợ, điện thoại liên tục, đến tận cơ quan tranh cãi... Ít ai có thể tin được đó lại là kiểu hành xử của không ít ngân hàng với “thượng đế” của mình hiện nay.

“Quăng” khách hàng cho công ty thu hồi nợ
Liên tục trong tháng 7 vừa qua, chị Thùy Hương ở Q.3 (TP.HCM), bị nhiều người gọi điện thoại xưng là đòi nợ thay cho Ngân hàng (NH) VPBank, với lời lẽ hăm dọa, yêu cầu chị phải thanh toán gấp số tiền 17 triệu đồng đã sử dụng thông qua thẻ tín dụng mở tại VPBank. Đến gần cuối tháng 7, có một người tự xưng là chuyên viên xử lý nợ của một công ty đòi nợ thuê hẹn gặp và yêu cầu chị thanh toán khoản nợ nêu trên cho VPBank. Vì người này không có giấy giới thiệu, giấy ủy quyền gì từ phía NH nên chị Hương từ chối gặp. Chưa đầy 2 tuần sau, người này quay lại “trình” giấy giới thiệu của công ty đòi nợ, kèm theo đó là thông báo yêu cầu thanh toán nợ, cùng đi còn có một người khác.
Chị Hương bức xúc: "Hằng tháng, khi nhận được tin nhắn thông báo phải thanh toán số dư tối thiểu tôi đều đóng đầy đủ. Đến cuối tháng 6, NH vẫn không có một tin nhắn hay điện thoại nhắc nhở tôi phải đóng hết toàn bộ số tiền nợ nêu trên trong khoảng thời gian cụ thể thì bỗng dưng quăng tôi sang cho công ty đòi nợ thuê. Người đi đòi nợ có thái độ hằn học, gay gắt, hăm dọa khiến tôi hết sức bực bội". Chỉ riêng ngày 17.8, chị Hương nhận tổng cộng 11 cuộc điện thoại từ phía công ty đòi nợ. Trong khi theo bảng sao kê tài khoản thẻ, từ ngày 27.6.2014 đến 9.8.2016, nợ phát sinh hơn 43 triệu đồng nhưng chị Hương đã thanh toán hơn 26 triệu đồng, số nợ còn 17 triệu đồng. NH ghi lãi suất thông thường là 45%/năm.


Công ty thu hồi nợ nếu có lời lẽ hay hành vi mang tính hăm dọa khách hàng thì điều đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Vì vậy các ngân hàng cần phải xem xét cẩn thận và nên nhắc nhở các nhân viên hoặc công ty đòi nợ khi ủy quyền

Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Ông T.V.Phương (Q.Bình Tân) ngán ngẩm khi kể, tháng 8.2013 ông vay tiêu dùng tín chấp VPBank số tiền 21 triệu đồng cộng thêm phí bảo hiểm 1,05 triệu đồng. Ông Phương góp được 5 kỳ với số tiền trên 7 triệu đồng thì bản thân ông bị tai nạn, con thì bệnh nên trễ hạn đóng tiền. Đến tháng 12.2014, một công ty luật thay mặt VPBank đòi nợ với số tiền 37,672 triệu đồng nhưng ông Phương vẫn chưa thể trả. Đến tháng 5.2015, nhân viên một công ty thu hồi nợ đến nhà đòi nợ ông Phương với số tiền 62,5 triệu đồng. “Số tiền đưa ra quá lớn so với khoản vay trước đó nên tôi đã làm việc lại với VPBank mỗi tháng trả 1 triệu đồng, phía NH đồng ý. Thế nhưng phía công ty đòi nợ không chịu và yêu cầu tôi phải trả trong 3 kỳ với nhiều câu nói thóa mạ, uy hiếp tinh thần... nếu chậm trễ. Sau khi thỏa thuận với NH, mỗi tháng hiện nay tôi trả góp 1 triệu đồng và số tiền trả đã nhiều hơn số tiền vay rất nhiều. Một số tháng tôi đóng trễ, người của công ty lại đòi nợ bằng cách gọi điện hoặc đến nhà. Tôi và gia đình hết sức lo lắng”, ông Phương nói.
Anh Nguyễn Đình (Q.1) cho biết anh sử dụng thẻ tín dụng của HSBC, sắp đến ngày thanh toán là nhân viên lại gọi nhắc, có khi ngày gọi đến 4, 5 lần, thậm chí lúc 6 giờ tối còn yêu cầu phải ra NH đóng tiền. “Nhiều lúc đang bận họp mà các cô nhân viên NH cũng không tha, cứ hỏi tới hỏi lui. Riết nản luôn... Không biết NH có huấn luyện nhân viên khi giao tiếp qua điện thoại hay là chỉ thuê dịch vụ bên ngoài và đến hẹn lại lên, nhắc khách hàng như một cái máy nhưng lại quên xem giờ giấc. Hoặc đôi khi sáng đã trả lời mà chiều vẫn tiếp tục gọi nội dung như cũ. Số tiền thì chỉ có hơn 1 triệu mà như đòi nợ tiền tỉ”, anh Đình than.
Phí thu hồi nợ cao
Theo một chuyên gia pháp lý tại NH cổ phần, những khoản nợ khó đòi sẽ được xử lý theo 3 dạng. Đối với những công ty cho vay tín chấp, việc đòi nợ thường theo kiểu “xã hội đen”. Đối với khoản vay có tài sản thế chấp sẽ được công ty xử lý nợ của NH xử lý. Dạng thứ 3 là NH thuê hẳn công ty đòi nợ hoặc bán khoản nợ đó cho một công ty thứ 3. Với kiểu thứ 3, NH thường trả công ty này mức phí rất cao, lên tới 30% số nợ được thu hồi. Nhưng đây vẫn chưa phải con số cao nhất. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các công ty thu hồi nợ thường lấy mức phí từ 15 - 60% tùy vào số tiền nợ được đòi. Số tiền nợ đòi càng ít thì mức phí càng cao. Đơn cử, có công ty thu hồi nợ đưa ra mức dưới 30 triệu đồng có phí là 50%, từ 30 - 50 triệu đồng là 45%, trên 3 tỉ đồng là 15%. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng vì các công ty đòi nợ thuê được hưởng mức phí khá cao trên tổng số tiền thu hồi được nên họ sẽ sử dụng nhiều cách để cố gắng lấy được tiền càng nhiều càng tốt, tích cực áp dụng các hình thức để có thể thu hồi nợ.
TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, nhận định việc NH thuê các đơn vị bên ngoài thu hồi nợ là bình thường. Tuy nhiên, khi công ty đòi nợ thuê có hành xử không đàng hoàng, gây phản cảm và phiền hà cho khách hàng thì hình ảnh, thương hiệu của NH đó sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, bản thân các NH phải có trách nhiệm kiểm soát, nhắc nhở các công ty được ủy quyền có cách hành xử văn minh. Bởi nếu sau khi sử dụng các biện pháp thu hồi nợ không thành công thì NH còn có quyền khởi kiện ra tòa dân sự.
Còn luật sư Nguyễn Văn Hậu cảnh báo: “Công ty thu hồi nợ nếu có lời lẽ hay hành vi mang tính hăm dọa khách hàng thì điều đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Vì vậy các NH cần phải xem xét cẩn thận và nên nhắc nhở các nhân viên hoặc công ty đòi nợ khi ủy quyền”.
Theo TS Bùi Quang Tín, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, trước áp lực thu hồi các khoản nợ xấu, NH ký hợp đồng ủy thác cho công ty thu hồi nợ nhưng lại không biết, không quan tâm họ sẽ làm gì sau đó. Trong khi cách hành xử của các công ty thu hồi nợ làm cho người vay trở nên căng thẳng khó chịu, bức xúc. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của phía NH chứ không phải công ty thu hồi nợ. “Dù rằng hợp đồng ủy thác giữa NH và công ty thu hồi nợ là hợp pháp nhưng khách hàng có quyền từ chối nếu công ty thu hồi nợ có những hành xử không lịch sự”, ông Tín nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.