Ngân hàng lâu đời nhất thế giới cần chính phủ giải cứu

25/12/2016 14:46 GMT+7

Ngân hàng hoạt động lâu đời nhất thế giới đang cần một gói cứu trợ từ chính phủ.

Theo CNN, nhà băng Ý Monte dei Paschi di Siena vừa cho biết hôm 24.12 rằng họ hiện tìm kiếm “sự hỗ trợ tài chính bất thường và tạm thời” khi nỗ lực huy động vốn từ các nhà đầu tư bất thành. Chính phủ Ý đã và đang chuẩn bị cho tình huống này bằng cách sắp xếp quỹ cứu trợ 20 tỉ EUR, tương đương 20,9 tỉ USD, để giúp vực dậy các nhà băng đang gặp khó của đất nước.
Dù vậy, Monte dei Paschi di Siena không nói rõ họ cần bao nhiêu tiền. Trước đó, nhà băng cố gắng thuyết phục các nhà đầu tư bơm thêm 5 tỉ EUR, tương đương 5,2 tỉ USD, song tình hình bất ổn chính trị cùng kinh tế đến sau việc Thủ tướng Ý Matteo Renzi đệ đơn từ chức hôm 7.12 khiến nhiều nhà đầu tư thận trọng.
Bất kỳ động thái giải cứu nào cũng sẽ cần sự chấp thuận từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Nếu được phê duyệt, chính phủ Ý không phải là bên duy nhất có tình hình tài chính chịu tác động bởi gói cứu trợ. Theo luật mới của châu Âu, các nhà đầu tư phải chịu tác động tài chính trước khi chính phủ có thể “ra tay” giải cứu. Việc này làm dấy lên lo ngại rằng những người tiết kiệm nhỏ lẻ trong ngắn hạn có thể bị ảnh hưởng.
Song trong một cuộc họp báo diễn ra hôm 24.12, Bộ trưởng Tài chính Ý Pier Carlo Padoan cho biết gói cứu trợ dành cho Monte dei Paschi di Siena sẽ “bảo vệ” quyền lợi của những người tiết kiệm nhỏ lẻ và các cổ đông.
Monte dei Paschi di Siena được thành lập vào năm 1472 và hiện có gần 28 tỉ EUR, tương đương 29,3 tỉ USD, nợ xấu. Cổ phiếu nhà băng hạ 88% từ đầu năm đến nay và giao dịch cổ phiếu của họ bị tạm ngừng từ hôm 24.12.
Nhiều ngân hàng Ý chật vật với chi phí cao và lợi nhuận thấp nhiều năm qua. Hàng tỉ EUR trong các khoản vay xấu đi vì kinh tế trì trệ. Kinh tế Ý hầu như không tăng trưởng trong một thập niên qua. Lúc này, các ngân hàng Ý đang gánh khoảng 360 tỉ EUR, tương đương 376 tỉ USD, nợ xấu, tương đương khoảng 1/3 tổng số nợ trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone).
Ý dự báo một số ngân hàng khác nhỏ hơn cũng sẽ sớm nhờ cậy chính phủ để vực dậy tình hình tài chính. Chính phủ nước này đang xem xét rút 20 tỉ EUR từ quỹ cứu trợ. Đầu tháng này, ngân hàng lớn nhất Ý là UniCredit công bố kế hoạch huy động 13 tỉ EUR, tương đương 13,6 tỉ USD, và cắt giảm hàng ngàn việc làm để cải thiện tình hình tài chính.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.