Ngân hàng nào hoạt động hiệu quả nhất năm 2020?

25/02/2021 15:38 GMT+7

Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, tối ưu hóa hoạt động, kiểm soát tốt chi phí đầu vào trở thành một vũ khí cạnh tranh của các ngân hàng.

Trong các ngân hàng trên thị trường, VPBank là ngân hàng có chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) thấp và đây cũng là ngân hàng có CIR dưới 30%.

Tối ưu chi phí, ngân hàng giữ phong độ lợi nhuận

Một trong những nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng vẫn giữ được phong độ lợi nhuận trong bối cảnh dịch bệnh năm qua là cắt giảm và tối ưu hóa chi phí hoạt động. Chính vì vậy, ngoài các yếu tố như tỷ suất sinh lời (ROA, ROE), biên độ lãi ròng (NIM)… thì chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) cũng là một trong những yếu tố phản ánh rõ nhất hiệu quả hoạt động của một ngân hàng.
Theo khảo sát gần đây, trong số hơn 20 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính năm 2020, VPBank là ngân hàng có chỉ số CIR thấp, đây cũng là ngân hàng có CIR dưới 30% trên thị trường.
Hệ số CIR thể hiện mức chi phí mà ngân hàng phải bỏ ra để tạo doanh thu, CIR càng thấp càng chứng tỏ ngân hàng hoạt động hiệu quả. Chia sẻ lý do giữ vị trí hàng đầu thị trường về chỉ số CIR, bà Lưu Thị Thảo, Phó tổng giám đốc VPBank cho hay, năm 2020, đối mặt với rất nhiều thách thức, bất ổn do Covid-19, VPBank đã thực hiện rất nhiều chiến lược về quản lý rủi ro, về số hóa cũng như có những sự đầu tư hiệu quả, nhờ vậy đã tiết kiệm được chi phí vận hành của chính ngân hàng, qua đó giúp tiết kiệm chi phí giao dịch của khách hàng và giúp thu hút khách hàng đến với ngân hàng và lựa chọn sử dụng nhiều dịch vụ hơn.
“Nhờ vậy, hệ số CIR của VPBank đến cuối năm 2020 tiếp tục được tối ưu hóa ở mức 29,2% - thấp nhất thị trường hiện nay. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn tiếp tục kiên trì với chiến lược là tối ưu hóa bảng cân đối, đồng thời nỗ lực giảm chi phí vốn. Đến cuối năm 2020, chi phí vốn của VPBank đã giảm 0,6%”, bà Thảo cho hay.
Sở dĩ VPBank có chỉ số chi phí trên thu nhập thấp trên thị trường là nhờ nhiều năm qua, ngân hàng này đã thực hiện một chương trình tái cơ cấu nội bộ có tên là “Be Fit” để tối ưu hóa quy trình, nâng cao năng suất lao động, gọn nhẹ bộ máy. Nhờ vậy, vài năm gần đây, chỉ số CIR của VPBank liên tục được cải thiện, đưa VPBank liên tiếp đứng hàng đầu trong các ngân hàng có chỉ số hiệu quả cao trên thị trường.
Việc mạnh tay đầu tư số hóa không chỉ giúp VPBank tối ưu hóa vận hành, giảm thiểu chi phí, nâng cao trải nghiệm và gia tăng nền tảng khách hàng, mà còn giúp doanh số giao dịch qua kênh ngân hàng điện tử tăng gấp 2 lần so với năm 2019. Số lượng khách hàng số tại VPBank đạt mức tăng trưởng ấn tượng, tăng 58% so với năm 2019. Cùng với đó, khối lượng giao dịch qua ứng dụng VPBank Online tăng gấp 2 lần so với năm ngoái. Chi phí hoạt động năm 2020 nhờ đó cũng giảm 7,7% so với năm trước.
Ngoài ra, tính riêng trong tháng 12.2020, chi phí huy động vốn bình quân của VPBank đã giảm được tới 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng mẹ tiếp tục cải thiện và duy trì ở mức 15% trong cả năm 2020, tăng so với mức 13% cuối năm 2019. Đặc biệt, CASA của nhóm khách hàng cá nhân tăng tới 55%. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tăng giúp ngân hàng duy trì NIM ở mức ổn định, đồng thời cho thấy ngân hàng tiếp tục duy trì được sự thu hút với khách hàng.

Năm 2021: Hạ thêm chi phí vốn, cải thiện biên lợi nhuận

Kiểm soát chi phí cộng với nỗ lực đẩy mạnh kinh doanh đã giúp VPBank tiếp tục dẫn đầu nhóm ngân hàng TMCP tư nhân trên thị trường về lợi nhuận. Năm 2020, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 13.000 tỉ đồng, tăng 26,1 % so với cùng kỳ năm ngoái, vượt 27,5% mục tiêu đề ra. Năm 2020, VPBank cũng là ngân hàng đứng thứ nhì hệ thống về tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA).
Theo bà Lê Hoàng Khánh An, Giám đốc khối Tài chính VPBank, giảm chi phí vốn vẫn sẽ tiếp tục là một trong những trọng tâm của VPBank trong năm 2021. Nỗ lực này không nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh với các đối thủ mà chủ yếu là để tăng cường hiệu quả danh mục hoạt động. Trong bối cảnh lãi suất huy động giảm trên cả thị trường thế giới lẫn trong nước, chiến lược giảm chi phí vốn của VPBank rất khả thi.
Ngoài cơ cấu lại bảng cân đối tài sản, việc tiếp tục đẩy mạnh sản phẩm, dịch vụ số, bắt tay mở rộng hệ sinh thái số cũng sẽ khiến VPBank tiếp tục cải thiện chỉ số CIR.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank khẳng định, chiến lược số hóa triển khai 3-4 năm vừa qua đã giúp ngân hàng tiết kiệm khoản chi phí đáng kể, thúc đẩy năng suất, tối ưu hóa chi phí vận hành và thúc đẩy hiệu quả vận hành. Đồng thời, chiến lược số hóa cũng giúp VPBank thu hút được nhiều khách hàng hơn.
Cũng theo Tổng giám đốc VPBank, năm 2021, ngân hàng này sẽ tiếp tục thực hiện chương trình Be Fit để tối ưu hóa chi phí, tinh giản hóa bộ máy tổ chức, đặc biệt là tối ưu hóa bảng cân đối. Theo kỳ vọng của Tổng giám đốc VPBank, với tình hình thanh khoản càng ngày dồi dào của thị trường cũng như với cơ cấu huy động ngày càng tối ưu của ngân hàng, năm 2021, ngân hàng sẽ thành công trong giảm chi phí vốn xuống thêm 1%, từ đó tiếp tục cải thiện biên lợi nhuận (NIM).
“Tất nhiên, chúng tôi chỉ có thể thực hiện tất cả những chiến lược đó nếu có một cái nền tảng vốn vững chắc. Do đó, duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) ở mức cao hơn rất nhiều so với quy định tối thiểu Ngân hàng Nhà nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngân hàng trong năm 2021. Chúng tôi cũng mong có thể huy động thêm nhiều nguồn vốn khác nhau trên thị trường để có thể ứng phó đảm bảo tốt hơn không chỉ là cho năm 2021 mà còn 5 năm tiếp theo. Mục tiêu của chúng tôi là biến VPBank trở thành một trong ba ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam và là một trong top 3 ngân hàng giá trị nhất Việt Nam”, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.