Ngôi vị lớn nhất là niềm tin của người dân

20/05/2020 06:22 GMT+7

Cải cách hành chính có tính chất sống còn cho câu chuyện uy tín, niềm tin của người dân, xã hội với cơ quan quản lý nhà nước nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.

Đó là khẳng định của ông Đào Minh Tú, thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước, trong cuộc trao đổi với Thanh Niên bên lề Hội nghị trực tuyến công bố "Chỉ số cải cách hành chính năm 2019" (PAR index 2019) ngày 19.5, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước lần thứ 5 liên tiếp dẫn đầu chỉ số này.
Đoạt ngôi vị đã khó, giữ ngôi vị còn khó hơn, giữ 5 năm liên tục trong bối cảnh tất cả bộ, ngành đều quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC) chắc chắn rất khó. Ông có thể cho biết ngành ngân hàng (NH) đã làm gì để đạt được kết quả này?
Trước khi giữ ngôi vị quán quân 5 năm liên tục tính tới nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đứng ở nhóm 2 - 3 thôi. Nói thế để thấy, đây là cả một quá trình phấn đấu liên tục và đến lúc này tôi có thể kết luận, "chìa khóa của thành công" là việc thay đổi nhận thức về cải cách TTHC.
Nếu chỉ coi đây là công việc bình thường, làng nhàng thì cũng có thể hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể có được kết quả như thế này. Còn ở NHNN, ngay từ đầu chúng tôi nhận thức cải cách hành chính (CCHC) có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội và kinh tế. NHNN là đơn vị đầu tiên công bố bộ TTHC hoàn chỉnh...
Ý tôi muốn nói rằng, chúng tôi đã coi CCHC là việc trọng yếu, thiết yếu ngay từ đầu và đó là nền tảng để ngành NH quyết liệt thực hiện trong suốt 10 năm qua.
Ông có thể nói rõ hơn sự "thay đổi nhận thức" về CCHC của ngành NH?
Chúng ta đều biết, di sản của một nền kinh tế kế hoạch hóa trước đó để lại không chỉ là thủ tục mà còn là tập tục trong hành động, ứng xử giữa nhà nước với người dân và doanh nghiệp (DN). Trước đây, người ta nhìn NH như là nơi ban phát, là kẻ mạnh, còn người vay là yếu thế.
Từ đó thái độ ứng xử, các thủ tục tiếp cận tín dụng, dịch vụ NH... nói riêng và các dịch vụ công nói chung có cái chưa phù hợp, còn nhiều rào cản. Nó khiến người dân, DN ngán, ngại ngay cả khi có nhu cầu.
Thế nên chúng tôi xác định, CCHC có tính chất sống còn cho câu chuyện uy tín, niềm tin của người dân, xã hội với cơ quan quản lý nhà nước nói chung và ngành NH nói riêng.
Chúng ta CCHC là để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, dễ dàng, tiết kiệm, hiệu quả, minh bạch; để tháo gỡ đi các khó khăn, phức tạp, làm sao cho các quan hệ kinh tế nhanh chóng hơn, năng động hơn, rõ ràng hơn, trong một khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh hơn.
Vậy rõ ràng, mục tiêu cuối cùng của CCHC là phát triển kinh tế xã hội. Khi đã nhận thức như vậy thì phải quyết liệt làm thôi. Rồi trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng "ngộ" ra, CCHC làm tốt bao nhiêu thì chính cơ quan quản lý nhà nước, chính các bộ - ngành, các NH cũng được hưởng lợi chứ không phải làm chỉ cho người dân, DN được hưởng đâu.
Thực ra nói đến cắt giảm TTHC ai cũng nghĩ người dân, DN sẽ giảm được thời gian, chi phí, công sức... khi tiếp cận các dịch vụ tín dụng, còn NH thì "hưởng" những gì thưa ông?
Chúng ta đều thấy, thị trường tài chính hiện nay không chỉ các tổ chức tín dụng trong nước cạnh tranh với nhau mà hàng trăm NH nước ngoài đã có mặt ở VN rồi. Nếu "ông" (NH - PV) không cải cách nhanh trong khi bên kia người ta (NH nước ngoài) dịch vụ thuận lợi hơn; sản phẩm ưu việt, hiện đại hơn thì chắc chắn họ sẽ thu hút khách hàng của "ông" thôi.
Đó là quy luật của kinh tế thị trường. NH cũng là DN, năng lực cạnh tranh thể hiện ở sự ưu việt trong các sản phẩm cung cấp ra thị trường. Phải làm sao để có những sản phẩm chất lượng dịch vụ (thái độ phục vụ và tính ưu việt của sản phẩm), giá cả tín dụng (hạ lãi suất, giảm phí) cạnh tranh nhất, những khoản cho vay ngồi nhà có thể thực hiện được, hay các dịch vụ thanh toán tiện lợi mà đảm bảo an toàn... tất cả câu chuyện đó có nội hàm của CCHC.
Thế nên càng CCHC mạnh, càng giúp các NH thương mại nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó nhận được sự tín nhiệm của khách hàng. Thực tế nhiều năm nay, NHNN tập trung vào hiện đại hóa, coi việc phát triển công nghệ thông tin là trụ cột.
Đặc biệt, Dự án thanh toán điện tử liên NH triển khai thành công đã đưa hạ tầng công nghệ ngành NH trong nước ngang tầm với các nước trong khu vực. Covid-19 vừa rồi chứng minh một lần nữa hiệu ứng của việc này.
Các dịch vụ thanh toán, vay - trả online, trực tuyến, không cần các thủ tục hồ sơ... đã giúp ngành NH vẫn đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, DN và vẫn bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh... Cái "được" của ngành NH chính là chỗ đó.
Còn người dân và DN, họ nhận được gì sau 5 ngôi vị "quán quân" của ngành NH?
Nhiều chứ, hơn 80% TTHC trong lĩnh vực NH đã được cắt bỏ. Đơn cử như vay vốn. Nếu trước đây phải có từ 30 - 32 loại văn bản, hồ sơ chứng minh; trong đó nhiều văn bản đòi hỏi phải có dấu đỏ thì giờ rút xuống còn 4 - 5 loại, nhiều loại không nhất thiết phải dấu đỏ nữa; hoặc các khoản tín dụng đã vay rồi, tiếp tục vay nữa thì chỉ cần chứng minh hiệu quả của dòng vốn, không như trước kia, mỗi một khoản vay là một hồ sơ...
Tương tự, giờ đây việc cấp phép cho một NH thương mại, một DN vay vốn nước ngoài… thủ tục cũng rất đơn giản, có thể thực hiện online, giảm rất nhiều chi phí thời gian, đi lại... Nhờ thế, các NH nâng cao được năng lực tài chính, có nguồn lực để giảm lãi suất cho người dân và DN.
Cũng phải nói rõ là "ngôi vị" này có sự chấm điểm của người dân, DN - những người trực tiếp thụ hưởng thành quả của việc CCHC thông qua phiếu thăm dò xã hội chứ không phải chỉ các bộ, ngành ngồi chấm điểm với nhau. Nên nó hoàn toàn khách quan và thực tế.
Bỏ qua ngôi vị quán quân, kết quả nào từ CCHC của ngành NH mà ông tâm đắc nhất?
Đó là tạo được niềm tin cho thị trường, người dân và DN. Khi những thủ tục phức tạp rườm rà được gạt bỏ, môi trường kinh doanh được cải thiện... người dân nhận thấy thông qua cải cách này, họ được lợi ích nhiều hơn, lợi ích tập thể cũng được nhiều hơn và cả xã hội cũng được lợi nhiều hơn thì họ đặt niềm tin thôi.
Niềm tin này càng thúc đẩy các cơ quan nhà nước phải cải thiện môi trường thuận lợi hơn, minh bạch hơn. Từ đó quyền lợi của DN, người dân trong mối quan hệ với NH được bảo vệ nhiều hơn. Đó là chiều sâu của việc CCHC chứ không chỉ là tiết kiệm được từng này thời gian, chi phí trong việc tiếp cận tín dụng NH.
Một kết quả nữa mà chúng tôi tâm đắc là nó đã thiết lập mối quan hệ bình đẳng, cộng sinh, hợp tác, chia sẻ, cùng chung lợi ích giữa người cho vay và người đi vay. Các tổ chức tín dụng phải quyết liệt cạnh tranh để thu hút khách hàng chứ không thể chỉ biết bản thân mình như trước đây.
Mối quan hệ cộng sinh này cũng thúc đẩy hai bên hợp tác chặt chẽ, công khai, minh bạch hơn trong thu nhập, lợi nhuận, chi phí... từ đó quyền lợi được chia sẻ một cách hợp lý hơn. Kiểu tôi tin tưởng "ông", tôi cho ông vay lãi suất thấp hơn; ông minh bạch hơn, tôi cho vay nhanh hơn... Trên thị trường hiện nay có chuyện đó và đấy là những kết quả mà chúng tôi đã quyết liệt thực hiện suốt 10 năm qua.

Quảng Ninh, NHNN tiếp tục dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính

Ngày 19.5, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố chỉ số CCHC (PAR index) và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2019.
Trong 17 bộ, ngành được xếp hạng chỉ số CCHC của các bộ, ngành năm 2019 thì NHNN tiếp tục đứng ở vị trí số 1 khi đạt chỉ số 95,4%, vị trí thứ 2 là Bộ Tài chính đạt 94,77%, Bộ Tư pháp đứng thứ ba với chỉ số 90,12%. Ở nhóm cuối, Bộ GTVT (chỉ số 80,53%) tiếp tục đứng chót bảng (như năm 2018); trên 1 bậc là Bộ Y tế (80,68%); Bộ TT-TT đứng thứ 15 (81,58%). Chỉ số trung bình của 17 bộ, ngành năm nay là 85,63%, tăng 2,95% so với giá trị trung bình của năm 2018.
bảng xếp hạng dành cho các địa phương, tỉnh Quảng Ninh cũng tiếp tục đứng đầu, chỉ số đạt 90,09%. Hà Nội đứng thứ 2 (84,64%), nhỉnh hơn địa phương thứ 3 là Đồng Tháp 0,21%. Đứng cuối bảng từ dưới lên lần lượt là Bến Tre (73,87%), Vĩnh Long (76,61%) và Quảng Ngãi (76,86%). Chỉ số CCHC trung bình của các địa phương năm 2019 đạt 81,15%, cao hơn 4,23% so với năm trước đó.
Về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2019 (chỉ số SIPAS 2019), 3 tỉnh, TP đứng đầu là Quảng Ninh, Hải Phòng, Cà Mau; 3 tỉnh có chỉ số thấp nhất là Bình Thuận, Đắk Lắk, Cao Bằng.
Phát biểu tại buổi công bố, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhìn nhận nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm trễ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, thay đổi phương thức trong giải quyết thủ tục. Bên cạnh đó còn tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn, gây phiền hà cho người dân, DN nhưng không thực hiện việc xin lỗi người dân, tổ chức khi trễ hẹn.
“Người dân, DN khi đến cơ quan hành chính nhà nước phải được hướng dẫn cụ thể về trình tự và thủ tục, nếu công chức và cơ quan trễ hẹn ngày trả kết quả giải quyết thì phải nêu rõ lý do và xin lỗi chân thành. Xin lỗi là điều đầu tiên người cán bộ phải biết, thể hiện sự trọng dân, học dân”, Phó thủ tướng yêu cầu.
Chí Hiếu 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.