Người Sài Gòn “lơ” vàng dù giá giảm

29/02/2020 10:18 GMT+7

Vàng tăng thì đổ xô đi mua, vàng giảm đổ xô đi bán, vàng giảm mạnh thì lại không mua - không bán - không giao dịch.

Vàng giảm, khách vắng

Cuối buổi sáng 28.2, khảo sát các cửa hàng, trung tâm vàng bạc đá quý lớn tại TP.HCM đều có chung hiện tượng vắng khách. Trong hai ngày 27 - 28.2, những ngày sau cơn sốt tăng 3 triệu đồng/phiên gây náo loạn thị trường, trụ sở Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC vắng hoe không một người khách ra vào, khác hoàn toàn với những ngày trước đó, khách hàng phải bốc số chờ đến lượt vào giao dịch.

Mức chênh lệch bị kéo lên gần 2 triệu đồng/lượng trong ngày đầu tuần vừa qua, tương đương khoảng 6% là quá cao. Điều này đồng nghĩa khi nhà đầu tư bỏ tiền vào vàng đã mất đi một tỷ suất lợi nhuận tương ứng và rơi vào túi các đơn vị kinh doanh. Điều này diễn ra vì thị trường vàng VN vẫn chưa có tính liên thông với thị trường thế giới nên hầu như giá bị chi phối của các công ty kinh doanh mà không phụ thuộc vào lượng mua bán trên thị trường.    

TS Lê Đạt Chí

Tại Trung tâm vàng bạc Bến Thành ở địa chỉ 68 Lê Lợi (Q.1, TP.HCM), hầu như không có bóng dáng người mua. Sau gần 1 giờ có mặt tại đây, hơn chục quầy giao dịch vàng, nhưng chỉ có 1 - 2 khách hàng bước vào rồi lại nhanh chóng đi ra, không có giao dịch. Công việc chính của chủ tiệm tới nhân viên bán hàng là nhắn tin, điện thoại, lướt web... thậm chí cũng không thèm ngẩng đầu lên khi chúng tôi bước vào hỏi thăm.
Chị Uyên, chủ quầy vàng Kim Hưng - Thanh Uyên tại đây, cho biết khách đến giao dịch chủ yếu là người quen nhưng gần đây cũng rất ít. Trung tâm này bị ảnh hưởng nặng kể từ giữa năm 2014 đến nay do đoạn đường Lê Lợi phía trước bị cấm lưu thông để thi công nhà ga ngầm thuộc dự án metro Bến Thành - Suối Tiên. Giờ thêm dịch Covid-19, rồi thì sau cơn nóng, thị trường lạnh lại... càng heo hút. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở nhiều cửa hàng vàng bạc đá quý tại tuyến đường Lê Thánh Tôn bên hông chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM). Đây vốn là nơi tập trung rất nhiều cửa hàng trang sức lâu đời, nhộn nhịp bậc nhất của thành phố. Thế nhưng tình trạng cũng không khá hơn là bao. Người bán đều có chung câu trả lời “ế lắm, vắng khách lắm em ơi” khi chúng tôi hỏi về hoạt động mua bán hiện nay.
Chủ quầy vàng Thạch Anh Bảo (Trung tâm vàng bạc đá quý Bến Thành Lê Thánh Tôn, Q.1) than từ sáng tới giờ chưa có khách nào. Nhìn đồng hồ, đã là đầu giờ chiều. Vài tiếng nữa là hết ngày.
“Em cứ nhìn hết các quầy ở đây cũng thấy không hề có khách. Tình trạng này diễn ra nhiều ngày nay rồi”, cô chủ quầy nói. Đi một dọc 20 quầy mua bán nữ trang phía trong trung tâm dịch vụ giới thiệu thu đổi ngoại tệ nằm kế bên tại số 180 - 182 Lê Thánh Tôn (Q.1) cũng chỉ có vỏn vẹn 2 người khách đang đứng xem. Các quầy còn lại chỉ có người bán đứng tán gẫu với nhau hoặc cũng sử dụng điện thoại. Cả người phụ bán và chủ quầy Kim Hoàn Châu cũng cho hay rất vắng khách.
Những năm trước, sau Tết Nguyên đán, nhu cầu mua vàng, nữ trang của người dân cũng khá nhiều khiến các cửa hàng nơi đây kinh doanh đắt hàng. Nhưng hiện nay thì khách thưa thớt, nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát, ngay cả khách quen cũng không có. Người bán này giả sử nếu như trước đây mỗi ngày có 10 khách giao dịch, thì nay chỉ được khoảng 2 - 3 là đã mừng lắm rồi.
Khi được hỏi vậy lúc vàng tăng mạnh như ngày đầu tuần thì người mua có đông không? Cô chủ quầy này trả lời với vẻ ngạc nhiên: “Không đông đâu, vàng tăng ai mà đi mua hả chị. Hay người ta chỉ đi mua vàng miếng ở chỗ khác vì tại đây chủ yếu bán vàng trang sức. Từ sau tết đến nay lúc nào khách cũng ít. Khách mà đi chợ Bến Thành vắng thì chị biết mấy cửa hàng này cũng vắng theo hết”, cô chủ quầy Kim Hoàn Châu nói thêm. Cùng cảnh tượng, hơn 11 giờ ngày 28.2, khoảng 20 tiệm vàng ở khu vực chợ Tân Định (Q.1) đều không một bóng khách hàng ra vào. Nhân viên các tiệm vàng không bấm điện thoại thì cũng nói chuyện với nhau.

Mua cao không sợ, mua giá thấp lại... lo ?

Được mệnh danh là địa điểm mua bán nữ trang sôi động nhất tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM, các cửa hàng Mi Hồng (quanh khu vực chợ Bà Chiểu) sáng ngày 28.2 vắng hơn mọi ngày. Trong khoảng 30 phút quan sát các giao dịch tại cửa hàng tại góc đường Bùi Hữu Nghĩa - Vũ Tùng, lượng khách vào tiệm thưa thớt, chưa đến 10 người đang xem các mẫu nữ trang. Khu vực vàng miếng và vàng nhẫn của tiệm vàng Mi Hồng gần như vắng khách dù giá vàng trên bảng điện được điều chỉnh giảm khá nhiều so với ngày trước đó.
Khi chúng tôi bước vào tiệm, mỗi lượng vàng miếng SJC ở mức 46,1 triệu đồng (mua vào), bán ra 46,55 triệu đồng/lượng (bán ra); vàng 4 số 9 có giá mua 45,45 triệu đồng/lượng, bán ra 46,05 triệu đồng/lượng. Đến 12 giờ hơn, giá mua giảm thêm 100.000 đồng mỗi lượng, còn 45,9 triệu đồng, bán ra còn 46,45 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên giá vàng nữ trang 61% vẫn giữ giá ở mức 26,3 triệu đồng (mua vào), 28,3 triệu đồng (bán ra).
So với mức đỉnh 49 - 49,7 triệu đồng mỗi lượng vàng miếng SJC đạt được vào đầu tuần nay, các đơn vị kinh doanh vàng miếng hiện cũng giảm giá từ 2,5 - 3 triệu đồng/lượng. Ngày 28.2, mỗi lượng vàng miếng SJC tiếp tục giảm thêm 150.000 - 200.000 đồng, Công ty SJC mua vào còn 45,85 triệu đồng/lượng, bán ra 46,5 - 46,52 triệu đồng/lượng. Tập đoàn Doji mua vàng 45,85 triệu đồng/lượng, bán ra 46,35 triệu đồng/lượng... Đơn vị có mức giá cao nhất 49,7 triệu đồng/lượng, Eximbank có giá mua vào còn 45,85 triệu đồng/lượng, bán ra 46,35 triệu đồng/lượng.
Tốc độ giảm giá của vàng trong nước giảm chậm hơn so với thế giới. Kim loại quý trên thị trường thế giới giảm 20 USD/ounce trong ngày 28.2, xuống còn 1.627 USD/ounce. Giá vàng thế giới đã giảm sâu hơn so với mức trước “bão” đổ bộ leo lên kỷ lục 17 USD/ounce nhưng giá trong nước vẫn chưa thể về lại mức giá cũ dẫn đến cao hơn thế giới 800.000 đồng mỗi lượng dù thị trường đìu hiu, vắng khách. Chênh lệch giữa giá mua và bán vàng của các đơn vị rút còn 600.000 - 750.000 đồng/lượng, thay vì 1 - 1,5 triệu đồng/lượng những ngày trước đó.
Điều lạ hơn là khi giá vàng tăng vọt 3 triệu/lượng/ngày hồi đầu tuần thì mọi người đổ xô đi mua. Nay vàng giảm mạnh, xuống dưới mức 46 triệu đồng/lượng, ngang mức trước khi tăng, thì lại chẳng ai thèm để ý dù nguyên tắc đầu tư là phải mua vào lúc giá thấp.

Bàn cờ của các “ông lớn”

Điều khó hiểu là thị trường vàng vắng khách mà giá trong nước không thể giảm nhanh như giá thế giới. Một người trong giới kinh doanh vàng tiết lộ, thị trường muốn điều chỉnh giá tăng hay giảm cũng phải nhìn theo giá của các "ông lớn" là ngân hàng và những công ty vàng lớn. Họ điều chỉnh giảm thì mới dám giảm theo, tăng thì cũng phải tăng theo.
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhận định các công ty kinh doanh vàng tại VN luôn luôn sử dụng việc điều chỉnh biên độ giá mua và giá bán như một công cụ để phòng ngừa rủi ro cho chính họ. Bởi vì múi giờ hoạt động tại VN chênh lệch với thị trường Mỹ - nơi luôn có tính quyết định đến giá vàng thế giới - nên khi giá vàng biến động mạnh thì các công ty tại VN luôn nới rộng khoảng cách giữa giá mua và giá bán để hạn chế rủi ro. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư tại VN, nhất là nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ luôn phải là người gánh chịu rủi ro nhiều nhất.
Hơn nữa theo TS Lê Đạt Chí, ngược lại khi giá vàng thế giới liên tục đi xuống thì giá bán vàng trong nước sẽ giảm chậm hơn nhiều vì các công ty vàng đã bị tồn kho một lượng hàng với giá cao nên sẽ neo giá bán cao hơn nhiều...
Ông Phan Dũng Khánh, giảng viên lĩnh vực đầu tư - Trường Doanh nhân Bizlight, cho rằng tâm lý nhiều khách hàng cá nhân tại VN là dễ bị tác động và chạy theo xu hướng mua khi tăng hoặc bán khi giảm của số đông nên càng dễ cho các tiệm vàng tìm kiếm lợi nhuận. Đặc biệt giá càng tăng thì họ lại càng giãn khoảng cách mua và bán nên khi đó công ty càng được hưởng lợi. Do đó bất kể giá vàng tăng hay giảm thì các tiệm vàng và công ty kinh doanh vàng đều thu lợi nhuận cao còn rủi ro thua lỗ thì người mua sẽ luôn gánh chịu. Do vậy người dân nên tỉnh táo và cân nhắc kỹ thời điểm mua vào thích hợp nhất nếu muốn bỏ tiền vào kim loại quý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.