Người Việt ăn thịt gà ít hơn 3 lần so với người Thái Lan và Singapore

12/04/2019 16:54 GMT+7

Người Việt ăn thịt gà ít hơn 3 lần so với người Thái Lan và Singapore và sản lượng tiêu thụ trứng chỉ đứng thứ 6 khu vực Đông Nam Á, đây sẽ dư địa cho ngành chăn nuôi gia cầm phát triển.

Chia sẻ tại hội nghị bàn giải pháp phát triển chăn nuôi gia cầm do Bộ NN-PTNT tổ chức tại Hà Nội sáng nay, 12.4, ông Nguyễn Văn Trọng, Cục phó Cục Chăn nuôi, cho biết Việt Nam hiện có trên 90 triệu dân và 15 triệu khách du lịch mỗi năm là thị trường rất rộng lớn để phát triển ngành chăn nuôi gia cầm cung cấp sản phẩm thịt và trứng.
Theo ông Trọng, thống kê của Cục Chăn nuôi có so sánh với các quốc gia, trung bình mỗi năm, sản lượng tiêu thụ thịt gà của mỗi người Việt chỉ có khoảng hơn 9 kg. Sản lượng tiêu thụ này hiện thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan và Singapore có mức tiêu thụ lần lượt là 30 - 35 kg. Đối với sản phẩm trứng gia cầm, sản lượng tiêu thụ của người Việt Nam đứng thứ 6 trong nhóm các nước ASEAN.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Trọng, các sản phẩm từ gia cầm của Việt Nam bắt đầu tăng lượng xuất khẩu. Điển hình là trứng vịt muối mỗi năm xuất khẩu khoảng 10 - 15 triệu quả, tập trung tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Khu vực này hiện có 3 doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trứng vịt muối.
Sản phẩm thịt gà bắt đầu xuất khẩu từ tháng 9.2017, cho đến năm 2018, sản lượng xuất khẩu đạt 8.000 tấn và có xu hướng tiếp tục gia tăng. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi còn có thêm nhiều sản phẩm khác đang có xuất khẩu như trứng chim cút đóng hộp, gà ác tiềm, bột trứng…
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong rổ thực phẩm tiêu dùng của người dân Việt Nam hiện nay, thịt lợn chiếm đến 65%, tiếp đó là thịt gà chiếm 20%. Ngành chăn nuôi phát triển vừa góp phần đảm bảo nguồn cung cấp ổn định các sản phẩm thịt, trứng phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh, ở các địa phương chăn nuôi gia cầm phải theo quy hoạch, quy mô từng loại phải gắn với nhu cầu thị trường không để phát triển một cách ồ ạt, tràn lan tránh cung vượt cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.