Nguyễn Thế Trinh - “người hùng lắp máy”

22/12/2012 08:45 GMT+7

Chúng tôi gặp tổng chỉ huy lắp máy công trình thủy điện Sơn La Nguyễn Thế Trinh lần đầu trên công trường khi ông vừa chui ra từ đường ống áp lực để nghiên cứu việc tháo các thanh giằng bên trong đường ống trước khi đổ bê tông phủ ngoài. Cách làm này sẽ rút ngắn được thời gian thi công cho toàn công trường tới 4 tháng.

Ông Trinh phân tích: thời gian để cắt tẩy, tháo dỡ khoảng 300 tấn giằng chống bên trong mất 3 tháng. “Đường ống áp lực rất dày, việc đổ bê tông phủ bên ngoài ống nếu làm cẩn thận sẽ không thể làm đường ống bị móp méo. Tôi sẽ cho làm thí nghiệm để chứng minh”, ông cho biết. Sau đó, ông đã thuyết phục được các chuyên gia thiết kế, tư vấn làm thí nghiệm và kết quả đã được kiểm chứng. Phương án của ông Trinh đã đẩy nhanh tiến độ thi công cho công trường 4 tháng đối với tổ máy số 1 và đảm bảo tiến độ các tổ máy còn lại.

 
Những người thợ Lilama đã lắp rotor rồi dùng cẩu lắp đặt - Ảnh do xí nghiệp cơ khí Quang Trung cung cấp

Nhiều lần lên công trường, chúng tôi đều thấy ông Nguyễn Thế Trinh trực tiếp đến từng tổ thi công. Là Phó tổng giám đốc Lilama 10, đơn vị phụ trách toàn bộ việc lắp máy của thủy điện Sơn La, nhưng ông Trinh ít khi ngồi phòng máy lạnh. Ông bảo có bám sát công trường để so sánh thiết kế, các bản hướng dẫn lắp đặt của nhà cung cấp thiết bị với thực tế thi công thì mới tìm ra cách làm tốt hơn, nhanh hơn. Hàng vạn công nhân trên công trường đã coi ông là “người hùng lắp máy”, còn cả tổng thầu và chủ đầu tư cũng đánh giá rất cao những sáng kiến của ông.

Nói về thành tích rút ngắn tiến độ xây dựng thủy điện Sơn La tới 3 năm so với chỉ tiêu của Quốc hội, phải nhắc đến công lao của những người thợ lắp máy. Trong đó, có những sáng kiến của Nguyễn Thế Trinh khi đề xuất tổ hợp hàng loạt bộ phận thiết bị cỡ lớn ở ngoài rồi đưa vào vị trí lắp đặt trong nhà máy.

Theo phương án của nhà thầu cung cấp thiết bị Alstom, trục khuỷu và côn hút được tổ hợp và lắp tại hố móng nhà máy, nhưng ông Trinh đã đề xuất tổ hợp ngay tại bãi lắp ráp rồi đưa vào hố móng.

Các chi tiết này có kích thước rất lớn (22m x 6m x 18m) với khối lượng khoảng hơn 470 tấn, nếu tổ hợp và lắp đặt tại chỗ mất khoảng 6 tháng. Với phương pháp hàn lắp ở ngoài rồi chở vào đặt tại hố móng, thời gian thi công được rút ngắn 3 tháng, ngoài ra, còn làm lợi cho công ty hàng tỉ đồng.

Ông Trinh còn đề xuất tổ hợp buồng xoắn tại bãi lắp ráp thay vì tổ hợp trong vị trí hố móng. Buồng xoắn nặng khoảng 600 tấn, nếu tổ hợp và lắp đặt tại chỗ theo hướng dẫn của nhà cung cấp thiết bị sẽ mất khoảng 8 tháng thi công cùng với quá trình xây dựng. Với cách tổ hợp bên ngoài rồi đưa cấu kiện vào lắp đặt, thời gian thi công tại công trường chỉ mất 4,5 tháng, làm lợi cho công trường về tiến độ là 3,5 tháng để lắp đặt 1 bộ buồng xoắn, làm lợi cho công ty khoảng 3 tỉ đồng/1 bộ.

Nói về những thành tích đạt được, ông Trinh cười: “Những gì tôi làm được là nhờ tập thể với đội ngũ cán bộ và công nhân đầy nhiệt huyết, có trình độ tay nghề cao. Bên cạnh đó, tôi rất may mắn được làm việc với những người lãnh đạo tài năng, quyết đoán ở Ban quản lý dự án thủy điện Sơn La thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam, chủ đầu tư và Tổng công ty Sông Đà là tổng thầu. Tôi cảm ơn họ đã tin tưởng và cho tôi triển khai các sáng kiến ấy”.

Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.