Nhà chế tạo nông cụ 'chân đất'

06/12/2016 06:11 GMT+7

Dù chỉ mới học hết lớp 5, nhưng ông Đặng Văn Bảy (53 tuổi), lại chế tạo được nhiều loại nông cụ thiết thực, trở thành 1 trong 63 gương “Nông dân VN xuất sắc 2016” được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

Quê ông Bảy ở xã Nam Hồng, H.Nam Trung (Nam Định). Năm 1980, khi mới 16 tuổi, thấy nhiều gia đình trong xã đi kinh tế mới ở Lâm Đồng, Bảy trốn gia đình theo đoàn người vào H.Di Linh lập nghiệp. Ông Bảy nhớ lại: “Vì đi “lậu”, nên tôi không nhận được khoản hỗ trợ nào. Tôi phải ở nhờ nhà người quen, nay nhà này, mai nhà khác để đi làm thuê, làm mướn kiếm sống”.
Buổi đầu ai thuê làm gì Bảy cũng làm, từ đào hố trồng cà phê, dọn cỏ đến sửa máy móc, hái cà phê. Bên cạnh đó ông còn có nghề mộc, tự đóng được bàn, ghế, giường, tủ… Một lần, khi tá túc ở một gia đình để đóng tủ, thấy chàng thanh niên đẹp trai, khéo tay, đa tài, chu đáo nên chị Nguyễn Thị Hồng (con gái chủ nhà) đem lòng yêu thương, ít lâu sau hai người nên vợ nên chồng. Lúc đó, xã Hòa Ninh (Di Linh) còn là vùng đất hoang sơ, ai có sức thì cứ khai hoang, trồng tỉa. Vốn siêng năng chăm chỉ, nên hai vợ chồng trẻ Bảy - Hồng sở hữu vườn cà phê rộng gần chục héc ta.
Mày mò sáng chế
Hồi đó, chưa có nhiều loại máy móc như bây giờ, các công đoạn thu hái, phân loại, chế biến cà phê đều phải làm bằng tay; cà phê sau khi thu hái phải phơi thật khô, rồi mang đến cơ sở xay xát để chà vỏ. “Cả xã chỉ có vài cơ sở chà vỏ cà phê, nên phải đăng ký trước cả tuần mới đến lượt, từ đó tôi nảy ra ý tưởng tự chế tạo máy chà vỏ cà phê”, ông Bảy nhớ lại.
Để thực hiện ý tưởng, ông Bảy đến các cơ sở xay xát nghiên cứu quy trình vận hành của máy rồi mua sắt, thép về tự chế tạo. Sau 3 năm mày mò, năm 2003 chiếc máy đầu tiên xuất xưởng cũng chà được vỏ, nhưng vỏ và nhân cà phê lẫn lộn nên phải tốn thêm công quạt và sàng sảy, tỷ lệ hao hụt cà phê nhân còn khá cao. Để khắc phục nhược điểm trên, ông nghiên cứu sáng chế máy tách vỏ và nhân cà phê.
Thành công, nhiều người trong xã, trong H.Di Linh tìm đến đặt hàng, vợ chồng ông Bảy gom góp hết vốn liếng và vay mượn thêm để sản xuất đồng loạt 30 máy chà vỏ. Thế nhưng, bất ngờ xảy ra khi giao máy cho nông dân thì tất cả đều bị lỗi, vợ chồng ông phải thu hồi toàn bộ để sửa chữa, bị lỗ 50 triệu đồng (tương đương 10 cây vàng), nhưng “đau” hơn là phải nhận những lời mỉa mai, dè bỉu của chòm xóm rằng “lớp 5 bày đặt chế tạo máy”.


Hiện nay, xưởng cơ khí Toàn Thắng của ông Bảy có gần 30 công nhân ngày ngày chế tạo các loại máy phục vụ nông nghiệp. Riêng máy tách vỏ cà phê mỗi năm sản xuất hơn 2.000 chiếc cung cấp cho các đại lý ở các tỉnh Tây nguyên, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu... Lợi nhuận từ việc chế tạo các loại máy của ông Bảy đạt gần 1 tỉ đồng/năm. “Ông Đặng Văn Bảy đã chế tạo và cải tiến thành công nhiều loại máy nông cụ thiết thực chất lượng tốt, giá thành rẻ, giúp nông dân giảm được nhiều công sức, thời gian trong việc thu hái và chế biến cà phê; nhờ đó chất lượng nông sản được nâng cao, thu nhập của nông dân tăng lên. Tỉnh đã đề xuất và ông Bảy được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen Nông dân VN xuất sắc 2016”, ông Đa Cát Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, nhìn nhận.

Không nản lòng, ông Bảy vừa động viên vợ, vừa lao vào tiếp tục sáng tạo, nghiên cứu cho ra nhiều loại máy nông cụ khác. Máy do ông Bảy chế tạo chỉ bán với giá 2,7 triệu đồng, nhưng mỗi giờ có thể bóc vỏ từ 4 - 6 tấn cà phê tươi.
Sau khi tách được vỏ, chỉ lấy nhân cà phê để phơi, nông dân giảm được đáng kể công lao động và tiết kiệm được 50% diện tích sân phơi.
Song song đó, ông chế tạo máy chà vỏ cà phê khô CKM2 có công suất lên đến 1 - 1,2 tấn cà phê nhân/giờ, máy CKM3 đạt 1,5 tấn/giờ; nhân được sàng lọc sạch và không bị vỡ.
Loại máy này đã đạt giải xuất sắc trong cuộc thi bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Lâm Đồng năm 2013. Trong 10 năm qua, ông Bảy còn chế tạo máy phân loại cà phê xanh và cà phê chín, máy dập lưới da cóc, máy bơm nước chuyên dùng tưới cà phê...
Giải nỗi lo sân phơi cà phê
Di Linh là thủ phủ cà phê của tỉnh Lâm Đồng, vào mùa thu hoạch vấn đề nan giải nhất là tìm sân phơi cà phê; có sân rồi vẫn chưa yên vì trời có thể bất chợt đổ mưa, hạt sẽ bị thâm đen, giảm chất lượng.
Từ đó, ông Bảy lại nghiên cứu chế tạo máy sấy cà phê. Sau gần 7 năm mày mò nghiên cứu chế tạo, năm 2014 chiếc máy sấy NK700 dùng công nghệ nhiệt sinh khối đầu tiên ra đời. Hệ thống máy gồm bộ cung cấp nhiệt, bồn chứa và bộ lọc. Bộ cung cấp nhiệt sử dụng nhiên liệu là các loại cùi bắp, vỏ trấu, vỏ cà phê có sẵn tại địa phương.
Khi đưa nhiên liệu vào lò ém khí sẽ sinh ra khí gas để cung cấp nhiệt cho máy. Hơi nước và tạp chất trong quá trình sấy sẽ được lọc qua bộ lọc nên không còn khí độc hại thải ra môi trường.
Công suất máy đạt 700 kg cà phê nhân/lần sấy, trong khi chỉ cần dùng 1,5 - 2 tạ nhiên liệu để đốt; thời gian sấy từ 14 - 16 tiếng.
Gần đây, ông Bảy cải tiến và nâng cấp máy sấy NK700 thành NK1000 với công suất 1 tấn cà phê/lần sấy. Thấy hiệu quả rõ rệt nên nhiều nông hộ ở Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai, Bình Phước tìm đến đặt hàng. Giá máy từ 90 - 115 triệu đồng/chiếc, trong 2 năm qua ông đã cung cấp cho bà con nông dân trên 50 máy sấy công nghệ cao này.
Đặc biệt hơn, chiếc máy này đạt giải cao nhất tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng năm 2015.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.