Nhà nông phục vụ tết - Kỳ 13: Làng phở khô 'cháy' hàng

26/01/2015 07:54 GMT+7

Một tháng trước tết, các lò làm phở khô và bánh tráng ở xã Lạc Lâm (H.Đơn Dương, Lâm Đồng) tập trung tăng ca sản xuất nhưng vẫn lo không kịp đáp ứng nhu cầu.

Một tháng trước tết, các lò làm phở khô và bánh tráng ở xã Lạc Lâm (H.Đơn Dương, Lâm Đồng) tập trung tăng ca sản xuất nhưng vẫn lo không kịp đáp ứng nhu cầu.

Phơi bánh phở Phơi bánh phở - Ảnh: Lâm Viên

Cả đại gia đình ông Nguyễn Văn Chương (ngụ thôn Yên Khê Hạ, xã Lạc Lâm) đều phải thức dậy từ 4 giờ sáng để ngâm gạo làm phở cho đến 7 - 8 giờ tối mới được nghỉ ngơi. Ông Chương cho biết ông làm phở gạo (có người gọi là miến) cách đây 31 năm, ban đầu làm thủ công, gần 10 năm nay trang bị máy móc hiện đại và làm cả nhà kính diện tích 700 m2 để phơi bánh phở cho mau khô và đảm bảo vệ sinh. “Cứ mỗi dịp tết nhu cầu đặt hàng tăng cao lắm nhưng gia đình tôi không thể làm hơn được vì đã "chạy" hết công suất”, ông Chương cho biết.

 Làm đến đâu bán hết đến đó

Gạo được ngâm trong các bồn, sau khoảng 10 giờ vớt ra xay thành bột. Sau đó đổ bột vào hệ thống băng chuyền được thổi hơi nóng để làm thành từng miếng bánh tráng dày. Bánh bỏ lên phên tre phơi khô, xếp thành từng xấp sau đó nhúng vào nước nóng cho mềm rồi cuộn tròn đưa vào máy xắt thành từng lõi phở; phở lại được mang phơi đến khi nào thật khô mới đóng thành từng bao 5 kg hoặc 10 kg bán cho các mối hàng. Cụ Nguyễn Văn Hậu (82 tuổi, bố ông Chương), hằng ngày giúp con cháu phơi phở cho biết thêm: “Tùy theo mối hàng mà xắt phở thành sợi nhỏ hay lớn, ở Liên Nghĩa (H.Đức Trọng) họ thích sợi nhỏ; Bảo Lộc, Di Linh thích sợi vừa; Đà Lạt, Xuân Trường... lại thích sợi to”. Mỗi ngày 10 người trong gia đình ông Chương làm cật lực được 150 kg gạo, tương đương 120 kg phở khô, làm tới đâu bán hết tới đó.

Còn gia đình bà Nguyễn Thị Tâm (thôn Hải Hưng, xã Lạc Lâm) mới làm phở vài năm nay, bình thường mỗi ngày 4 người làm nhưng mùa tết phải thuê thêm 4 người mà vẫn không thể đáp ứng cho các mối hàng. Mùa tết bà phải thức dậy từ 2 giờ sáng để ngâm gạo, xay bột và đốt lò. “Mùa tết nghề làm phở vất vả lắm, nhưng lại vui vì đông người mua kẻ bán” - bà Tâm cho biết.

Bán chạy cả bánh tráng

Tại xã Lạc Lâm có những lò phở quy mô lớn khác như lò của vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Hoàng, Nguyễn Văn Mừng... mùa tết này cũng phải thuê thêm người mới kịp đáp ứng nhu cầu. Một số lò phở ở Lạc Lâm do diện tích mặt bằng nhỏ, không thể mở rộng nên phải chuyển vào xã Ka Đô (cách khoảng 3 km) để sản xuất như các lò của ông Nguyễn Hoàng Vương, Nguyễn Ngọc Dũng... Trước mùa tết các lò phải chọn gạo ngon mua dự trữ hàng chục tấn mới đủ sản xuất. Mỗi ký phở khô nhà sản xuất bán ra từ 20.000 - 22.000 đồng (tùy loại). Phở khô Lạc Lâm không chỉ tiêu thụ trong tỉnh Lâm Đồng mà còn được đưa đi Phan Rang, Nha Trang, Đồng Nai, TP.HCM tiêu thụ.

Ngoài phở khô, tại xã Lạc Lâm còn có hàng chục hộ chuyên làm bánh tráng các loại. Không chỉ những mối hàng quen thuộc mua bánh đưa đi các tỉnh, có những cơ quan đặt hàng ngàn bánh đặc biệt để làm quà biếu tết. Lò bánh Minh - Nga đã 4 thế hệ chuyên sản xuất bánh tráng mỏng (để cuốn thịt heo ngày tết) làm cật lực mỗi ngày từ 3 giờ sáng đến chiều tối được hơn 2.000 chiếc nhưng vẫn không đủ để bán.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.