Nhà nông phục vụ tết - Kỳ 19: Tất bật làng nấm mèo

02/02/2015 05:16 GMT+7

Trước tết vài tuần, làng nghề nấm mèo (mộc nhĩ) thuộc thị trấn Liên Nghĩa, H.Đức Trọng (Lâm Đồng) trở nên nhộn nhịp, tất bật.

Trước tết vài tuần, làng nghề nấm mèo (mộc nhĩ) thuộc thị trấn Liên Nghĩa, H.Đức Trọng (Lâm Đồng) trở nên nhộn nhịp, tất bật.
Ông Thạo, người trồng nấm đầu tiên ở tổ 4 - Ảnh: Lâm ViênÔng Thạo, người trồng nấm đầu tiên ở tổ 4 - Ảnh: Lâm Viên
Làng nấm thuộc tổ 4 và tổ 5 (Liên Nghĩa) hình thành từ năm 1995, nhưng đến năm 2010 tới nay hầu hết các hộ trong tổ đều trồng nấm. Không chỉ nông dân trồng nấm mà các hộ công nhân viên chức cũng đầu tư vài ba trại để tăng thêm thu nhập. Nấm được trồng quanh năm, nhưng riêng vụ cuối năm, các hộ đều canh thời điểm thu hoạch để kịp đưa ra thị trường phục vụ tết.
Theo bà Lê Ngọc Hà (tổ 4), thời điểm này bà con trong làng chuẩn bị lượng hàng rất dồi dào. Phòng khách, phòng ngủ cũng biến thành... kho chứa nấm khô. Tuy nhiên, so với tết năm trước thì sức tiêu thụ kém hơn, thời điểm này năm trước giá nấm mèo khô 135.000 đồng/kg nay chỉ trên dưới 100.000 đồng/kg. “Nhưng đây là sản phẩm khô có thể cất giữ được vài ba tháng, nếu tiêu thụ chậm một chút cũng không ảnh hưởng gì nhiều”, bà Hà cho biết thêm. Nấm mèo Liên Nghĩa được các mối hàng đóng đi Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác, thậm chí còn được các vựa thu mua xuất khẩu ra các nước.
Là người khởi nghiệp trồng nấm đầu tiên ở tổ 4 (Liên Nghĩa), ông Ngô Văn Thạo cho hay những năm đầu bà con trồng nhiều loại nấm mèo, bào ngư, nấm rơm... nhưng với điều kiện thời tiết đặc thù của Liên Nghĩa trồng nấm mèo mang lại hiệu quả cao nhất. Hiện nay tổ 4 và tổ 5 trở thành làng nghề nấm mèo của tỉnh Lâm Đồng với khoảng 200 hộ sản xuất thường xuyên. Với 14 trại nấm, hằng ngày gia đình ông Thạo chỉ cần 4 lao động chăm sóc, nhưng đến kỳ thu hoạch hoặc vụ tết này phải thuê thêm 16 lao động để hái và phơi nấm. Trung bình mỗi năm trồng được từ 3 đến 4 vụ, mỗi trại 10.000 bịch cho từ 350 - 400 kg nấm khô. Những hộ có 10 trại nấm, vụ tết này thu hoạch không dưới 3,5 tấn, có thể thu về trên 400 triệu đồng, sau khi trừ hết các chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng.
Cũng theo ông Thạo, giống và giá thể (mạt cưa cao su) được mua từ Đồng Nai về, nhưng để nấm có chất lượng tốt hơn, ông trộn thêm bột bắp vào. Công đoạn ủ mùn, hấp mùn cũng là yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng nấm. Trong thời gian đưa vào trại nuôi trồng phải nắm vững quá trình sinh trưởng của nấm để điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng... phù hợp. Một trại 10.000 bịch nấm (gồm nhà trại lợp tranh, bịch giống, các vật dụng khác), vốn đầu tư từ 60 - 70 triệu đồng. Gần đây nhiều hộ đầu tư nhà trại bằng khung sắt, lợp tôn chi phí trên 90 triệu đồng nhưng thời gian sử dụng dài hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.