Nhà nông phục vụ Tết - Kỳ 27: Chăm quất bonsai khó như 'nuôi trẻ'

18/02/2015 07:17 GMT+7

(TNO) Mỗi chậu quất bonsai được uốn tỉa theo nhiều dáng thế khác nhau và gửi gắm thông đẹp tốt lành đến gia chủ trong những ngày Tết nhưng đằng sau nó là cả một quá trình chăm sóc tỉ mẩn, công phu.

(TNO) Mỗi chậu quất bonsai được uốn tỉa theo nhiều dáng thế khác nhau và gửi gắm thông đẹp tốt lành đến gia chủ trong những ngày Tết nhưng đằng sau nó là cả một quá trình chăm sóc tỉ mẩn, công phu. 

Chậu quất có dáng: Long quấn thủy của ông Bùi Thế Mạnh có khách đặt thuê với giá 15 triệu đồng Chậu quất có dáng "Long quấn thủy" của ông Bùi Thế Mạnh có khách đặt thuê với giá 15 triệu đồng - Ảnh: P.Hậu
Ở làng nghề trồng quất truyền thống Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội), ông Bùi Thế Mạnh đi tiên phong làm quất bonsai. Ông là người đầu tiên ở làng nghề trồng quất nức tiếng miền Bắc được phong tặng danh hiệu: nghệ nhân làm quất bonsai. Trong tiềm thức của người dân Bắc bộ, quất là loại cây phong thủy mang lại cho gia chủ sự thịnh vượng, bình an và may mắn nên không thể thiếu trong mỗi nếp nhà dịp Tết đến xuân về.
Đó là lý do khiến ông Bùi Thế Mạnh kiên trì kiến tạo dòng sản phẩm quất bonsai, cung cấp cho thị trường cây cảnh dịp Tết những tác phẩm nghệ thuật thỏa mãn nhu cầu tâm lý người tiêu dùng.
Chậu quất bonsai hút hồn người xem ngay từ hình dáng bên ngoài. Gốc quất được trồng trong những chiếc chậu nhỏ, bình hoa nhỏ. Cây nhỏ nhưng quả sai không thua kém loại quất trồng trên đất bãi sông Hồng tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ. Càng ngắm quất bonsai, khách càng bị hấp dẫn khi mỗi cây quất được ông Mạnh thiết kế theo ý tưởng phong phú, đa dạng.
Theo nghệ nhân Bùi Thế Mạnh, lựa chọn phong cách phổ biến nhất cho mỗi chậu quất bonsai là uốn tỉa theo hình linh vật ứng với từng năm. Để tạo ra sự độc đáo cho khu vườn, nghệ nhân này sáng tác thêm những chậu quất bonsai với những tên gọi mỹ miều: thuận buồm xuôi gió, huynh đệ đoàn viên, long quấn thủy, quần long… Ở dòng sản phẩm cao cấp, quất bonsai được tỉa theo dáng tượng hình của chữ tâm, phúc hoặc linh vật như tì hưu, long, công, chim phượng.
Trước khi đưa ra thị trường Tết, mỗi “mẻ” quất phải trải qua quãng thời gian từ 2 - 5 năm chăm sóc vun trồng. Trong đó, toàn bộ quy trình tạo hình và lên dáng cho cây do ông Mạnh một tay thực hiện. Ngay từ đầu, cây giống được cấy vào nuôi theo từng chậu, bình nhỏ nuôi đến khi thân đủ lớn, cứng cáp thì chuyển sang giai đoạn cắt tỉa tạo dáng thế. Khó nhất là năm cuối cùng, quá trình chăm sóc phải tính toán chi tiết cho cây quất có quả sai, to đồng đều và đẹp mã. Đặc biệt ở dòng quất bonsai, cây nhỏ và mảnh, ông Mạnh cẩn thận tính toán số lượng quả không để “quá tải” trên mỗi cành cây.
Quanh năm phụ chồng tỉ mẩn săn sóc vườn quất, bà Trần Thị Phương Thư, chia sẻ làm quất bonsai từ năm 2009 nhưng sản phẩm này chỉ thực sự có nhiều khách chơi và trở thành loại cây cảnh thời thượng, cao cấp vào dịp tết khoảng 3 năm nay.
Không tham để giữ khách hàng
Lượng khách hàng tìm đến vườn mỗi năm một đông nhưng vợ chồng bà Thư chỉ giữ số lượng ổn định cung cấp ra thị trường khoảng 400 chậu cây.
“Tết nào cũng “cháy” hàng, khách “trách vui”, thắc mắc sao không làm nhiều để bán. Nhưng để hàng đẹp và vừa ý khách chơi thì không tham được bởi quá trình chăm sóc khó như nuôi trẻ con. Hai vợ chồng phải thay nhau làm việc còn nếu thuê người ngoài, sơ sẩy là hỏng cả vườn”, bà Thư nói.
Giãy bày cái khó của nghề làm quất bonsai, bà Thư cho hay, là ở năm cuối cùng cho cây đơm hoa kết trái. Ngay từ chớm đông, đêm bắt đầu có sương, vườn quất phải được “tắm rửa” hàng ngày, thậm chí phải làm thêm nhà bạt đề phòng những trận mưa lớn. Vợ chồng bà Thư phải thuộc nằm lòng “tính nết”, sức khỏe của từng chậu để chăm sóc cho phù hợp.
“Cây nhỏ rễ ít chỉ cần tưới nước mỗi ngày một bận, khoảng nửa tháng rải phân vi sinh một lần. Còn nếu là cây to rễ khỏe khi phải tưới đến 2 - 3 lần mỗi ngày, lượng thức ăn rải vào cây cũng phải tăng lên nhiều hơn, chu kỳ thời gian ngắn hơn không để cây thiếu chất dinh dưỡng”, bà Thư nói.
Ở vườn quất bonsai của ông Mạnh, quá nửa số cây làm ra đã có khách quen đặt mua hàng năm. Cây quất bonsai đặc biệt phù hợp trang trí ở những căn hộ có diện tích nhỏ, nhà chung cư cao tầng bởi hình dáng nhỏ gọn, dễ vận chuyển.
Thế nên, vườn quất bonsai chẳng bao giờ ế hàng. Dù giá mỗi chậu quất rẻ nhất không dưới 2 triệu đồng, còn đối với loại cây có dáng thế đặc biệt, chỉ “cho thuê chứ không bán đứt” thì mức giá lên tới hàng chục triệu đồng vẫn không đủ cung cấp cho khách hàng. Nghề trồng quất bonsai mang lại cho gia đình bà Thư nguồn thu nhập cao đã thuyết phục nhiều hộ dân ở Tứ Liên đầu tư phát triển dòng sản phẩm này để gia tăng lợi nhuận từ nghề trồng quất và phục vụ nhu cầu chơi cây cảnh dịp Tết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.