Nhật Bản có thể thay Mỹ dẫn dắt TPP

17/03/2017 11:35 GMT+7

Nhật Bản có thể đảm nhiệm vị trí lãnh đạo và dẫn dắt TPP, một chuyên gia từ Asian Trade Center nhận định.

Xoay xung quanh sự kiện đàm phán thương mại Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) diễn ra hai ngày tại Chile trong tuần này, CNBC mới đây đã đăng tải ý kiến của Deborah Kay Elms, Giám đốc điều hành của Asian Trade Center cho biết 11 nước thành viên đã ký kết TPP nên nhận thức được rằng hiệp định thương mại này có thể tồn tại mà không cần sự có mặt của Mỹ.
“Nếu nhìn kỹ vào những gì mà Mỹ đã cam kết trong TPP, chúng ta sẽ nhận ra một thực tế là Mỹ đã làm rất ít, nguyên nhân một phần là do thị trường của Mỹ vốn đã là một thị trường mở từ nhiều năm qua”, bà Deborah Kay Elms nói với CNBC.
Bà cũng giải thích rằng thông qua hiệp định thương mại TPP này, Mỹ muốn thúc đẩy 11 nước bao gồm: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Việt Nam và Singapore, mở cửa thị trường rộng hơn cho các công ty của Mỹ.
Nhưng thực tế là các thành viên còn lại trong hiệp định vẫn có thể nắm lấy cơ hội này để tiếp cận tốt hơn với thị trường của nhau nếu thỏa thuận này được ban hành, cho dù có Mỹ hay không.

tin liên quan

Châu Á - Thái Bình Dương muốn 'cứu' TPP
Bộ trưởng các nước châu Á - Thái Bình Dương vừa cho biết họ sẽ tìm cách tiến đến thỏa thuận tương tự như Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà không có Mỹ.
Đàm phán TPP đã kéo dài trong suốt 8 năm qua và thỏa thuận này được xem như là một thành tựu lớn với các phương pháp tiếp cận đa dạng, mang tính tiêu chuẩn giữa các quốc gia thành viên. Nhưng các quốc gia dường như đã ở trong tình trạng khá "hụt hẫng" và có phần lúng túng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận.
Tuy nhiên, theo như bà Elms nói với CNBC, hiệp định thương mại này sẽ không vì thiếu vắng Mỹ mà "chết" đi vì Nhật Bản vẫn có thể đảm nhận vài trò lãnh đạo và thiết lập các quy tắc thương mại ở châu Á. Thách thức của Nhật Bản lúc này chỉ ở chỗ “đây không phải là vai trò quen thuộc của họ, và trước nay họ không được coi là một nhà lãnh đạo trong lĩnh vực này”.
Bà Elms cũng cho biết thêm rằng thỏa thuận TPP, cùng với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có bao gồm cả Trung Quốc là thành viên, vẫn có thể là một cơ hội để châu Á dẫn đầu thương mại toàn cầu vào thời điểm mà chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.