Nhiều chủ đầu tư chỉ quan tâm bán được bao nhiêu nhà, lợi nhuận bao nhiêu

Lê Quân
Lê Quân
26/05/2020 20:00 GMT+7

Tại buổi tọa đàm về Không gian sống trong đô thị hiện đại do VNREA tổ chức, các chuyên gia cho rằng, nhiều chủ đầu tư chỉ quan tâm đến bán được bao nhiều sản phẩm bất động sản? Lợi nhuận bao nhiêu?

Ngày 26.5, Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) đã tổ chức tọa đàm về Không gian sống trong đô thị hiện đại với chủ đề: “Những yếu tố an cư thời hiện đại”. 
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nêu thực trạng dù Bộ Xây dựng đã có quy định rõ ràng về phân hạng nhà chung cư, cụ thể là đề ra 20 tiêu chí, chia thành 4 nhóm, như quy hoạch - kiến trúc, dịch vụ - hạ tầng xã hội,... tương ứng theo đó là các căn hộ được xếp hạng A, B... theo tiêu chí cụ thể, nhưng thực tế, nhiều chủ đầu tư tự phong dự án là chung cư cao cấp, hạng A, trong khi chưa đạt tiêu chí quy định. 

Nhiều chuyên gia tại tọa đàm đồng quan điểm cho rằng, đô thị hóa hay phát triển đô thị mới không đơn giản chỉ là di cư dân vào đô thị

Ảnh Lê Quân 

Ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, nhận xét thêm trong đô thị hiện đại, bên cạnh các căn hộ tiện nghi với đồ dùng thông minh, vẫn tồn tại khói bụi, tiếng ồn, các không gian sinh hoạt cộng đồng thiếu thốn như: công viên, vườn hoa, cây xanh, thiếu nhu cầu đỗ xe, nơi thu gom, tập kết rác thải, nước thải, môi trường giao lưu văn hóa
Tại nhiều dự án, bên cạnh những chủ đầu tư có tâm tạo nên những khu đô thị thực sự đáng sống, không ít chủ đầu tư bất chấp vấn đề về phát triển đô thị bền vững, đô thị xanh (giảm thải cacbon, khí nhà kính vào môi trường, kiểm soát được nguồn chất thải, tái sử dụng chất thải, nhiêu liệu sạch, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, nhiều cây xanh, hồ nước…), chỉ quan tâm làm sao để bán được nhiều sản phẩm bất động sản, kiếm được nhiều tiền, lợi ích kinh tế.
“Vấn đề nằm ở chỗ, làm sao để tư duy sống xanh - thông minh trở thành nhu cầu bức thiết, là sự chọn lựa của số đông và đưa điều đó trở thành nhận thức bền vững, thì sự nỗ lực của riêng các chủ đầu tư thôi là chưa đủ. Để có một liên kết đô thị, từ nhà nước, nhà đầu tư, cho đến người dân hưởng thụ phải hiểu được vấn đề này và thống nhất trong hành động, như vậy mới mong có được đô thị xanh”, ông Chiến nêu quan điểm.
Nguyên Cục trưởng Cục phát triển đô thị cho rằng, cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, cổ vũ mạnh mẽ hơn nữa cho sự nỗ lực của các công trình xanh, đi đầu nên là vai trò tuyên truyền thay đổi nhận thức cộng đồng.
Nói thêm về môi trường, không gian sống ở các khu đô thị hiện nay, PGS-TS-KTS Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện Kiến trúc Nhiệt đới, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, dẫn thực tế, đến nay, Hà Nội và nhiều đô thị khác mở rộng diện tích bằng các quyết định hành chính. Và quá trình đô thị hoá đã làm biến đổi dần về chất của đô thị.
"Với những gì đang diễn ra, chúng ta quay lại câu hỏi thế nào là không gian sống có chất lượng tốt? Tôi cho rằng, đô thị hoá không phải là di dân vào thành phố, bành trướng thành phố, mà là sự phát triển bền vững, hướng đến các đô thị xanh bền vững, bao gồm các giải pháp kiến tạo dựa trên 3 yếu tố: môi trường, kinh tế và xã hội”, ông Nguyên nêu quan điểm.
Cụ thể hơn, theo ông Nguyên, một khu đô thị có không gian sống tốt, phát triển bền vững, cần nhiều yếu tố kết hợp kinh tế, xã hội, giao thông, cấu trúc đô thị, năng lượng, vật liệu,… đồng bộ. "Nhiều yếu tố được nhắc đến hiện nay để có một khu đô thị bền vững, đó là phòng chống lụt hiệu quả; sử dụng giao thông hợp lý; nhiều cây xanh; khai thác yếu tố tự nhiên trong công trình, tận dụng hiệu quả nguồn nước…", ông Nguyên nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.