Nhiều doanh nghiệp lớn của nhà nước khuyết lãnh đạo

Chí Hiếu
Chí Hiếu
01/02/2018 05:08 GMT+7

Có tới 9 trong số 33 doanh nghiệp nhà nước thuộc nhóm lớn nhất đang thiếu cán bộ chủ chốt, người đại diện pháp luật. Cá biệt có “ông lớn” thiếu cả chủ tịch lẫn tổng giám đốc.

Đó là băn khoăn của nhiều đại biểu tại hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 do Ban Chỉ đạo sắp xếp đổi mới doanh nghiệp (DN) nhà nước tổ chức ngày 31.1, với sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo.
Nhiều người không muốn làm
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết gần nửa năm qua ông đang được giao nhiệm vụ phụ trách Hội đồng thành viên (HĐTV) Tổng công ty công nghiệp tàu thủy VN (SBIC) trong bối cảnh DN này thiếu cả chủ tịch HĐTV, còn tổng giám đốc cũng chỉ đang tạm quyền.
Tình trạng khuyết lãnh đạo chủ chốt như trên không chỉ diễn ra ở công ty mẹ SBIC mà xuống cả công ty con. “Lý do là theo quy định, nếu DN bị xếp loại C trong 2 năm liền thì lãnh đạo DN đó sẽ phải thôi chức, không bổ nhiệm lại. Bây giờ, muốn có người tại chỗ lên thì có lẽ chỉ chuyên viên mới đủ điều kiện”, ông Công nói. Chia sẻ thêm bên lề cuộc họp, vị thứ trưởng cho biết Bộ đã có ý điều động một số lãnh đạo DN trong ngành giao thông về đây, nhưng những cán bộ này khi được hỏi ý kiến đều nói rằng nếu phải về SBIC, thì họ phải xem xét tới việc xin nghỉ để đi tìm việc khác.
Thống kê của ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Đảng ủy khối DN T.Ư, cho biết hiện trong số 33 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc khối T.Ư quản lý có đến 9 DN thiếu vắng cán bộ chủ chốt như chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc, hoặc người đại diện pháp luật.
Nhiều rủi ro
Báo cáo về thực tế này, đại diện Tổng công ty đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) than phiền rằng DN đang đứng trước nhiều rủi ro, do đang phải hoạt động trong tình trạng chưa có người đại diện pháp luật. Vị này cho biết, dù tổng công ty đã nhiều lần báo cáo lên Chính phủ, nhưng chưa được giải quyết.
Theo ông Phạm Viết Thanh, việc có khoảng trống trong bố trí cán bộ chủ chốt là một trong những nguyên nhân khiến công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại các DN chậm trễ, kết quả không như kỳ vọng.
Ví dụ mà ông Thanh đưa ra là trường hợp tại Tổng công ty Sông Đà (thuộc Bộ Xây dựng), khi mới đây số lượng cổ phần bán được trong lần đầu bán vốn nhà nước (IPO) rất thấp. Do đó, ông Thanh kiến nghị đối với các DN sắp sửa cổ phần hóa thì công tác cán bộ cấp cao cần chú ý thay thế những người sắp về hưu, không đủ điều kiện tái bổ nhiệm trong nhiệm kỳ mới. “Bởi như thế thì họ mới tâm huyết để là người vừa lên kế hoạch vừa thực hiện, tránh việc không còn động lực”, ông Thanh nói. Giải thích rõ hơn câu chuyện tại Tổng công ty Sông Đà, ông Đậu Thanh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý DN (Bộ Xây dựng), cho biết theo quy định thì lãnh đạo đương nhiệm của Tổng công ty Sông Đà sẽ không đủ tuổi để Bộ giao nhiệm vụ đại diện phần vốn nhà nước tại DN sau khi công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, dù Ban chỉ đạo không có thẩm quyền với các vấn đề nhân sự, tổ chức cán bộ, song Văn phòng Chính phủ cần phải có văn bản kiến nghị với Chính phủ để giao các cơ quan liên quan giải quyết triệt để tình trạng này. “Người đứng đầu rất quan trọng. Không có người đứng đầu thì làm gì cũng khó”, Phó thủ tướng nói.
Chưa vội thoái hết vốn ở các DN có thương hiệu
Nhìn lại các thương vụ thoái vốn, IPO trong năm qua, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay một trong những bài học đắt nhất là công khai minh bạch, từ cáo bạch thông tin, gắn liền với niêm yết lên thị trường.
Phó thủ tướng cho biết, ông vừa trở về từ diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ). Tại đây, hầu hết các tập đoàn toàn cầu đều bày tỏ mong muốn được làm cổ đông chiến lược của các DN đã IPO mới đây hoặc những “ông lớn” sắp lên sàn như: Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty dầu VN (PVOil), Tổng công ty phát điện 3 hay Tổng công ty bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco).
“Ví dụ, Tổng giám đốc toàn cầu của Carlsberg nói rất muốn làm cổ đông chiến lược của Habeco. Nhưng họ cũng muốn nhà nước không nhất thiết phải bán hết mà có thể giữ 36%”, Phó thủ tướng dẫn chứng đồng thời nhấn mạnh, đối với một số DN có thương hiệu, thị trường, chuỗi cung ứng mà điển hình là Sabeco hay Vinamilk, nhà nước sẽ chưa vội thoái hết vốn mà sẽ giữ không thấp hơn 36% để có quyền phủ quyết trong các vấn đề quan trọng.
Về số tiền bán Sabeco dùng làm gì, Phó thủ tướng cho biết: “Tất cả đưa vào ngân sách, trong gói 2 triệu tỉ đồng đầu tư công trung hạn để dành cho đầu tư những công trình quan trọng”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.