Nhiều ông chủ bỏ 'ghế' tại ngân hàng

Thanh Xuân
Thanh Xuân
24/06/2018 10:50 GMT+7

Thực hiện quy định "sếp" ngân hàng không được làm chủ công ty sân sau, nhân sự cao cấp ở nhiều nhà băng đã có sự xáo trộn lớn.

Một số ông chủ nhà băng vừa qua đã quyết định lựa chọn rời ghế. Như với ABBANK, ông Vũ Văn Tiền đã chính thức rời ghế nóng Chủ tịch HĐQT vào tháng 4 vừa qua sau 10 năm gắn bó để ngồi vào ghế Phó chủ tịch HĐQT ABBAN; ông Võ Quốc Thắng rời ghế Chủ tịch HĐQT Kienlongbank để giữ cương vị Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group. Thế nhưng bầu Thắng tiếp tục gắn bó với Kienlongbank với vai trò cố vấn. Nữ đại gia quyền lực Nguyễn Thị Nga cũng vừa rời ghế nóng Chủ tịch SeABank sau 11 năm vì ngoài SeABank, bà Nga còn tham gia vào Tập đoàn BRG, Công ty Intimex Việt Nam, Công ty TNHH Khách sạn Nhà hát, Khách sạn Thắng Lợi, Công ty CP Du lịch dịch vụ Hà Nội.
Ở chiều ngược lại, ông Dương Công Minh đã thôi giữ chức chủ tịch tại 4 công ty Công ty CP Him Lam, Công ty CP Dụng cụ Thể thao Bảo Long, Công ty CP Phát triển Xín Mần, Công ty CP Chứng khoán Liên Việt để đảm nhiệm ghế Chủ tịch Sacombank. Ông Đỗ Minh Phú cũng bỏ ghế chủ tịch 6 công ty (Công ty vàng bạc đá quý SJC Hà Nội, Công ty vàng bạc đá quý SJC Đà Nẵng, Công ty CP đá quý và vàng Yên Bái, Công ty CP Đầu tư và thương mại Bông Sen Đỏ, Công ty TNHH Đầu tư bất động sản DOJILand) để giữ vai trò Chủ tịch TienPhongBank…
Sở hữu "vòng"
Đây là những động thái của ngân hàng thương mại thực hiện quy định hạn chế tình trạng sở hữu chéo từ Ngân hàng Nhà nước như chủ tịch, tổng giám đốc ngân hàng không được giữ những chức vụ quan trọng khác tại doanh nghiệp... Để siết hơn sở hữu chéo, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành thêm những quy định như không được vào HĐQT, tổng giám đốc, ban kiểm soát đối với nhóm cổ đông, cổ đông có tỷ lệ sở hữu cổ phần vượt quy định, cũng như không được nhận cổ tức tiền mặt đối với tỷ lệ cổ phần vượt quy định…
Tuy nhiên thực tế không phải lúc nào tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông lớn cũng rõ ràng. Ví dụ ở Eximbank, cơ cấu cổ đông của Eximbank theo danh sách công khai hiện nay có Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) của Nhật là lớn nhất với 15% vốn điều lệ, tiếp đến là Vietcombank với gần 8,2% vốn và quỹ VoF Investment Limited sở hữu 4,97%. Thế nhưng trong HĐQT Eximbank hiện nay có 2 nhóm cổ đông với mỗi nhóm có tỷ lệ trên 10% vốn điều lệ là nhóm do bà Lương Thị Cẩm Tú (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á) đại diện vừa được bầu vào làm thành viên HĐQT Eximbank. Nhóm Công ty Âu Lạc do ông Lê Minh Quốc (hiện giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank) và ông Ngô Thanh Tùng (thành viên HĐQT Eximbank) đại diện.
Theo TS Bùi Quang Tín (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM) để nắm được quyền kiểm soát, nhà đầu tư sẽ tìm cách lách quy định chuyển qua sở hữu vòng thông qua việc nhờ người khác đứng tên hộ (hay còn gọi là "chân gỗ") với tỷ lệ không vượt quá 5% để tránh tình trạng phải báo cáo. Bản chất của sở hữu chéo rất phức tạp mà khi đã biến tướng lại càng phức tạp hơn, khó kiểm soát. Vì thế, cần thực hiện thanh tra, giám sát mạnh hơn để phát hiện sớm. Các cơ quan bộ ngành cần phối hợp để giám sát được dòng tiền của nhà đầu tư vào cổ phiếu là gì, từ đó mới phát hiện được bản chất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.