Nhức nhối nạn 'ăn vặt' thuế khoán

11/07/2015 07:00 GMT+7

Nghỉ nửa tháng vẫn phải đóng tiền thuế cả tháng; cán bộ thuế “bắt tay” với hộ kinh doanh “ăn vặt”... là thực trạng nhức nhối trong thu thuế khoán với hơn 3 triệu hộ kinh doanh cá thể trên cả nước hiện nay.

Nghỉ nửa tháng vẫn phải đóng tiền thuế cả tháng; cán bộ thuế “bắt tay” với hộ kinh doanh “ăn vặt”... là thực trạng nhức nhối trong thu thuế khoán với hơn 3 triệu hộ kinh doanh cá thể trên cả nước hiện nay.
Phở 49 Bát Đàn “đóng cửa” 1 tháng vì sợ thuế - Ảnh: Ngọc Thắng
Đóng cửa vì “sợ” thuế
Giới sành ăn tại Hà Nội cũng như nhiều du khách thời gian qua không khỏi bất ngờ, tiếc nuối khi mới đây quán phở 49 Bát Đàn treo biển đóng cửa 1 tháng (từ ngày 1 - 30.7.2015) với lý do “sửa lại cửa hàng”.
Trao đổi với chúng tôi, chủ quán cho biết lẽ ra quán chỉ sửa vài ba ngày và cùng lắm nửa tháng. Tuy nhiên, do quy định của ngành thuế đối với các hộ kinh doanh cá thể phải nghỉ đủ 1 tháng mới được miễn thuế trong tháng đó, nên dù không muốn vì khách vẫn đông nhưng cửa hàng đành đóng cửa 1 tháng.
Cụ thể, Thông tư 156 của Bộ Tài chính năm 2013 nêu rõ: “Trường hợp hộ nộp thuế khoán tạm ngừng, nghỉ kinh doanh không trọn tháng thì không được giảm thuế khoán phải nộp của tháng”. Quy định này không chỉ khiến người kinh doanh bức xúc, mà ngân sách còn bị thất thu. Theo thông tin từ Chi cục Thuế Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội), mỗi tháng ngân sách thu được từ “Phở gia truyền 49 Bát Đàn” khoảng chục triệu đồng tiền thuế theo hình thức khoán nộp.
Chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long đặt vấn đề: “Phải chăng, trong câu chuyện này, chúng ta đang khiến người dân làm ăn buộc phải chọn cách mà cả hai cùng không muốn (người kinh doanh và người thu thuế)?”.
“Chia theo ngày thì quá phức tạp”
Phản ánh trường hợp này tới Tổng cục Thuế, một lãnh đạo giải thích: “Việc nghỉ 1 tháng mới được miễn thuế vì thuế hộ kinh doanh cá thể nộp theo phương thức khoán. Khai theo năm và nộp theo quý. Cho nên khi nghỉ, ngành thuế phải tính làm tròn theo tháng. Nếu chia theo ngày thì quá phức tạp, nên chúng tôi thấy cái gì đơn giản thì làm”.
Trả lời câu hỏi, nếu đơn giản mà thiệt cho người nộp thuế thì có đúng đạo lý không, đại diện ngành thuế phân trần: Hiện nay còn tình trạng nhiều hộ cá thể có doanh thu khủng, lợi nhuận lớn nhưng vẫn “núp” dưới hình thức thu khoán, không chịu thành lập công ty theo tiêu chí trên 10 lao động. “Chúng tôi đang rà soát lại và làm rốt ráo việc phân loại các hộ để buộc phải lập công ty nếu đủ điều kiện. Khi đó làm ngày nào thu thuế ngày đó, rất công bằng, sòng phẳng”, lãnh đạo ngành thuế nói.
50% hộ bắt tay chia chác với cán bộ thuế
Theo các chuyên gia, việc tính toán một cách máy móc, thiếu cơ sở của nhiều cơ quan thuế địa phương khiến sắc thuế này ngày càng thiếu công bằng, minh bạch. Đây cũng là nguyên nhân chính dung dưỡng tệ nạn tham nhũng, tiêu cực giữa các cán bộ thuế và người nộp.
Tại một hội thảo gần đây bàn biện pháp giảm tham nhũng trong thu thuế kinh doanh hộ cá thể, bà Đặng Thị Bình An, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, chia sẻ: “Tôi đi chợ, thấy người bên cạnh mua được đậu đen rất ngon với giá 20.000 đồng/kg. Thấy vậy, tôi cũng mua, nhưng người bán tính giá 50.000 đồng/kg. Tôi thắc mắc thì người bán trả lời: Người vừa mua là cán bộ quản lý thuế chợ của chúng tôi đấy!”. Câu chuyện khác, ở một nhà hàng, bà An muốn lấy hóa đơn thì chủ quán nói “không có”. Khi bà nói sẽ báo cơ quan thuế, chủ nhà hàng lập tức chỉ vào dãy bàn ăn và nói thẳng: “Cán bộ thuế đang ngồi ở đây rồi”.
Cũng tại hội thảo, ông Đặng Hoàng Giang, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển cộng đồng (CECODES) chia sẻ kết quả khảo sát 500 hộ kinh doanh của CECODES cho thấy đang xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu và thỏa thuận ngầm trong khu vực hộ kinh doanh. Có tới 50% người được hỏi chấp nhận nếu được đề nghị “bắt tay” với cán bộ thuế vì mức phí bỏ ra là không “đắt”. Thuế môn bài có mức thu từ 50.000 đồng đến 1 triệu đồng/năm, tuy mức thu này không lớn nhưng vẫn có tới 30% hộ kinh doanh “bắt tay” với cán bộ thuế kê khai doanh thu thấp đi để được hưởng mức thuế thấp hơn, trong khi 6% hối lộ cán bộ thuế để trả mức thuế thấp hơn. Còn đối với thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng, có 14% hộ cho biết sẵn sàng hối lộ cán bộ thuế để hưởng mức thuế thấp hơn. Đại đa số cho rằng đây là hiện tượng phổ biến.
Quản lý theo rủi ro đến từng hộ thuế
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân (Tổng cục Thuế), cho biết tới đây song song với việc đơn giản, minh bạch công khai về thuế, sẽ quy định áp dụng phương pháp quản lý thuế theo rủi ro đối với hộ kinh doanh. Đây là phương pháp quản lý thuế hiện đại, lần đầu tiên quy định áp dụng cho hộ kinh doanh (trước đây chỉ áp dụng cho DN). Qua đó, vừa đảm bảo tính công bằng, tránh rủi ro đối với cá nhân kinh doanh có mức doanh thu tính thuế bất hợp lý so với chi phí (diện tích kinh doanh, thuê địa điểm, giá trị tài sản, trang thiết bị, cửa hàng, kho tàng, chi phí điện, chi phí nước...); cá nhân nộp thuế khoán nhưng thường xuyên sử dụng từ 10 lao động trở lên nhưng không thành lập DN...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.