Những công ty ăn nên làm ra nhờ khách hàng lười biếng

18/05/2016 14:45 GMT+7

Bạn càng lười bao nhiêu thì các doanh nghiệp dưới đây càng kiếm được nhiều tiền bấy nhiêu. Sự lười biếng của bạn chính là lợi nhuận của họ.

Theo Busines Insider, có một số loại hình doanh nghiệp và công ty hưởng lợi trên sự lười biếng của khách hàng. Vì thế lần tới, nếu có ý định nghỉ tập thể dục hay gọi thức ăn đến giao tận nhà, bạn có thể suy nghĩ lại.

Dưới đây là một số doanh nghiệp ăn nên làm ra khi khách hàng lười biếng.

Ảnh: Business Insider

Phòng tập thể thao (phòng gym)

Đây là loại hình kinh doanh kiếm được nhiều tiền nhất khi bạn chẳng bao giờ leo lên máy chạy bộ. Các phòng gym có cách để thuyết phục bạn làm thẻ thành viên, song một nửa số người có thẻ thành viên câu lạc bộ thể dục, thể thao đang lãng phí tiền.

Đây là tin xấu cho chính họ nhưng lại là tin tốt cho ngành công nghiệp thể thao. Các phòng gym kiếm được tiền khi bạn đăng ký làm thành viên, không phải khi bạn đi tập thể dục. Họ là những người hưởng lợi nếu bạn lười biếng.

Công ty giao thức ăn

Một số công ty như GrubHub Seamless ở Mỹ cược rằng bạn sẽ có lúc đói bụng đến mức không muốn nấu ăn. Công ty này khiến việc chi trả 11.000 USD mỗi năm để giao sushi đến tận nhà, dành cho các khách hàng quá lười để nấu nướng hoặc ra cửa hàng, trở thành khả thi. Doanh thu từ tiền giao hàng của GrubHub Seamless là 100 triệu USD vào năm ngoái.

Ảnh: Reuters

Công ty cáp truyền hình

Các hãng này đặt cược rằng bạn không bao giờ bận tâm đến việc thay đổi dịch vụ mình sử dụng. Động tác đơn giản là nhấc điện thoại, gọi đến công ty bạn sử dụng dịch vụ và thỏa thuận về hợp đồng mới có thể giúp bạn tiết kiệm được nhiều hơn mình nghĩ. Khách hàng còn có thể chuyển đổi đăng ký cáp truyền hình sang hãng khác. Song thực tế, không nhiều người làm những điều này và vì thế họ đang vô tình sử dụng dịch vụ với mức giá cao hơn.

Ngân hàng lớn

Các ngân hàng lớn phụ thuộc một phần vào số lần bạn đến các cây ATM ngay cả khi bạn không phải là khách hàng của họ. Dù vì lười biếng hay vô ý, chúng ta vẫn tiếp tục phải trả phí ATM. Ở Mỹ, nếu bạn là khách hàng của nhà băng lớn, bạn có thể tốn hai lần phí nếu không dùng máy ATM của ngân hàng đó để rút tiền mặt. Khách hàng của nhà băng hiện trả phí cao kỷ lục 4,52 USD cho mỗi lần họ dùng cây ATM ngoài mạng lưới.

Ảnh: Reuters

Các ứng dụng nhắc nhở

Nếu bạn không lười biếng, bạn chẳng cần các ứng dụng theo dõi và nhắc nhở mình phải tập thể dục. Nhà sản xuất Fitbit ở Mỹ biết rằng nhiều người không sẵn sàng đi bộ vài dặm mỗi ngày chỉ để có sức khỏe tốt, mà họ cần biến việc luyện tập thành một trò chơi thú vị. Fitbit đặt cược vào đây và doanh thu của họ đạt 745 triệu USD năm 2014.

Ứng dụng gọi taxi

Uber có lợi nhuận nhờ bạn không sẵn lòng đi bộ về nhà hay chờ phương tiện giao thông công cộng. Bạn cũng có thể chịu mức giá cao hơn nếu khi gọi taxi cũng là lúc nhiều người cần xe giống bạn. Mô hình kinh doanh của Uber giả định rằng con người đủ lười biếng để dù có thế nào cũng phải sử dụng dịch vụ. Ở San Francisco, doanh thu của Uber là 500 triệu USD/năm.

Ảnh: Business Insider

Cửa hàng thức ăn nhanh

Người Mỹ ăn rất nhiều thức ăn nhanh, đơn giản là vì chúng tiện lợi, rẻ và tiết kiệm thời gian. Đây là lý do đem về cho McDonald's 35,4 tỉ USD lợi nhuận năm 2014. Dù hiện ngày càng có nhiều lựa chọn tốt cho sức khỏe hơn trong thực đơn tại các điểm bán thức ăn nhanh được ưa thích, song lợi ích từ các món ăn này vẫn không sánh được với các món chế biến tại gia.  

Dịch vụ theo yêu cầu

Hãng TaskRabbit biết rằng mọi người sẵn sàng trả tiền để các nhiệm vụ tẻ nhạt được hoàn tất. Ứng dụng phổ biến trên giúp bạn thuê ngoài bất cứ công việc nào mà bạn lười hoặc không muốn làm, từ dọn dẹp nhà cửa đến sắp xếp đồ nội thất mua từ cửa hàng. Một số người dùng nhờ TaskRabbit chỉ để thay đổi ảnh đại diện trên Facebook vào đúng nửa đêm, hay giảm bớt lượng người họ theo dõi trên Twitter. Tính đến tháng 7.2015, TaskRabbit gọi vốn được 38 triệu USD.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.