Những nhà sáng chế không bằng cấp: Lò sấy của Thành ca cao

16/08/2009 23:03 GMT+7

Thành ca cao là “thương hiệu” của nông dân Trịnh Văn Thành (40 tuổi, ấp Liên Hiệp 1, Xà Bang, H.Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu, ĐT: 0983.868.173) khi anh gắn nghiệp mình với cây ca cao gần 10 năm qua.

Cơ duyên với ca cao...

Từ năm 2001, cà phê liên tục rớt giá, có lúc chỉ còn 4.000 đồng/kg. Hồ tiêu lại thường xuyên bị dịch bệnh làm nông dân H.Châu Đức gặp rất nhiều khó khăn. Cây trồng nào có thể thay thế được hồ tiêu, cà phê mà lại phù hợp với vùng đất này và mang lại kinh tế cao cho người dân? Nông dân Trịnh Văn Thành một mình xách vali lên trường ĐH Nông lâm TP.HCM để tìm câu trả lời.

Hàng loạt giống cây trồng đang có tại khu vườn ươm giống của trường khiến Trịnh Văn Thành bối rối, không biết chọn giống cây nào. Được giới thiệu đến gặp thầy Phạm Hồng Đức Phước – giảng viên trường ĐH Nông lâm - “Thầy Phước khẳng định cây ca cao rất phù hợp với thổ nhưỡng ở Đông Nam Bộ. Đất Châu Đức lại càng thích hợp có thể trồng xen canh cây ca cao với cà phê, hồ tiêu và thầy Phước vận động tôi đưa giống về trồng...”, anh Thành kể. “Thầy Phước còn nói với tôi ca cao sẽ có đầu ra ổn định vì đây là dự án của Mỹ tài trợ. Thầy cũng hứa sẽ giúp nông dân hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây”, anh Thành nhớ lại.

Anh về vận động người dân xã Xà Bang, nhưng chỉ có một số hộ cùng anh trồng thử nghiệm trước 1.200 cây. Sau một thời gian, năm 2004, Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có dự án trồng cây ca cao xen canh trong vườn cà phê, tiêu và chọn xã Xà Bang trồng thí điểm. Cơ duyên với cây ca cao bắt đầu từ đây. Anh Trịnh Văn Thành được chọn tham gia dự án Phát triển cây ca cao bền vững do Tổ chức Success Alliance của Mỹ tài trợ. Nhờ có kinh nghiệm và kỹ thuật ủ nên hạt ca cao của anh Thành luôn đạt tỷ lệ lên men 95-97%, được các công ty đánh giá tốt.

...đến chế tạo lò sấy

Số lượng cây ca cao từng ngày tăng lên nhưng đến vụ thu hoạch nông dân chủ yếu bán ca cao ở dạng lên men, không phơi khô nên lợi nhuận không cao. Từ những mô hình sấy ca cao bằng năng lượng mặt trời của dự án Úc tài trợ cho các hộ dân trồng ca cao ở các tỉnh miền Tây và máy sấy ca cao của trường ĐH Bách khoa mà anh đã nhìn thấy trong thời gian tham gia dự án Success Alliance, anh Thành đã nảy sinh ý định chế tạo lò sấy ca cao.

Anh cho biết: “So với phương pháp phơi thủ công thì hai hệ thống sấy này vừa giúp nông dân rút ngắn được thời gian, tỷ lệ thu hồi cao (40%), bảo đảm độ ẩm (từ 7 - 7,5%), hạt ca cao sáng đẹp hơn. Tuy nhiên, giá thành của hai loại máy này khá cao (lò sấy bằng năng lượng mặt trời của Úc có giá khoảng 20 triệu đồng, còn lò sấy bằng nhiệt do trường ĐH Bách khoa sản xuất với giá khoảng 60 triệu đồng), vả lại dùng năng lượng mặt trời thì vào mùa mưa không sử dụng được, còn bằng máy sấy điện thì vào mùa khô, khi cúp điện lò sấy không thể hoạt động”. Từ hai loại lò sấy trên, anh Thành đã nghiên cứu và sáng chế ra lò sấy ca cao bằng nhiệt. Lò sấy có công suất gần 1 tấn/mẻ, vốn đầu tư chưa tới 3 triệu đồng. “Với lò sấy do tôi sáng chế thì hộ dân trồng ca cao nhỏ lẻ nào cũng làm được”, anh Thành nói.

 Lò sấy ca cao của anh Thành rất đơn giản. Anh dùng những thùng phuy bằng sắt cắt làm đôi rồi hàn lại với nhau dài 1,8m, ngang 0,6m. Anh úp thùng phuy lại, xây xi măng cho khói không thoát lên trên trong quá trình đốt nhiên liệu vì nếu không, hạt ca cao sẽ hôi khói. Phần trên thùng phuy, anh đặt những viên đá cuội để giữ nhiệt. Nhiệt độ từ đá tỏa ra đủ để sấy 3 khay ca cao (một khay 1 tạ) đặt phía trên. Bên ngoài cửa lò, anh Thành đặt nhiệt kế để có thể điều chỉnh được nhiệt độ của lò.

"Anh có đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ không?", chúng tôi hỏi, anh Thành cười: “Lò sấy của tôi làm không tới 3 triệu đồng thì đăng ký làm gì. Ai đến tôi đều chỉ dẫn cách làm. Hiện nay, không chỉ có hộ dân trồng ca cao ở Bà Rịa – Vũng Tàu được tôi hướng dẫn làm mà nhiều hộ nông ở Đắk Lắk, Bình Phước cũng đang sử dụng lò sấy của tôi”. Lò sấy ca cao của anh Thành rất tiện lợi, nhiên liệu đốt lò là những phế phẩm của ca cao, vỏ cà phê...

Hiện anh Thành đã nghiên cứu ra cách sản xuất chocolate và bơ từ hạt ca cao. Đưa chúng tôi tham quan nơi sản xuất, anh Thành bày tỏ: “Tôi rất mong được cơ quan chức năng và các chuyên gia quan tâm hỗ trợ để có thể sản xuất chocolate và bơ bán ra thị trường. Hiện, có một công ty chế tạo cà phê cũng đã đề cập đặt hàng tôi để mua bơ chế tạo từ ca cao”.

Điều ít ai biết về anh Thành ca cao là tuy mới học hết lớp 10 nhưng từ khi gắn nghiệp mình với cây ca cao, anh đã theo các chuyên gia nước ngoài qua các nước Đông Nam Á trợ giảng, hướng dẫn cách trồng ca cao cho nhiều nông dân trong khu vực.

Nguyễn Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.