Niềm tin vào thị trường chứng khoán của người Mỹ trượt mạnh

Thu Thảo
Thu Thảo
26/04/2018 08:56 GMT+7

Niềm tin vào thị trường chứng khoán của những người Mỹ không làm việc trong ngành tài chính đang lao dốc với tốc độ cao nhất kể từ ít nhất là năm 1987.

Theo CNN, người Mỹ vẫn lạc quan về nền kinh tế, nhưng thái độ của họ đối với cổ phiếu vừa chuyển từ phấn khích sang tiêu cực vì sự hỗn loạn đã và đang làm Phố Wall rung chuyển. Chỉ 33% trong số những người được hiệp hội nghiên cứu kinh doanh Conference Board khảo sát trong tháng này cho rằng giá cổ phiếu sẽ tăng vào năm sau.
Con số này giảm đáng kể từ mức cao kỷ lục 51% những người lạc quan về thị trường chứng khoán trong cuộc khảo sát tháng 1. Khi đó, chỉ số Dow từng vượt 26.000 điểm.
Song từ sau khi thị trường đạt đỉnh vào tháng đầu năm, nỗi lo về lạm phát và các cuộc chiến thương mại khiến chỉ số Dow giảm hơn 2.500 điểm. Cổ phiếu giảm giá tiếp trong tuần này vì nhiều lo ngại về khả năng phục hồi của doanh thu doanh nghiệp, và lợi suất trái phiếu lên cao.
Sự thay đổi của niềm tin trên thị trường đang ở tốc độ cao nhất kể từ khi Conference Board bắt đầu theo dõi số liệu này vào năm 1987, theo Bespoke Investment Group.
“Các nhà đầu tư đã quá tự tin. Dường như họ chỉ thấy các khía cạnh tích cực trong chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây là trường hợp khi Icarus bay quá gần mặt trời”, chiến lược gia thị trường toàn cầu Kristina Hooper tại hãng Invesco cho hay.
Gần đây hơn, động thái tích cực sử dụng thuế quan của ông Trump, và việc Tổng thống Mỹ chỉ trích hãng Amazon khiến Phố Wall lo ngại hơn. Ông Hooper cho rằng các nhà đầu tư giờ đây đã “tỉnh ra”.
Chỉ 20% người Mỹ được Conference Board khảo sát có quan điểm tiêu cực về thị trường chứng khoán trong tháng 1. Giờ đây, số liệu này là 1/3. Tháng 4 cũng là tháng đầu tiên mà dân Mỹ tiêu cực nhiều hơn là tích cực về thị trường chứng khoán kể từ khi Tổng thống Trum đắc cử.
Chỉ số S&P 500 đã tăng hoặc giảm ít nhất 1% trong 30 ngày giao dịch của năm 2018. So với năm 2017, chỉ có tám lần chỉ số này dao động ít nhất 1% trở lên. Nghiên cứu của TD Ameritrade cho hay các nhà đầu tư bình thường nhanh chóng có góc nhìn xấu về thị trường. Chỉ số Investor Movement của hãng này, vốn đo lường hoạt động của các nhà đầu tư, giảm mỗi tháng trong năm nay sau khi chạm mức cao kỷ lục cuối năm 2017.
Liệu niềm tin sụt giảm có phải là dấu hiệu cảnh báo cái kết của thị trường chín năm liền tăng điểm? Có thể không. Nỗi lo của các nhà đầu tư bình thường thường không báo hiệu tín hiệu ảm đạm cho chứng khoán. Thực tế, họ lạc quan hơn khi họ lẽ ra nên thận trọng và ngược lại.
Khi niềm tin vào thị trường giảm mạnh trong ba tháng, chỉ số S&P 500 tăng trung bình 22% trong năm sau, Bespoke Investment Group cho biết.
Ví dụ gần đây nhất là vào năm 2011. Khi khủng hoảng trần nợ và việc Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm AAA, chỉ số S&P 500 giảm 7% trong tháng 9.2011, song nhanh chóng bình ổn để rồi sau đó một năm, chỉ số này tăng lại 15%. Tương tự vào mùa xuân năm 1997, niềm tin vào chứng khoán cũng lao dốc, song chỉ số S&P 500 tăng 39%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.