Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 1: Lời cảnh báo của Thomas Jefferson

27/10/2014 08:45 GMT+7

(TNO) “Kể từ khi có lý thuyết về sự tồn tại vĩnh viễn của nợ (công), máu đã tưới đẫm trên trái đất và nhân loại bị đè bẹp trong những gánh nặng chất chồng” - Thomas Jefferson, tác giả bản Tuyên ngôn Độc lập và Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ.

 Thomas Jefferson - Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ
Thomas Jefferson - Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ

Nói về nợ nần trước hết phải nói đến Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Những “học thuyết” về nợ nần tung hoành ngang dọc suốt hàng thế kỷ, chọc thủng các định chế quốc gia, phủ sóng khắp các ngõ ngách của đời sống, từ trường học cho tới bàn ăn giường ngủ, đã biến nước Mỹ thành một biển nợ, một biển nợ sóng sau đè sóng trước, vĩnh viễn không bao giờ trả xong.

Ghi lại chính xác con số nợ của nước Mỹ, từ nợ công đến nợ cá nhân, là điều bất khả. Bởi vì bạn vừa ghi xong một con số báo trên đồng hồ nợ, lập tức nó biến thành một con số khác cao hơn, nó tăng liền tù tì không phải từng giờ mà từng giây từng phút với một gia tốc chóng mặt. Tại thời điểm tôi viết những dòng này (25.10.2014), tổng số nợ công của Mỹ đã vượt con số 17.888 tỉ USD (tính tròn) và tổng số nợ của toàn quốc (gồm nợ công, nợ doanh nghiệp và nợ cá nhân) lên tới gần 59.466 tỉ USD. Với dân số 319.141.850 người, mỗi người Mỹ, từ sơ sinh cho đến hấp hối trên giường bệnh, đang gánh 186.327 USD và mỗi gia đình gánh tới hơn 730.000 USD tiền nợ.

Cả nước Mỹ tiếng là phồn vinh nhưng chi tiêu vượt quá xa khả năng có thực của mình. Người dân lấy gì trả nợ ? Lấy thu nhập của mình “trong tương lai”. Chính phủ lấy gì để trả nợ ? Lấy tiền thuế của dân “trong tương lai”. Người dân “ăn chặn” vào tương lai của chính mình, còn Chính phủ thì lấy các thế hệ chưa sinh ra làm vật thế chấp để vay nợ và ăn chặn trước tiền của họ theo đúng nghĩa đen của từ này, bởi vì thế hệ tương lai sẽ phải trả hai lần thuế, một lần để trả các khoản nợ mà thế hệ của họ sẽ vay và một lần để trả nợ tồn của thế hệ trước.

Các nhà lập quốc Hoa Kỳ nếu sống dậy sẽ bàng hoàng trước cái biển nợ mà sinh thời các vị nằm mơ cũng không nghĩ tới. Nước Mỹ mà các vị tạo lập vốn rất cảnh giác với nợ nần. Khi tuyên bố nước Mỹ là một quốc gia tự do, các vị muốn xây dựng một nền tự do “miễn phí” cho con cháu, một nền tự do hòa bình với các nước, bởi vậy các vị hết sức cẩn trọng khi vay nợ và tìm mọi cách không để lại gánh nặng nợ nần cho các thế hệ tương lai.

Sau khi giành độc lập từ tay người Anh và sau khi bản Hiến pháp có hiệu lực, cả nước Mỹ chỉ tồn một món nợ không lớn lắm, khoảng hơn 75 triệu USD một chút, vào năm 1791, là món nợ kế thừa từ thời thuộc địa và các khoản vay mượn cho quá trình củng cố nền độc lập. Căn cứ vào chỉ số lạm phát theo lịch sử thì 1 USD vào thời điểm đó có giá trị bằng 25 USD hiện nay, món nợ kia tương đương với chưa đầy 1,9 tỉ USD (theo giá 2012), nhưng nó đã khiến cho các nhà lập quốc Hoa Kỳ mất ăn mất ngủ.

 Diễn biến nợ quốc gia/GDP của Hoa Kỳ từ năm 1790 -  Ảnh: policyinterns.com
Diễn biến nợ quốc gia/GDP của Hoa Kỳ từ năm 1790 -  Ảnh: policyinterns.com

Dù cuộc đấu tranh giữa hai phái, tạm gọi là phái “vay nợ” mà đại biểu là Alexander Hamilton, Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của nước Mỹ và phái “không vay nợ” mà đại biểu là Thomas Jefferson, tác giả bản Tuyên ngôn độc lập lừng danh, diễn ra hết sức gay gắt, nhưng dù ai thắng thế thì việc vay mượn vẫn được kiềm chế ở mức khiêm tốn, trừ những lúc bất khả kháng do chiến tranh.

Th. Jefferson từng nói: “Một chính phủ cai trị ít nhất là một chính phủ tốt nhất” (The government that governs least governs best). Đó là phương châm chính trị của ông và là nguyên tắc căn bản của một xã hội tự do. Khi lên làm Tổng thống Mỹ năm 1801, ông thực hiện một chính phủ tinh gọn, tiết kiệm và hòa bình, giảm chi phí quốc phòng và làm hết sức mình để khoản giảm nợ chính phủ. Trong suốt 8 năm của hai nhiệm kỳ tổng thống, Jefferson đã giảm nợ quốc gia từ 83 triệu USD xuống còn 57 triệu USD, nợ tồn của năm sau bao giờ cũng ít hơn nợ tồn của năm trước. Theo đà đó, đến trước thời điểm nổ ra chiến tranh Anh - Mỹ năm 1812, nợ quốc gia tiếp tục giảm xuống chỉ còn 45 triệu USD. Cuộc chiến năm 1812 diễn ra trong vòng 3 năm khiến cho nợ công gia tăng lên đến mức đỉnh 127 triệu USD vào năm 1816, sau đó giảm dần xuống, đến năm 1835 dưới thời tổng thống Andrew Jackson, chính phủ Mỹ hoàn toàn sạch nợ.

Jefferson cho rằng con cái chúng ta sinh ra là được tự do, tự do là món quà tự nhiên của tạo hóa chứ không phải là từ ông bà cha mẹ chúng ban cho, bởi vậy chúng phải được trưởng thành, được lao động và được hưởng những thành quả trọn vẹn của chúng, chúng có quyền không chịu trách nhiệm về những gánh nặng mà ông bà cha mẹ chúng để lại. Theo ông, một quốc gia mà dồn nợ công cho thế hệ sau phải trả là điều không thể chấp nhận được về mặt đạo đức. Trong bức thư gửi James Madison (người sau này là tổng thống thứ 4 của Mỹ) vào năm 1789, Jefferson nói rõ: “Trái đất là thuộc sở hữu toàn vẹn của mỗi thế hệ trong suốt thời gian tồn tại của thế hệ đó. Thế hệ thứ hai phải được tiếp nhận trái đất không nợ nần và các gánh nặng để lại từ thế hệ thứ nhất, các thế hệ tiếp theo cũng sẽ tương tự như vậy. Nếu như thế hệ thứ nhất nhồi vào nó một khoản nợ (mà các ông ấy không chịu trả) thì trái đất sẽ thuộc về những người đã chết, không còn là của những người đang sống nữa. Bởi vậy, không một thế hệ nào được ký những hợp đồng vay nợ lớn hơn khả năng mà chính thế hệ mình phải trả”.

Trước, trong và sau khi làm Tổng thống, Jefferson luôn luôn đau đáu với nợ. Ông hối tiếc là đã không kịp sửa một điều khoản trong Hiến pháp nhằm giới hạn quyền vay nợ của Chính phủ, cho nên ông luôn luôn nhấn mạnh sự miễn trừ đối với các khoản nợ của thế hệ trước phải được coi là “quyền tự nhiên” của con người. Trong thư gửi thượng nghị sĩ John Wayles Eppes, ông viết : “Quyền tự nhiên được miễn trừ các món nợ của những thế hệ trước là sợi cương kiềm chế chiến tranh và tình trạng nợ nần. Bởi vì kể từ khi có lý thuyết hiện đại về sự tồn tại vĩnh viễn của nợ (công), trái đất đẫm máu và nhân loại bị đè bẹp trong những gánh nặng chất chồng”. Trong bức thư gửi triết gia A.L.C. Destutt de Tracy, một người bạn Pháp của ông, Jefferson nhắc lại: “Bổn phận của mỗi thế hệ là phải trả được món nợ của chính mình khi đang còn sống. Đó là một nguyên tắc mà nếu làm được thì sẽ giảm một nửa các cuộc chiến tranh trên thế giới”.

Thái độ và hành động quang minh lỗi lạc của Th. Jefferson đối với nợ công hơn 200 năm qua vẫn đang là những cảnh báo thời sự. Tiếc rằng nước Mỹ tuy tôn sùng ông như một tượng đài bất diệt của tự do nhưng lại cố tình lờ đi những lời ông cảnh báo… (còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

>> Cục nợ công
>> Nợ công có thể đã chạm mức giới hạn
>> Mỗi người Việt gánh thêm 1,8 triệu đồng nợ công
>> Khổ sở đi đòi nợ công ty vàng
>> 4 tháng tăng thêm 3 tỉ USD nợ công

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.