Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 3: Khi tự do bị chối bỏ

29/10/2014 22:02 GMT+7

(TNO) Lịch sử diễn ra không đơn giản như sự luận giải của những người theo thuyết âm mưu. Mỗi dân tộc có lý do khi chọn cho mình một mô hình phát triển và cũng có lý do khi từ bỏ nó.

>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 2: Thành quả diệu kỳ của bản Hiến pháp tự do
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 1: Lời cảnh báo của Thomas Jefferson

 Nguồn : economist.com
Nguồn: economist.com

Ai đọc cuốn “Chiến tranh tiền tệ” của Song Hongbing, một tác giả người Hoa, đều thấy rùng mình về những âm mưu của các tập đoàn tài phiệt ngân hàng lũng đoạn nền kinh tế và chính trị nước Mỹ. Tác giả cuốn sách cho rằng các tập đoàn tài phiệt ngân hàng quốc tế chính là thủ phạm gây ra mọi tai họa cho nước Mỹ, từ việc khống chế chính phủ gắn chặt với các khoản nợ công vĩnh viễn, thay đồng tiền bản vị vàng bằng đồng đô la pháp định nhằm tước đoạt tài sản của người dân, kích hoạt hai cuộc chiến tranh thế giới, đến các cuộc ám sát các tổng thống Mỹ, việc tạo ra một núi nợ cho nước Mỹ ngày nay …

 
Chính thành tựu của chủ nghĩa tự do là nguyên nhân đưa nó đến chỗ suy tàn
Friedrich Hayek

Cuốn sách đã dùng nhiều tư liệu lịch sử có giá trị và có thật, nhưng lồng vào đó không ít những nhận định võ đoán và mâu thuẫn, trộn chủ nghĩa dân tộc vào chủ nghĩa tự do, để cuối cùng kêu gọi nhà cầm quyền Trung Quốc thực hiện chiến lược “xây dựng tường cao, tích lũy lương thảo, hoãn xưng vương” nhằm từng bước làm bá chủ thế giới trên lĩnh vực tài chính tiền tệ. Cuốn sách đã được phát hành hàng triệu bản ở Trung Quốc và một số nước trên thế giới, là cuốn sách điển hình về “thuyết âm mưu”.

Nhắc tới cuốn sách này, tôi muốn lưu ý bạn đọc là chúng ta không nên dựa vào thuyết âm mưu để suy tưởng lịch sử.

Tự do và hạnh phúc là nguyện vọng tha thiết của nhân loại. Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta từng nói, nước độc lập mà dân không tự do hạnh phúc thì sự độc lập đó cũng vô nghĩa. Nhưng chủ nghĩa tự do, nền tảng tạo nên sự thịnh vượng ở Mỹ và phương Tây thế kỷ 19, lại gắn liền với một nhà nước bé. Các nhà nước phình to ra trong thế kỷ 20 khiến cho chủ nghĩa tự do bị chối bỏ không phải là “âm mưu” của các tập đoàn tài phiệt mà là sự lựa chọn của dân chúng.

Friedrich Hayek, một triết gia đoạt giải Nobel kinh tế năm 1974, cho rằng “chính thành tựu của chủ nghĩa tự do là nguyên nhân đưa nó đến chỗ suy tàn” (*). Việc giải phóng sức sáng tạo của cá nhân khỏi sự kìm hãm của các luật lệ phong kiến là xu hướng chủ đạo của lịch sử phương tây thế kỷ 17-18, đã dẫn đến sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật và tạo ra sự thịnh vượng về kinh tế trong thế kỷ 19, nhưng theo Hayek, những nguyên tắc tự do kinh tế chỉ được thiết lập sau khi kinh tế đã phát triển, đó là “sản phẩm phụ không hề được dự liệu và khá bất ngờ của tự do chính trị”, và chính những nguyên tắc căn bản của tự do đã ngăn cản nó biến thành một hệ thống giáo điều. Đó là nguyên tắc Nhà nước càng ít can thiệp vào thị trường càng tốt, hay là chính sách “vô vi nhi trị” nói theo cách phương Đông. Bởi vậy những thành tựu do các chính sách “vô vi nhi trị” này đem lại được người dân coi là sự tiến bộ đương nhiên từ trên trời rơi xuống, còn các khiếm khuyết thì lại “đổ tội” cho các chính sách này. Các cuộc suy thoái kinh tế theo chu kỳ, xuất phát từ việc bành trướng tín dụng quá mức sau đó bị thắt chặt vì tín dụng không phải là thứ vô tận, lẽ ra là một cái giá mà những người tham gia thị trường phải trả để tự điều chỉnh lối sống ăn xổi ở thì của mình, lại quy kết cho tính tự phát không được quản lý của thị trường tự do.

Rủi ro trong một xã hội cạnh tranh là cái giá mà con người phải chấp nhận, nếu con người muốn được tự do. Nhưng loài người thì có tâm lý không muốn thế, chúng ta vừa muốn tự do vừa muốn an toàn. Thị trường tự do không hứa hẹn đem đến cho bạn giàu sang phú quý, nó chỉ “hứa” một điều, là bạn có cơ hội làm giàu và cũng có nguy cơ nghèo khó giống như những người khác. Còn Nhà nước thì có thể hứa đủ thứ, nên mỗi một rủi ro gặp phải, mỗi một nhu cầu tăng thêm mà tự mình không đủ khả năng đáp ứng, người dân đều có khuynh hướng cần đến bàn tay của Nhà nước. Tất nhiên Nhà nước có vai trò rất quan trọng, nó duy trì luật pháp để cho sự tự do của người này không làm mất tự do của người khác, nó được người dân nộp thuế để đảm nhận việc phòng thủ quốc gia và giữ gìn an ninh trật tự, thực hiện những công việc mà từng người dân riêng lẻ không có khả năng làm và bảo đảm cho những người bất hạnh một mức sống có thể chấp nhận được. Nhưng mỗi một việc mà người dân giao thêm cho Nhà nước hay Nhà nước tự mình gánh thêm việc thì ngân sách phải tăng, ngân sách tăng thì thuế phải thu nhiều, thuế thu nhiều cũng không đủ thì đi vay nợ.

Cuộc Đại khủng hoảng năm 1929 đánh dấu một bước ngoặt về vai trò của Nhà nước Mỹ, bắt đầu từ chính sách kinh tế-xã hội mới (New Deal) của Tổng thống F.D. Roosevelt. New Deal mở rộng vai trò của Nhà nước, nó gần giống như việc “kế hoạch hóa nền kinh tế”, can thiệp sâu rộng vào các hoạt động kinh tế và đời sống của người dân, để lại những hậu quả nặng nề mấy chục năm sau nước Mỹ mới tháo gỡ, nhưng lúc đó F.D.Roosevelt rất được lòng dân, được bầu liên tiếp 4 nhiệm kỳ tổng thống, dù New Deal của ông có nhiều đạo luật vi hiến bị Tối cao pháp viện bác bỏ.

Nhìn biểu đồ trên tờ The Economist, có thể thấy quy mô của Nhà nước Mỹ theo mức độ chi tiêu của chính phủ liên bang: suốt thế kỷ 19 kéo dài đến trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, trừ thời gian diễn ra nội chiến, chi tiêu của chính phủ liên bang tính trên GDP hàng năm không vượt quá mức đỉnh 3,86% của năm 1813. Việc thực hiện New Deal và phế bỏ bản vị vàng vào đầu những năm 1930 khiến cho chiều kích của Nhà nước Mỹ tăng vọt. Chi tiêu chính phủ liên bang tuy  giảm xuống từ mức đỉnh 44,5% trong thời gian chiến tranh thế giới lần thứ 2 vào năm 1944-1945 nhưng vẫn còn chiếm 23,7% vào năm 1946. Đến năm 2011, chi tiêu của Chính phủ liên bang đã lên mức 25,3% GDP. Ngày nay nếu tính cả chi tiêu của các bang và chính quyền địa phương, thì tổng chi tiêu của Nhà nước Mỹ hàng năm đã chiếm gần ½ tổng thu nhập quốc dân, có nghĩa là người dân Mỹ đang phải “cưa đôi” thu nhập của mình để “cống” cho Nhà nước. Nợ của Chính phủ liên bang thời tổng thống Obama đã vượt quá 100%GDP và cuộc vận động tăng trần nợ công chắc gì đã kết thúc. Và không thể nói đây không phải là sự lựa chọn của đa số người dân Mỹ… (còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

(*) Trích từ F.A. Hayek, Đường về nô lệ, NXB Tri Thức, Hà Nội 2009

>> Cục nợ công
>> Nợ công có thể đã chạm mức giới hạn
>> Mỗi người Việt gánh thêm 1,8 triệu đồng nợ công 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.