Nông nghiệp Úc nóng lên vì tiền từ Trung Quốc

30/03/2016 18:28 GMT+7

Dòng vốn đầu tư ồ ạt từ Trung Quốc có thể giúp nước Úc giết mổ hai con bò mỗi phút và khai thác hết tiềm năng kinh doanh, song cũng đang gây ra nhiều tranh cãi.

Dòng vốn đầu tư ồ ạt từ Trung Quốc có thể giúp nước Úc giết mổ hai con bò mỗi phút và khai thác hết tiềm năng kinh doanh, song cũng đang gây ra nhiều tranh cãi.

Nhân công đang chuyển thịt gia súc từ phòng lạnh tại cơ sở Bindaree Beef ở Inverell (Úc) - Ảnh: BloombergNhân công đang chuyển thịt gia súc từ phòng lạnh tại cơ sở Bindaree Beef ở Inverell (Úc) - Ảnh: Bloomberg
Tại lò mổ Bindaree Beef cách Sydney (Úc) một ngày lái xe về phía bắc, lợi ích của đầu tư từ Trung Quốc đem lại là rất rõ ràng. Với tiền từ việc bán cổ phần cho một hãng xử lý thịt Trung Quốc, Bindaree Beef có thể tăng gấp đôi lượng gia súc giết mổ hằng ngày lên 2.400 con, hay tương đương hai gia súc được giết mổ mỗi phút, kể cả ngày lẫn đêm.
Trong vòng 5 năm, nửa số thịt bò từ Bindaree có thể được bán ở Đại lục nhờ vào mạng lưới phân phối của đối tác mới, Giám đốc tài chính James Roger của Bindaree cho hay. “Họ có chuỗi cung ứng hoàn thiện. Chúng tôi có thể làm mọi việc nhanh chóng hơn với một đối tác Trung Quốc”, ông Roger nói.
Dù nhận được lợi ích như thế, nông dân và các nhà sản xuất thực phẩm Úc đang phải đối mặt với làn sóng phản đối dữ dội nhà đầu tư Trung Quốc. Bộ luật mới ban hành khiến các quỹ đầu tư nước ngoài khó tiến vào Úc hơn và hội đồng chỉ trích các khoản đầu tư giờ đây có những gương mặt là cựu tình báo. Ngay cả việc bơm vốn nước ngoài vào ngành công nghiệp thực phẩm địa phương ở Nga cũng dễ dàng hơn là ở Úc, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
“Chính phủ đang mở cửa cho đầu tư nước ngoài, song xu hướng có lẽ đang đi ngược lại”, James Laurenceson, Phó Giám đốc Viện Quan hệ Úc - Trung Quốc ở Đại học Công nghệ Sydney nói.
Cơ hội cho các hãng nông nghiệp Úc rất rõ ràng. Họ sản xuất đủ thực phẩm cho khoảng 60 triệu người, nhiều hơn dân số 24 triệu người của Úc. Nhu cầu thực phẩm ở Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Úc và là nơi có 1,4 tỉ dân, được cho là sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050.
Dù vậy, Úc cần vốn ngoại để hưởng lợi tối đa. Để bắt kịp với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu toàn cầu, đến năm 2050 ngành nông nghiệp Úc cần thu hút thêm 360 tỉ đô la Úc (AUD), tương đương 274 tỉ USD, theo báo cáo của các nhà tư vấn tại hãng Port Jackson Partners.
Đàn bò trên đồng cỏ trước khi được giết mổ tại cơ sở Bindaree Beef ở Inverell (Úc) - Ảnh: Bloomberg
Bindaree có trụ sở ở miền bắc New South Wales đồng ý bán 45% cổ phần cho công ty thực phẩm Sơn Đông Delisi (Shandong Delisi Food) của Trung Quốc với giá 140 triệu đô la Úc. Một khi thương vụ hoàn tất trong vài tháng tới, nhà sản xuất thịt bò Úc muốn mua công nghệ đóng băng mới và máy móc lóc xương, thiết bị hình ảnh phát hiện hàm lượng chất béo trong thịt bò băm nhỏ.
Vì nguồn vốn khan hiếm ở Úc, Seafarms Group cũng đang tìm kiếm khoản đầu tư nước ngoài 150 triệu AUD để mở trang trại tôm ở miền bắc nước này. Nếu hoàn tất, dự án Project Sea Dragon trị giá 1,5 tỉ AUD sẽ cho ra lò 100.000 tấn tôm sú mỗi năm, chủ yếu để xuất khẩu.
Năm ngoái, Ủy ban Đánh giá Đầu tư Nước ngoài của Úc tăng cường giám sát các thương vụ nông nghiệp liên quan đến bên mua Trung Quốc. Các thương vụ mua đất trị giá từ 15 triệu AUD trở lên và đầu tư nông nghiệp từ 55 triệu AUD trở lên giờ đây cần thông qua ý kiến chính phủ. Trong khi đó, nếu nhà đầu tư là người Mỹ, họ được phép chi tiêu 1,09 tỉ USD mua đất nông thôn hoặc kinh doanh nông nghiệp trước khi cần chính phủ Úc phê duyệt.
Hồi tháng 11.2015, quan chức Úc chặn thương vụ bán công ty gia súc biểu tượng của nước Úc, S. Kidman & Co., cho một khách mua nước ngoài vì một trong những trang trại lớn nhất của Kidman gần khu thử nghiệm vũ khí.
Shanghai Pengxin Group, một trong hai nhà thầu Trung Quốc, hiện đề xuất hợp tác với một tập đoàn đầu tư nước bạn để mua bất kỳ cổ phần nào trong Kidman mà họ có thể mua. Việc này có thể đem lại kết quả, đồng thời giúp tránh loạt phản ứng tương tự như sau khi công ty sữa lớn nhất nước Úc bị bán cho một hãng Đại lục vào tháng trước.
“Người Trung Quốc có thể mua Opera House hay Harbour Bridge không?”, Alan Jones, một trong những phát thanh viên có nhiều thính giả nhất bàn luận về vấn đề này. Ông Jones gọi thương vụ trên là “đáng hổ thẹn”.
Peter Langridge, giáo sư danh dự tại Đại học Adelaide, người từng tư vấn cho Liên Hiệp Quốc về chính sách nông nghiệp, lại có góc nhìn khác. Ông cho rằng Úc cần bỏ qua sự phản đối đối với đầu tư nước ngoài vì nếu không làm thế, năng suất nông nghiệp sẽ giảm và trợ cấp tăng lên. Nỗi lo người Úc sẽ đói theo ông Langridge là vô lý vì chính phủ nước này chỉ cần quốc hữu hóa tài sản nếu kịch bản đó xảy ra.
Không chỉ có Úc, nhiều nước khác cũng đang chứng kiến dòng vốn ồ ạt từ Đại lục. Doanh nghiệp Trung Quốc đã chi 120 tỉ USD vào việc đầu tư và tiếp quản doanh nghiệp ngoại trên thế giới trong năm 2015, tăng 58% so với một năm trước, theo số liệu từ hãng tin Bloomberg. Tốc độ chi tiêu đặc biệt tăng vọt ở các thị trường mới nổi như Ấn Độ hay Malaysia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.