Ốc vít của doanh nghiệp Việt giá quá cao

31/03/2016 05:55 GMT+7

Chính phủ VN cần có đề án rõ ràng cho việc hỗ trợ và nuôi dưỡng các DN ưu tú một cách triệt để, để các DN có thể xuất được những linh phụ kiện thay cho việc phải nhập từ Trung Quốc.

Chính phủ VN cần có đề án rõ ràng cho việc hỗ trợ và nuôi dưỡng các DN ưu tú một cách triệt để, để các DN có thể xuất được những linh phụ kiện thay cho việc phải nhập từ Trung Quốc.

Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Nokia - Ảnh: M.HàDây chuyền sản xuất tại Nhà máy Nokia - Ảnh: M.Hà
Chia sẻ tại Diễn đàn phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ VN trong bối cảnh hội nhập sáng qua (30.3), đại diện nhiều doanh nghiệp kêu khó khăn đủ đường khi tham gia sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong chuỗi giá trị cung ứng cho các tập đoàn lớn.
Theo ông Hoàng Minh Trí, Giám đốc Công ty TNHH 4P, kinh nghiệm để chen chân làm nhà cung ứng bản mạch điện tử cho các công ty có vốn FDI tại VN là tiêu chuẩn kỹ thuật ISO, chất lượng sản phẩm, giá cạnh tranh, giao hàng đúng hẹn và xây dựng hợp tác chân thành.
“Các doanh nghiệp (DN) VN thường mắc phải lỗi không giao hàng đúng hẹn. Chúng ta là DN mới, không nên làm gì quá phức tạp, nên đi từ thấp tới cao, từng bước một. Chúng tôi cung cấp bản mạch cho Tập đoàn LG cũng là kết quả sau 15 năm hợp tác làm việc, không phải làm ra đến chào là họ mua ngay đâu. Sau khi hợp tác, họ sẽ chuyển giao công nghệ mềm cho chúng tôi”, ông Trí nói và cho rằng mặt bằng chung về máy móc công nghệ của các DN còn quá yếu, nếu không đầu tư liên tục, đổi mới công nghệ sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, chi phí cho đầu tư công nghệ lại rất lớn, một máy đơn trong dây chuyền sản xuất tại công ty này đã lên tới 1 triệu USD.


Phát triển công nghiệp hỗ trợ cần tập trung đồng bộ, nhưng mô hình vệ tinh của DN VN rất yếu. Bản thân công ty chúng tôi không sản xuất được hết, phải thuê thêm công ty ngoài và thấy mình đã yếu nhưng công ty vệ tinh còn yếu hơn

Ông Lê Thanh Thủy,
Giám đốc Công ty Trí Cường

DN này cũng phàn nàn, môi trường kinh doanh đang thiên về ưu đãi DN nước ngoài nhiều hơn DN trong nước. “Chính sách ưu đãi về đất đai, tiền thuê đất, thuế... vẫn thiên về DN có vốn đầu tư nước ngoài”, ông Trí nói.
Cùng quan điểm, ông Lê Thanh Thủy, Giám đốc Công ty Trí Cường, cho biết tình trạng chung của các DN hỗ trợ là khó khăn khi bắt đầu khởi nghiệp, từ mặt bằng sản xuất chỉ được thuê thời hạn ngắn, máy móc thiết bị cũ lạc hậu đến thiếu vốn... “Phát triển công nghiệp hỗ trợ cần tập trung đồng bộ, nhưng mô hình vệ tinh của DN VN rất yếu. Bản thân công ty chúng tôi không sản xuất được hết, phải thuê thêm công ty ngoài và thấy mình đã yếu nhưng công ty vệ tinh còn yếu hơn”, ông Thủy cho hay.
Nhắc lại câu nói từng được xem là nỗi đau với ngành công nghiệp VN: “DN VN không sản xuất được nổi con ốc”, theo ông Thủy - nhà cung ứng sản phẩm phụ trợ cho Yamaha, Sumitomo, Panasonic, Samsung: “DN VN không phải không làm được ốc vít, mà làm ra không bán được vì giá rất cao, khách hàng không chấp nhận”.
Ông Thủy kiến nghị Chính phủ quan tâm chính sách ưu đãi cho công nghiệp hỗ trợ phải đúng đối tượng, có tính khả thi, hiệu quả hơn, hỗ trợ từ gốc chứ không phải từ ngọn. Trước đây, chính sách hỗ trợ mới từ khâu xúc tiến thương mại, hỗ trợ bán hàng mà đáng lẽ phải từ gốc là khâu làm ra sản phẩm.
Xấu hổ vì doanh nghiệp hỗ trợ mới chiếm 0,3%
Theo ông Kawada Atsusuke, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Hà Nội, dù đã có nhiều nỗ lực nuôi dưỡng ngành công nghiệp hỗ trợ tại VN, nhưng tỷ lệ mua linh phụ kiện tại chỗ (nội địa hóa) vẫn thấp.
Theo báo cáo điều tra của JETRO, tỷ lệ mua linh phụ kiện tại chỗ của các DN Nhật Bản tại VN năm 2015 là 32,1%, nếu so với kết quả điều tra của năm 2010 là 22,4% thì tăng 10%. Tuy nhiên, nếu so với năm 2014 là 33,2% thì hoàn toàn không tăng.
Đặc biệt, nếu so với tỷ lệ nội địa hóa của DN Nhật Bản đang hoạt động tại các nước lân cận như Trung Quốc là 64,7%, Thái Lan là 55,5%, Indonesia là 40,5%, Malaysia là 36% thì tỷ lệ nội địa hóa của VN rất thấp. Bên cạnh đó, mặc dù nói tỷ lệ nội địa hóa là 32,1% nhưng trong đó tỷ lệ mua từ các DN Nhật Bản đang hoạt động tại VN là 45,1%, từ DN VN là 41,2%, và phần còn lại 13,7% mua từ các DN nước khác như Đài Loan... Nếu tính phần trăm mua từ các DN VN với tỷ lệ nội địa 32,1%, thực chất tỷ lệ nội địa từ các DN VN không quá 13,2%.
Ông Kawada cho rằng, việc nuôi dưỡng ngành công nghiệp hỗ trợ các sản phẩm điện gia dụng, máy móc văn phòng và ngành công nghiệp linh kiện ô tô là rất quan trọng. Vì vậy, Chính phủ VN cần có đề án rõ ràng cho việc hỗ trợ và nuôi dưỡng các DN ưu tú một cách triệt để, để các DN có thể xuất được những linh phụ kiện thay cho việc phải nhập từ Trung Quốc.
PGS-TS Phan Đăng Tuất, chuyên gia có hàng chục năm gắn bó với ngành công nghiệp hỗ trợ, cho biết cả nước mới có 1.383 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chia làm 3 nhóm ngành: sản xuất cơ khí - điện tử, nhựa và cao su. So với tổng số 500.000 DN đang hoạt động trên cả nước, số DN hỗ trợ chỉ chiếm 0,3%. “Con số này quá ít ỏi, đáng xấu hổ với một nước đang tiến lên công nghiệp hóa. Chúng ta không thể có nền công nghiệp hỗ trợ với từng này DN. Theo tính toán của tôi, đến năm 2020, chúng ta có khoảng 5.000 DN hỗ trợ và đến năm 2025 là 10.000 - 20.000 DN. Lúc đó mới có thể có ngành công nghiệp hỗ trợ. Đó là con đường buộc phải đi”, ông Tuất nói.
Cũng theo ông Tuất, đây là thời điểm vàng để VN phát triển công nghiệp hỗ trợ, cần coi đây là quốc sách để phát triển bền vững. Tuy nhiên, những DN cũ đã không thể tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu, hỗ trợ phải hướng tới những DN mới, khởi nghiệp. “Có lần tôi tự ngồi tính, nếu bỏ vài chục nghìn tỉ đồng để xây dựng vườn ươm DN, mời chuyên gia nước ngoài, chính các hãng là nhà nhập khẩu tương lai đến giúp chúng ta đào tạo tại chỗ rồi cung ứng cho họ sẽ hiệu quả hơn”, ông Tuất chia sẻ và đề nghị Chính phủ cần tạo ra những “lồng ấp” nuôi dưỡng các DN hỗ trợ, đây mới là con đường nhanh nhất đi đến thành công.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.