Phải quyết liệt giảm lúa tăng màu

15/01/2018 07:01 GMT+7

Các chuyên gia cho rằng: Cần có cơ chế để chuyển đổi mạnh hơn quỹ đất trồng lúa không có hiệu quả, chuyển sang trồng ngô và cây nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, giảm dần nhập khẩu.

Phụ thuộc con giống, thức ăn
Năm 2017, ngành chăn nuôi của VN vô cùng tự hào khi lần đầu tiên xuất khẩu thịt gà vào thị trường được xem là khó tính nhất thế giới - Nhật Bản. Nhưng trong cả chuỗi giá trị này thì gà giống được Bỉ cung cấp, thức ăn chăn nuôi đến từ doanh nghiệp Hà Lan, giết mổ công ty của Úc, còn các trang trại VN chỉ đóng một vai trò rất nhỏ là chăm nuôi - chăn nuôi. Điều này cho thấy chúng ta hoàn toàn phụ thuộc và thụ động trong toàn chuỗi giá trị.
Để có nguồn giống tốt phục vụ chăn nuôi đạt năng suất cao những năm gần đây VN phải tăng cường nhập khẩu từ các nước như: Đan Mạch, Canada, Pháp, Mỹ thậm chí từ các nền kinh tế trong khu vực như Đài Loan, Thái Lan. Năm 2016, VN nhập khoảng 8.000 con heo giống cụ kỵ, ông bà và trên 2 triệu con gia cầm giống. Trong khoảng 4 - 5 năm gần đây, mỗi năm VN phải chi trên 3 tỉ USD để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu. Đó là chưa kể đến nguồn phụ liệu để phối trộn như bắp và đậu nành. Số liệu thống kê năm 2017 cho thấy VN tốn thêm hơn 2 tỉ USD nữa cho 2 mặt hàng này; nhập khẩu bắp đến 7,75 triệu tấn đạt giá trị trên 1,5 tỉ USD và gần 1,8 triệu tấn đậu nành tương đương 770 triệu USD. Chưa kể chúng ta còn phụ thuộc vào thiết bị công nghệ chăn nuôi cũng như một lượng thuốc thú y chưa được thống kê đầy đủ.
Các chuyên gia cho biết, con giống ngoại nhập sẽ bị thoái hóa qua vài thế hệ. Nếu ngành chăn nuôi phát triển đồng nghĩa với việc phải tăng lượng con giống nhập khẩu, sẽ dẫn đến một loạt các hệ lụy như: giá thành cao, bị động về con giống, khó khăn trong phòng trừ dịch bệnh và chăn nuôi thiếu bền vững. Việc phụ thuộc vào nguồn thức ăn chăn nuôi nhập khẩu cũng dẫn đến những hệ lụy tương tự.
Hậu quả của hàng loạt các hệ lụy trên làm cho giá thành chăn nuôi của VN luôn cao hơn các nước trong khu vực và cao hơn cả mức trung bình của thế giới. Cụ thể, cao hơn Thái Lan 5,2%, Trung Quốc 8,3%; cao hơn các nước phát triển như Ý, Tây Ban Nha hay Hà Lan từ 30 - 50%. Đó là lý do vì sao trong năm 2017, VN phải “giải cứu” thịt heo vì khủng hoảng thừa (trâu bò phát triển ổn định, gia cầm phát triển tốt) mà vẫn nhập khẩu trên 500 triệu USD sản phẩm thịt các loại.
Quyết liệt tái cơ cấu
Năm 2017, VN chi khoảng 5,5 tỉ USD để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu cùng với bắp, đậu nành. Con số này cao hơn gấp đôi so với xuất khẩu gạo - 5,6 triệu tấn tương đương 2,7 tỉ USD. Cũng cần nói thêm, trong nhiều năm liên tiếp gần đây xuất khẩu gạo gặp khó khăn về thị trường, giá xuất khẩu gạo năm nay tiếp tục giảm 0,37% so với năm 2016. Điều này cho thấy sự mất cân bằng trong quy hoạch chiến lược phát triển giữa trồng trọt và chăn nuôi. Nhưng chiến lược giảm lúa tăng màu vẫn hết sức ì ạch.
Theo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, năm 2017, diện tích trồng bắp ước đạt 1,1 triệu ha, giảm gần 53.000 ha, bằng 95,4% so cùng kỳ, sản lượng ước đạt 5,1 triệu tấn, giảm gần 115.000 tấn; đậu nành ước đạt 68.500 ha, giảm 16.000 ha, bằng 81% so cùng kỳ, sản lượng đạt 102.000 tấn, bằng 82% cùng kỳ năm 2016.
Nguyên nhân được giải thích là do chúng ta không có lợi thế cạnh tranh để phát triển bắp, đậu nành so với các nước khác đặc biệt là khu vực Nam Mỹ. Cụ thể, hệ thống canh tác của VN trước nay chủ yếu phục vụ cho cây lúa, chúng ta cũng không có giống tốt, điều kiện khí hậu, đất đai thổ nhưỡng không thuận lợi...
Nhưng rõ ràng, cùng trong khu vực Đông Nam Á, điều kiện khí hậu tự nhiên của VN và Thái Lan là tương đồng. Vậy điều gì giúp họ có thể xuất khẩu được bắp vào VN? Đó là do họ đẩy mạnh đầu tư khoa khọc công nghệ trong việc tái cơ cấu nền nông nghiệp.
Tại hội nghị khoa học toàn quốc về chăn nuôi thú y (2017) các chuyên gia cho rằng: Cần có cơ chế để chuyển đổi mạnh hơn quỹ đất trồng lúa không có hiệu quả, chuyển sang trồng ngô và cây nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi. Nhập khẩu các giống ngô, đậu tương có năng suất cao, đẩy mạnh sản xuất hai loại cây trồng này để tiến tới đảm bảo đủ nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, giảm nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đến mức thấp nhất.
“Cần phát triển chăn nuôi trang trại với quy mô lớn và hiện đại, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ. Nhà nước cần xây dựng một vài trung tâm giống có quy mô lớn, hiện đại, nhập khẩu một số giống vật nuôi tốt nhất và công nghệ sản xuất giống tiên tiến nhất của thế giới để tự túc sản xuất con giống, phục vụ chăn nuôi công nghiệp với quy mô lớn và nâng cao chất lượng sản phẩm. Hình thành các cơ sở chăn nuôi lớn khép kín (thức ăn - chăn nuôi - giết mổ - chế biến). Ngoài ra, các nhà máy sản xuất thức ăn gia súc cần ký kết hợp đồng cung cấp thức ăn trực tiếp với các trại chăn nuôi lớn để vừa nâng cao trách nhiệm sản xuất thức ăn vừa giảm chi phí trong khâu tiếp thị”, GS-TS Từ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư liên ngành chăn nuôi, thú y, thủy sản, nêu giải pháp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.