Phải tháo 'nút thắt' logistics cho ĐBSCL

10/01/2017 07:00 GMT+7

Mỗi năm ĐBSCL có khoảng 17 - 18 triệu tấn gạo, thủy sản, trái cây xuất khẩu, nhưng 70% số hàng hóa này phải chuyển lên các cảng TP.HCM trước khi xuất.

Đây là “nút thắt” lớn về kinh tế của miền Tây Nam bộ được đưa ra tại hội nghị “Thu hút đầu tư, kinh doanh lĩnh vực logistics tại ĐBSCL”, diễn ra tại Cần Thơ ngày 9.11. Hội nghị do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Bộ Công thương, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics VN tổ chức. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ dự và phát biểu chỉ đạo.
Theo Phó thủ tướng, ĐBSCL có nhiều tiềm năng phát triển logistics. Trong đó, về giao thông có 2.030 km quốc lộ, 14.826 km đường thủy và 4 cảng hàng không, 6 cửa khẩu quốc tế và nhiều cửa khẩu quốc gia giao thương với Campuchia. Hệ thống gồm 7 cảng biển, 34 bến cảng, 57 cảng thủy nội địa và gần 4.000 bến thủy. Tuy nhiên, đến nay, kết cấu hạ tầng logistics vùng ĐBSCL còn nhiều hạn chế, quy mô các trung tâm logistics còn nhỏ (dưới 10 ha) và chủ yếu phục vụ một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp hoặc một tỉnh, thành phố; chưa phát triển được đến quy mô phục vụ một ngành hoặc một vùng kinh tế có tiềm năng phát triển. Trong vùng có 2 sân bay quốc tế tại TP.Cần Thơ và Phú Quốc nhưng nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường hàng không hầu như không có...
Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương cần tìm cách tháo “nút thắt” về logistics cho cả vùng. Theo đó cần tăng cường hỗ trợ, đối thoại với nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, trong đó có đầu tư kinh doanh logistics. Các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Công thương, Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT, cần tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan để kịp thời khắc phục những chồng chéo, chưa thống nhất, tạo điều kiện cho phát triển dịch vụ logistics… Riêng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cần phối hợp với các địa phương sớm lập kế hoạch hành động chung của vùng về phát triển cơ sở hạ tầng logistics và dịch vụ logistics; nghiên cứu đề xuất xây dựng Quy hoạch phát triển logistics cho ĐBSCL trên cơ sở liên kết hài hòa giữa các địa phương, tiểu vùng và hành lang giao thông vận tải huyết mạch; lập hồ sơ thông tin về các địa điểm, lĩnh vực logistics cần thu hút đầu tư để sẵn sàng cung cấp cho các nhà đầu tư...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.