Phạt nhẹ, tin nhắn rác hoành hành

09/07/2016 06:55 GMT+7

Lợi nhuận thu được từ tin nhắn rác quá béo bở, khiến các doanh nghiệp chấp nhận chịu mức phạt nhẹ như không để tiếp tục kiếm lời, ngày đêm khủng bố hàng triệu thuê bao di động.

Ngày 7.7, Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) ra quyết định xử phạt 8 doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ nội dung số do đã phát tán tin nhắn rác để quảng cáo, với tổng mức phạt 575 triệu đồng. Các DN này bao gồm: Công ty TNHH viễn thông AP, Công ty TNHH viễn thông Đại Nguyên, Công ty TNHH dịch vụ viễn thông T&T VN, Công ty CP Giải pháp công nghệ ngân hàng, Công ty CP truyền thông HTC VN, Công ty CP truyền thông Tre Việt, Công ty CP dịch vụ truyền thông đa phương tiện Á Châu và Công ty CP truyền thông ABC.
Thu nghìn tỉ, bị phạt vài trăm triệu
Đây không phải lần đầu các DN cung cấp đầu số gửi tin nhắn rác bị phạt. Mới đây, Thanh tra Bộ TT-TT cũng ra quyết định xử phạt 6 DN cung cấp dịch vụ nội dung số, với tổng số tiền phạt 535 triệu đồng.


Nhà mạng và các DN công nghệ tăng trưởng như vũ bão, như chiếc xe lao trên đường cao tốc, không có phanh hãm lại vì chế tài quá yếu. Để bảo vệ người dân, để tin nhắn rác không hoành hành thì cần phải có chế tài thật nặng, ai vi phạm nhiều lần, vi phạm nghiêm trọng cần tịch thu giấy phép, không cho hoạt động

TS Lê Đăng Doanh


Đáng nói là từ khi Nghị định 73/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm quy định liên quan đến thư điện tử, tin nhắn cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ được ban hành, Thanh tra Bộ TT-TT đã phạt nhiều vi phạm về tin nhắn rác. Tuy nhiên, đến nay tình trạng này vẫn không hề giảm mà lại tăng lên. Có nhiều nguyên nhân nhưng theo các chuyên gia chủ yếu do chế tài còn quá nhẹ, khiến DN càng ngày càng nhờn thuốc.
Cụ thể theo quy định, DN sẽ bị phạt từ mức 10 - 50 triệu đồng đối với mỗi hành vi vi phạm, trong đó nặng nhất là phát tán tin nhắn rác bị phạt 50 triệu đồng. Ngoài ra, DN có thể bị tước quyền sử dụng mã số quản lý, tên định danh từ 1 - 3 tháng. Biện pháp khắc phục, buộc hoàn trả và thu hồi số lợi bất hợp pháp có được đối với các hành vi vi phạm quy định.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh nhận xét, các quyết định xử phạt thời gian qua chủ yếu mới “đánh” vào túi tiền của DN với mức phạt quá ít và hầu như chưa có DN nào bị khóa đầu số hoặc nặng hơn là tịch thu giấy phép. “Nhà mạng và các DN công nghệ tăng trưởng như vũ bão, như chiếc xe lao trên đường cao tốc, không có phanh hãm lại vì chế tài quá yếu. Để bảo vệ người dân, để tin nhắn rác không hoành hành thì cần phải có chế tài thật nặng, ai vi phạm nhiều lần, vi phạm nghiêm trọng cần tịch thu giấy phép, không cho hoạt động”, TS Doanh đề nghị.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, mức xử phạt với hành vi phát tán tin nhắn rác còn quá nhẹ. Các quyết định công bố xử phạt mới chỉ dựa vào các hành vi vi phạm, chưa có tiêu chí đánh giá dựa trên căn cứ từ thực tế. Căn cứ đó, theo bà Lan nằm ở chính các món lợi “khủng” mà DN và nhà mạng kiếm được từ tin nhắn rác. Thống kê từ hệ thống giám sát an ninh mạng của BKAV cho thấy, mỗi ngày có tới gần 14 triệu tin nhắn rác được phát tán tới người sử dụng tại VN. Với mỗi tin nhắn SMS khoảng 300 đồng, số tiền mà nhà mạng thu về một ngày khoảng 4,2 tỉ đồng, 1 tháng 126 tỉ đồng và 1 năm ít nhất 1.500 tỉ đồng. “Số tiền đó rơi chủ yếu vào túi các nhà mạng, nhưng có một thực tế từ trước đến nay tôi gần như chưa thấy nhà mạng nào bị phạt về tin nhắn rác”, bà Lan đặt vấn đề.
Nhà mạng “ăn chia” rồi làm ngơ
Thực tế, việc phát tán tin nhắn rác qua thiết bị di động mang lại nguồn lợi khổng lồ cho chính các DN này và nhà mạng. Trước đó, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an) triệt phá nhóm đối tượng sử dụng thiết bị điện tử công nghệ do Lê Ngọc Tiến cầm đầu. Đối tượng này lập các công ty chuyên phát tán tin nhắn lừa đảo trên các đầu số 7x68 và 7x77 của các nhà cung cấp dịch vụ mạng di động Vinaphone, MobiFone, Viettel. Từ tháng 6.2013 đến tháng 6.2014, hàng triệu tin nhắn rác lừa đảo phát tán với số tiền thu được 22 tỉ đồng của các thuê bao di động. Số tiền trục lợi bất chính, Lê Ngọc Tiến khai “ăn chia” với các nhà mạng theo tỷ lệ từ 45 đến 55%.
Tin nhắn rác “khủng bố” người dân suốt ngày, suốt đêm
Tin nhắn rác “khủng bố” người dân suốt ngày, suốt đêm
Chia chác “miếng bánh” từ tin nhắn rác khiến các nhà mạng dù mạnh miệng tuyên bố quyết tâm ngăn chặn, nhưng trên thực tế tình trạng này ngày càng nghiêm trọng. Nguyên Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son cũng từng khẳng định, có dấu hiệu các nhà mạng bắt tay với DN nội dung số, vì tin nhắn rác càng nhiều thì nhà mạng và DN nội dung số càng lợi. Trước đó, BKAV cũng khẳng định, chính lợi nhuận khổng lồ thu về cho nhà mạng từ tin nhắn rác là nguyên nhân chủ yếu khiến cho vấn nạn này ngày càng trầm trọng.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó chủ tịch phụ trách mảng chống mã độc (Anti Malware) của BKAV cho biết, nguồn phát tán tin nhắn rác hiện nay đến chủ yếu từ các SIM rác và các đầu số dịch vụ. Để chặn có thể dùng phần mềm hỗ trợ người sử dụng chặn tin nhắc rác theo từ khóa hoặc theo đầu số. Bên cạnh đó, có thể sử dụng bộ lọc thông minh Smart Filter, tự động chặn tin nhắc rác theo phân tích ngữ cảnh, ngữ nghĩa. “Nhà mạng ngoài các giải pháp chặn tin nhắn rác từ SIM rác đang áp dụng, cần có biện pháp mạnh tay với cả các đầu số dịch vụ”, ông Sơn nói.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, “Nhà mạng ăn chia tỷ lệ tin nhắn rác rồi làm ngơ, Thanh tra bộ xử phạt DN tại sao không xử phạt các nhà mạng. Tôi đề nghị cần phải công khai, minh bạch các tiêu chí, chế tài xử phạt. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của các nhà mạng xem họ có đưa ra giải pháp ngăn chặn hay không. Nếu không cũng phải xử phạt họ thật nặng để làm gương”, bà Lan kiến nghị.
Năm 2015, lợi nhuận của Tập đoàn Viettel lên tới 45.800 tỉ đồng, MobiFone cũng ngót nghét 7.395 tỉ đồng, Vinaphone hơn 3.280 tỉ đồng. Tổng lợi nhuận của 3 nhà mạng này trong năm 2015 đạt gần 56.500 tỉ đồng, gần gấp đôi lợi nhuận cả hệ thống ngân hàng cộng lại, và “chấp hết” các DN lớn như Vinamilk, Vingroup, FPT, Hòa Phát hay Trường Hải... 6 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận của các “ông lớn” viễn thông này vẫn không dừng lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.