Phát triển Côn Đảo bằng tư duy khác biệt

27/04/2019 07:18 GMT+7

Chiều 26.4, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Sở Du lịch phối hợp Báo Thanh Niên tổ chức hội thảo “Bảo tồn phát huy các giá trị di tích quốc gia đặc biệt Côn Đảo gắn với tăng cường quản lý, phát triển du lịch”.

Ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết mặc dù có lợi thế về các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng nhưng du lịch Côn Đảo còn hạn chế. Thực trạng về điện, nước, môi trường ở Côn Đảo đang là bài toán nan giải của địa phương...

Bù lỗ 60 tỉ đồng tiền điện cho Côn Đảo

Ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND H.Côn Đảo, cho biết trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của T.Ư, tỉnh, cùng với sự phát triển chung của cả nước, Côn Đảo có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế du lịch dịch vụ. Du khách đến Côn Đảo tăng theo từng năm và vượt một số chỉ tiêu về du lịch, vượt mục tiêu phấn đấu vào năm 2020 như tổng lượt khách tham quan, doanh thu du lịch... Hiện trung bình mỗi ngày khoảng 2.000 lượt khách đến Côn Đảo. Điều này khiến chính quyền “nhức đầu” vì thiếu điện, nước. “Côn Đảo được cung cấp điện chủ yếu là nguồn phát diezel, công suất chỉ mới đủ đảm bảo an ninh quốc phòng, các cơ quan nhà nước, nhu cầu sinh hoạt của người dân. Còn nguồn điện cung ứng cho hoạt động sản xuất, các cơ sở du lịch đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong mùa cao điểm”, ông Phong chia sẻ.
Theo ông Đinh Duy Phong, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), từ 2016 đến nay, bình quân mỗi năm ngành điện phải bù lỗ khoảng 60 tỉ đồng để đáp ứng đủ nhu cầu điện phục vụ đời sống dân sinh và phát triển các ngành kinh tế của Côn Đảo. Do Côn Đảo ở cách xa đất liền, các nguồn điện cung cấp cho đảo chủ yếu là máy phát diezel với giá thành đầu vào rất đắt đỏ. Ông Duy Phong cho biết, có nhiều dự án về năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời được các nhà đầu tư triển khai ở H.Côn Đảo nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào vận hành. Do hạn chế về nguồn nên trong những năm qua hệ thống điện trên địa bàn H.Côn Đảo chỉ đáp ứng được nhu cầu điện sinh hoạt và một phần điện cho dịch vụ, du lịch. Ông Duy Phong đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, các sở ngành rà soát lại các dự án năng lượng tái tạo đã được phê duyệt, tìm hiểu nguyên nhân chậm tiến độ, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các nhà đầu tư, hỗ trợ về vốn, cơ chế, đất đai... để có điện xanh phục vụ cho Côn Đảo phát triển du lịch.
Một vấn đề nữa được bà Hoàng Thanh Nguyệt, Chánh văn phòng Cục Bảo vệ môi trường (Bộ TN-MT), đề cập hiện nay nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn H.Côn Đảo chưa được thu gom, xử lý bảo đảm quy định trước khi xả thải ra biển ven bờ. Do đó, nguy cơ gây ảnh hưởng đến chất lượng nước biển ven bờ phục vụ du lịch là rất lớn. Chất thải rắn sinh hoạt tại H.Côn Đảo phát sinh khoảng 15 tấn/ngày được thu gom, lưu giữ tại Bãi Nhát. Đến nay, lượng rác đang tồn đọng tại Bãi Nhát khoảng 72.000 tấn, do đó nguy cơ gây ô nhiễm môi trường là rất lớn, nhất là nước biển ven bờ khu vực Bãi Nhát nếu không sớm có biện pháp giải quyết.

Thiên đường nghỉ dưỡng độc nhất vô nhị

Trong khuôn khổ hội thảo, chương trình tọa đàm “Làm thế nào để Côn Đảo trở thành điểm đến hấp dẫn”, TS Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng di tích quốc gia Côn Đảo có giá trị đặc biệt về văn hóa vật thể và phi vật thể, có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Sinh thái biển đảo cộng với lịch sử văn hóa tâm linh đã biến Côn Đảo thành thiên đường nghỉ dưỡng độc nhất vô nhị, có một không hai. “Cần phải tạo giá trị độc đáo làm nên thương hiệu du lịch Côn Đảo. Một số hạng mục bảo tồn di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo phải cần có cơ chế xã hội hóa để tận dụng mọi nguồn lực và phát triển Côn Đảo phải bằng một tư duy khác biệt và ứng xử trân trọng với di tích quốc gia đặc biệt này”, ông Siêu nói. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN, ngoài du lịch tâm linh, Côn Đảo có nhiều bãi tắm đẹp còn giữ được sự hoang sơ mà thiên nhiên ban tặng, có rừng nguyên sinh, vườn quốc gia, hệ sinh thái động vật, thực vật đa dạng quý hiếm... “Côn Đảo cần phải xây dựng các sản phẩm khác biệt dựa trên tiềm năng vốn có, từng bước phát huy về du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch tâm linh để thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế”, ông Thọ phát biểu.
Đồng tình với quan điểm trên, TS Mai Hà Phương, Trưởng khoa Du lịch - ĐH Văn hóa TP.HCM, cho rằng Côn Đảo cần phải tính toán đến các loại hình du lịch khác ngoài du lịch tâm linh; ngoài ra địa phương cần chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực để quản lý, phát triển hoạt động du lịch. Trong khi đó TS Đào Xuân Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh VN, cho biết sẵn sàng đồng hành cùng UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và H.Côn Đảo trong việc đầu tư, xây dựng hệ thống nhà vệ sinh thông minh để phục vụ người dân, du khách, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững cho địa phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.