Phố đi bộ Nguyễn Huệ nhếch nhác vì hàng rong

06/09/2019 06:37 GMT+7

Là một trong những điểm phải đến của du khách khi tới TP.HCM, nhưng phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1) đang ngày càng trở nên nhếch nhác vì vấn nạn hàng rong.

Sở Văn hóa - Thể thao TP vừa có báo cáo tìm cách "cứu" phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Thêm hàng thịt, hàng rau là thành cái chợ !

“Chạy, chạy”, một du khách nước ngoài đang chờ mua kẹo kéo thì có tiếng hò nhau từ đằng xa loan tới. Anh bán kẹo vội vàng thu dọn đồ nghề, lao chiếc xe máy có chở thùng đồ nghề xếp lủng lẳng phía sau, không quên ngoái lại ra hiệu “chờ chút, lát quay lại”. Chứng kiến cảnh tượng này, những người xung quanh chỉ biết lắc đầu chép miệng. “Nhìn vừa tội vừa chán. Đường đi bộ lớn nhất, biểu tượng của TP mà không khác gì mấy cái chợ tạm. Hàng rong thì mỗi người một ghế một thùng, rải đều từ hai bên lề cho tới khu vực trung tâm, quá nhếch nhác. Thêm hàng thịt, hàng rau nữa là thành cái chợ rồi!”, chị Kiều Nga (ngụ Q.3) ngao ngán.
Tình trạng trên có thể dễ dàng bắt gặp vào buổi tối tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Mỗi tối, hàng chục xe đẩy, gánh hàng rong bán đồ ăn uống, đồ chơi trẻ em trải dài từ đầu đến cuối phố. Trước đây, những gánh hàng rong này chỉ “lảng vảng” ở khu vực trung tâm tuyến đường, nay đã kéo lên tới trước khu vực UBND TP, rất phản cảm. Đáng chú ý, từ tháng 4.2016, việc tổ chức ăn uống, bán hàng rong đã bị cấm tại khu vực công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường đi bộ Nguyễn Huệ theo quy chế do UBND TP.HCM ban hành. Thế nhưng đến nay, những xe hàng rong vẫn ngang nhiên hoạt động dù tuyến đường này lúc nào cũng hiện diện các nhân viên trật tự đô thị quận. Đó là chưa kể, nhiều người còn dẫn theo thú cưng không được rọ mõm, không có đồ bảo vệ, khiến mọi người nhiều phen hãi hùng, khó chịu.
Anh Trần Khanh, một người dân hằng ngày đi làm qua khu vực phố đi bộ, nói thẳng: Lực lượng bảo vệ, trật tự đô thị trên tuyến đường này làm việc thiếu trách nhiệm, chỉ thấy đứng tụm ba tụm năm bấm điện thoại. Nhà vệ sinh thì dơ bẩn không ai dọn dẹp. Bên cạnh đó, nhiều người thiếu ý thức, ngồi ăn uống thường xả rác bừa bãi khắp nơi, rất mất vệ sinh. “Cơ quan chức năng cần nghiêm túc xem xét các vấn đề trên. Đường đi bộ, khu UBND TP, tượng đài Bác phải văn minh, không thể để nhếch nhác như vậy được”, anh Khanh bức xúc.

Đấu thầu cho tư nhân quản lý

Mới đây, trong văn bản báo cáo UBND TP về tình hình quản lý, sử dụng công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường Nguyễn Huệ, Sở Văn hóa - Thể thao TP thừa nhận thời gian qua, đơn vị này đã chủ động triển khai thực hiện chủ trương đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa trong công tác tổ chức lễ và sự kiện tại tuyến đường này. Tuy nhiên, ý thức tổ chức của một số đơn vị còn lỏng lẻo về công tác an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường...; chưa tuân thủ triệt để các quy định về quảng cáo, âm thanh lớn, thời gian kéo dài đến khuya khiến đời sống sinh hoạt của nhiều hộ gia đình bị đảo lộn. Bên cạnh đó, những hành vi thiếu ý thức, phản cảm của một bộ phận người trẻ như làm mất vệ sinh nơi công cộng, gây hư hỏng các thiết bị...; tình trạng buôn bán hàng rong còn tồn tại nhiều đã và đang khiến nơi đây mất đi sự văn minh vốn có.
Ngoài ra, trong quá trình tổ chức thực hiện, bên cạnh những mặt tích cực, một số quy định của Quy chế quản lý công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường Nguyễn Huệ còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với tình hình quản lý thực tế, chưa thực sự tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đồng hành cùng TP trong công tác tổ chức lễ và sự kiện.
Sở Văn hóa - Thể thao đề xuất UBND TP chủ trì cuộc họp với các đơn vị có liên quan lấy ý kiến sửa đổi, điều chỉnh quy chế quản lý khu vực này nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của công tác quản lý nhà nước. Qua đó, đề ra chủ trương cụ thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa trong công tác tổ chức lễ và sự kiện.
Ông Huỳnh Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Ngôi sao biển cho rằng, đầu tiên TP cần đưa ra tiêu chí phương án quản lý và vận hành phố đi bộ Nguyễn Huệ, sau đó tổ chức đấu thầu rộng rãi cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia. Theo ông, tình trạng quản lý theo kiểu nhà nước tắc trách hiện nay, thậm chí có bảo kê, tiêu cực là nguyên nhân chính khiến vấn nạn hàng rong mãi không thể dẹp bỏ. Từ một sản phẩm du lịch tiềm năng, phố đi bộ Nguyễn Huệ đang trở thành điểm nhức nhối về hình ảnh, mỹ quan đô thị của TP.
 

Phải kiểm soát, tổ chức các dịch vụ một cách bài bản


Theo ông Huỳnh Văn Sơn, về mặt du lịch, một phố đi bộ “sống” phải có các dịch vụ đi kèm như mua sắm, giải trí. Với vị trí hiện nay, hai bên đường đi bộ Nguyễn Huệ đã có nhiều cửa hàng mua sắm, nếu tăng thêm các hoạt động mang tính thương mại có thể tạo ra cạnh tranh, khó quản lý. Do đó, chỉ nên tổ chức một cách có lựa chọn các hoạt động về văn hóa nghệ thuật, tiện ích công cộng. Các cửa hàng bán đồ lưu niệm của TP, bán bưu thiếp hay quán kem/quán nước nhỏ trang trí bắt mắt cho khách nghỉ chân chỉ nên giới hạn ở mức độ nhỏ, mật độ thấp, mang tính bổ túc cho các tiện ích công cộng. Những chương trình nghệ thuật đường phố cũng cần được quản lý, chọn lọc tạo thêm điểm nhấn, thêm sức hút đối với du khách. “Một đường đi bộ hấp dẫn chỉ cần điểm xuyết các hoạt động thương mại nhỏ một cách văn minh, lịch sự. Quan trọng nhất vẫn là phải kiểm soát, tổ chức các dịch vụ một cách bài bản”, ông Sơn nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.