Phụ phí cản trở thanh toán điện tử

17/12/2015 05:51 GMT+7

Cổng thanh toán trực tuyến, ví điện tử, internet/mobile banking, ATM, POS… đã sẵn sàng nhưng phí và thói quen thanh toán tiền mặt đang cản trở cuộc cách mạng thanh toán điện tử.

Cổng thanh toán trực tuyến, ví điện tử, internet/mobile banking, ATM, POS… đã sẵn sàng nhưng phí và thói quen thanh toán tiền mặt đang cản trở cuộc cách mạng thanh toán điện tử.

Thanh toán điện tử là xu hướng tất yếu - Ảnh: Anh VũThanh toán điện tử là xu hướng tất yếu - Ảnh: Anh Vũ
Đó là đánh giá của các diễn giả tại “Diễn đàn thanh toán Việt Nam 2015” do Báo VnExpress cùng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 16.12 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Đại Trí, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hiện đã có hơn 466.000 DN đăng ký nộp thuế điện tử, đạt hơn 90,7% số DN đang hoạt động. Tổng số tiền đã nộp từ 1.1.2015 đến nay đạt hơn 104.000 tỉ đồng với trên 600.000 lượt giao dịch thực hiện (qua cổng đạt 97.500 tỉ đồng, qua dịch vụ Ebanking hơn 6.500 tỉ đồng).
Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết tại các quốc gia phát triển, thanh toán điện tử (TTĐT) chiếm tới 90% tổng thanh toán, giúp GDP hằng năm tăng trưởng thêm 1%. Không chỉ đưa đất nước phát triển nhanh hơn, TTĐT cũng góp phần tạo ra sự minh bạch, chống tham nhũng, lãng phí. Khẳng định kết quả tích cực trong phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) Bùi Quang Tiên, lượng giao dịch hiện tại vẫn còn rất thấp. Năm 2014 mua bán trực tuyến đạt doanh số 3 tỉ USD, nhưng TTĐT chỉ chiếm khoảng 5%. Số lượng POS (điểm chấp nhận thanh toán thẻ) lắp đặt tăng nhanh, dự kiến cuối năm 2015 có thể đạt 250.000 POS, nhưng số lượng thanh toán chưa nhiều.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Đinh Thị Mỹ Loan, cản trở lớn nhất hiện nay đối với TTĐT là thói quen sử dụng tiền mặt vẫn cao. Thống kê của Hội thẻ ngân hàng cho thấy, 90% doanh số thanh toán thẻ hiện nay thực hiện tại các máy ATM. Trong đó doanh số rút tiền mặt chiếm tới hơn 85%, doanh số chuyển khoản chiếm gần 14%, doanh số thanh toán tại đơn vị chấp nhận thẻ chỉ hơn 1,07%. “Các ngân hàng đang áp dụng mức phí chiết khấu với đơn vị chấp nhận thẻ từ 0 - 0,5% giá trị giao dịch đối với thẻ nội địa; thẻ quốc tế 1,5 - 2%, chưa sát với thực tế, đặc biệt là các cơ sở bán lẻ hàng hóa và dịch vụ nhỏ. Điều này khiến một số điểm bán lẻ thu phụ phí giao dịch, gây tâm lý ngại thanh toán bằng thẻ cho khách hàng, không khuyến khích dịch vụ phát triển”, bà Loan nêu nguyên nhân.
Chia sẻ thực trạng này, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, cho rằng thói quen dùng tiền mặt khiến nhà nước không kiểm soát được thu nhập phát sinh để thu đúng, thu đủ thuế của các cá nhân, đặc biệt là các ca sĩ, diễn viên, người mẫu nổi tiếng. Thu nhập phát sinh của họ hàng ngàn, hàng chục ngàn USD một show diễn nhưng do nhận trực tiếp bằng tiền mặt nên khó xác định. Vì thế, nhiều ca sĩ có show diễn đắt khách nhưng nộp thuế lại rất thấp.
Để đẩy mạnh TTĐT, nhiều ý kiến cho rằng các bộ, ngành có liên quan cần sớm ban hành chính sách khuyến khích và có lộ trình tiến tới yêu cầu TTĐT với các khoản thuế từ 1.1.2018. Tăng cường giám sát và áp dụng các chế tài mạnh hơn đối với việc thu phụ phí thanh toán thẻ tại các điểm bán lẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.