Quá phụ thuộc vào thủy điện

23/06/2010 23:35 GMT+7

Giáo sư, viện sĩ Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hội Điện lực VN, cho rằng sự “phụ thuộc quá lớn vào nguồn thủy điện là nguyên nhân của tình trạng thiếu điện hiện nay”.

Theo ông, lượng điện năng từ thủy điện chiếm tới trên dưới 40% tổng điện năng của toàn quốc, nên khi thời tiết khắc nghiệt, khô hạn diễn ra, thiếu nước, đặc biệt khi mực nước các hồ xuống quá thấp thì sẽ gây thiếu hụt tương đối lớn điện năng của cả hệ thống. Một nguyên nhân quan trọng nữa khiến thiếu điện là do những công trình thủy điện, nhiệt điện dự định xây dựng không đáp ứng đúng như tiến độ trong kế hoạch. Ông nhấn mạnh: “Tôi được biết, trong quy hoạch, chúng ta đã tính toán tương đối cẩn thận với hệ số dự phòng nhất định nhưng cứ đến hạn, mấy công trình lại bị chậm, gây thiếu hụt so với dự định. Các nguồn điện vào chậm là do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc nguồn vốn không về kịp, nhà thầu không đảm bảo tiến độ như cam kết”.

Thiếu tầm nhìn

Tiếp xúc với Thanh Niên, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, bức xúc: “Thiếu điện liên miên nhưng chưa khắc phục được là do trước đây chúng ta không nhìn thấy được bức tranh của ngành điện ngày hôm nay. Câu chuyện khắc phục thiếu điện cho ngày hôm nay đáng lẽ ra phải được tính toán và chuẩn bị từ vài chục năm trước rồi. Phải cho xây vài chục nhà máy nhiệt điện chạy bằng than với công suất 25 - 30 ngàn KW thì sẽ không lo thiếu điện trầm trọng. Chứ giờ mình cứ trông đợi cả vào thủy điện trong khi thủy điện lại phụ thuộc vào ông trời thì đến lúc thiếu nước, nhà máy phát không đủ công suất, thế là thiếu điện trầm trọng thôi. Thiếu điện, theo tôi, lỗi không phải do ông trời mà hoàn toàn do nhân quan, do con người sinh ra”.

* Nước ta có rất nhiều tiềm năng để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như phong điện, điện mặt trời… Tuy nhiên, tiềm năng này chưa được đánh thức. Đây có phải là một nguyên nhân gây thiếu điện?

- Vai trò của năng lượng tái tạo đúng là rất quan trọng và nhiều nước trên thế giới đã chú ý phát triển để tạo mối cân bằng giữa các nguồn năng lượng. Ở nước ta, phải nói rằng, từ trước đến giờ, nói về điện gió, điện mặt trời rất nhiều nhưng làm được thì rất ít. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế giá điện chưa đảm bảo điều kiện để sản xuất và sử dụng các nguồn điện từ năng lượng tái tạo. Nhiều cơ quan, kể cả nhà đầu tư đang rất quan tâm tới năng lượng tái tạo nhưng hiện chúng ta vẫn đang thiếu cơ chế phát triển nguồn năng lượng này, nhất là về mặt giá cả. Đức, Mỹ, các nước Bắc u phát triển tốt nguồn năng lượng tái tạo vì họ có cơ chế trợ giá rất mạnh mẽ đối với nguồn năng lượng này.

* Nhiều người cho rằng, sự độc quyền của EVN trong phân phối điện tại VN cũng làm gia tăng mức độ thiếu điện. Ông bình luận gì về ý kiến này?

- Thiếu điện hiện nay không phải là do độc quyền, cái chính là chúng ta không có đủ nguồn để phát, để cung ứng điện. Ngoài EVN, các chủ sở hữu khác chiếm hơn 30% tổng điện năng sản xuất ra. Tất nhiên, trong chuyện ký kết các hợp đồng mua bán điện giữa các chủ sở hữu khác và EVN đã có sự thỏa thuận về giá cả.

* Theo ông, cần phải làm gì để khắc phục tình trạng thiếu điện liên miên như hiện nay ?

- EVN có nhiệm vụ trong việc đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và nhu cầu người dân nên họ cũng có trách nhiệm trong việc thiếu điện liên tục như hiện nay. Điều này là không thể chối bỏ được. Tuy nhiên, theo tôi, về phía quản lý nhà nước, hiện có rất nhiều việc cần phải làm một cách quyết liệt. Tôi lấy ví dụ là tính pháp lý của các quy hoạch liên quan đến phát triển nguồn điện, khi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt rồi thì anh nào làm không đúng tiến độ, anh ấy phải chịu phạt. Nếu chậm tiến độ dẫn đến việc nhà máy đi vào vận hành chậm hơn 1 năm so với dự kiến, thì anh phải bỏ một số tiền bằng với giá điện của 1 năm mà nhà máy đó sản xuất ra. Tiếp đó, hiệu quả sử dụng điện của chúng ta còn thấp. Nếu hiệu quả sử dụng chưa hợp lý thì phải xử lý bằng các biện pháp vĩ mô, tức là về quản lý nhà nước, về giá cả...

Song song với đó, chúng ta phải xây dựng chính sách hướng tới việc giảm sự phụ thuộc vào một nguồn điện nào đó, như thủy điện chẳng hạn, xuống mức tối thiểu. Tức là phải cân đối giữa các dạng năng lượng: bao nhiêu phần trăm là thủy điện, là nhiệt điện chạy than và điện sản xuất từ năng lượng tái tạo, chạy khí... một cách hợp lý nhất.  Muốn có được cơ cấu như thế, thì phải có chính sách sử dụng năng lượng, tính toán giá cả các nguồn khác nhau để nhà đầu tư nào tham gia vào đây đều thấy được mình sẽ có được nguồn lợi cần thiết khi đẩy mạnh phát triển các nguồn điện của mình.

Quang Duẩn (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.