Quỹ Tiền tệ Quốc tế: USD được định giá quá cao

31/07/2017 15:27 GMT+7

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết đồng USD đã được định giá quá cao, khoảng từ 10% đến 20%, so với các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế Mỹ trong thời gian gần đây.

Báo cáo về kinh tế đối ngoại của IMF, một đánh giá hằng năm về tiền tệ, thặng dư và thâm hụt thương mại của các nền kinh tế, cho thấy thâm hụt tài khoản vãng lai bên ngoài ngày càng tập trung cao ở một số nền kinh tế tiên tiến như Mỹ, Anh. Trong khi đó thặng dư của Trung Quốc và Đức vẫn duy trì ở mức độ ổn định.
Theo đánh giá của IMF, sự tăng giá của đồng USD trong thời gian qua phần lớn nhờ vào kỳ vọng về gói kích thích tài chính từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính sách tiền tệ lỏng lẻo ở khu vực đồng euro. Nhưng cho đến nay chỉ số đồng USD, trong tương quan đo lường với các đồng tiền chính khác, đã giảm hơn 8%, mức xấu nhất kể từ năm 2002.
Cũng giống như đồng USD, đồng bảng Anh đang được đánh giá cao hơn 15% so với các nguyên tắc cơ bản trong bối cảnh mối quan hệ thương mại của Anh và Liên minh châu Âu (EU) sau Brexit (Anh rời EU) ngày càng không chắc chắn. Trong khi đó, đồng euro, đồng peso của Mexico và đồng won của Hàn Quốc đều bị đánh giá thấp khoảng từ 5 - 15% so với các nguyên tắc cơ bản của họ.
Theo Channel News Asia, IMF đã khuyến nghị nhà chức trách Mỹ nên có những động thái cụ thể để thu hẹp mức thâm hụt tài khoản vãng lai vẫn còn đang quá lớn, ví dụ như giảm thâm hụt ngân sách liên bang, vượt qua những cải cách cơ cấu để tăng tỷ lệ tiết kiệm cũng như nâng cao năng suất nền kinh tế.
“Điều quan trọng là phải giải quyết sự mất cân bằng. Nếu tình trạng này không được giải quyết một cách hợp lý thông qua các chính sách đúng đắn, đồng USD có thể vấp phải phản ứng dữ dội với những cáo buộc có liên quan đến bảo hộ kinh tế”, ông Luis Cubeddu, Trưởng phòng nghiên cứu của IMF, nhận định.
Ông Cubeddu cũng nói rằng sự tồn tại thặng dư tài khoản vãng lai ở các nước xuất khẩu như Trung Quốc và sự tăng trưởng các khoản thâm hụt ở các nước như Mỹ đang phần nào phản ánh tình trạng tổ chức tiền tệ cứng nhắc, mạng lưới an sinh xã hội không đầy đủ, môi trường đầu tư còn gặp nhiều rào cản. Tất cả những vấn đề này nhiều khả năng đều sẽ không tự động được giải quyết.
Theo IMF, mặc dù nhân dân tệ của Trung Quốc được đánh giá khá phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của đất nước, nhưng mô hình của IMF lại cho thấy khác biệt lớn với mức chênh lệch tăng - giảm đến 10% do sự không chắc chắn về các triển vọng chính sách của Bắc Kinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.