Robot sẽ ‘tàn phá’ các nước đang phát triển

25/07/2016 16:26 GMT+7

Bằng cách này hay cách khác, sự phát triển của robot vẫn đang đến. Những nước đang phát triển là các quốc gia ít chuẩn bị nhất, và cũng có nhiều thứ để mất nhất trước sự thay đổi này.

Bài viết dưới đây là góc nhìn của Christopher Balding, giáo sư về kinh doanh và kinh tế tại Trường Kinh doanh HSBC ở Thâm Quyến (Trung Quốc), tác giả quyển Quỹ đầu tư quốc gia: Nút giao thông mới của tiền và quyền.
Việc nhà sản xuất Trung Quốc Midea Group công bố đề nghị mua hãng sản xuất robot Đức Kuka mùa xuân vừa qua có vẻ là điềm báo. Kuka tạo ra người máy chuyên lắp ráp hàng hóa ở nhà máy, làm chính xác loại công việc đã giúp hàng triệu người Trung Quốc thoát nghèo.
Sau khi mở cửa với thế giới vào năm 1979, Đại lục tập trung khai thác lực lượng lao động dồi dào, giá rẻ. Từ áo thun cho đến đồ trang trí dịp lễ Giáng sinh, các nhà sản xuất Trung Quốc có thể bán hầu hết những sản phẩm cơ bản với giá mềm trên khắp thế giới, bằng cách thu hút nông dân di cư tới nhà máy. Đầu tư đổ về thành phố Trung Quốc. Nhà máy ngày càng lớn, tốt  và hiện đại hơn. Lương tăng, đói nghèo giảm, tầng lớp trung lưu xuất hiện và nhanh chóng mở rộng.
Robot trong dây chuyền lắp ráp tại nhà máy ở Nhật Bản Reuters
Trên đây là đường mòn phát triển thường thấy. Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore và Hàn Quốc đều đi lên theo cùng một cách: bắt đầu bằng sản phẩm đơn giản, chẳng hạn như hàng dệt may, sau đó di chuyển theo cách riêng để đến sản xuất hàng điện tử, các mặt hàng tiên tiến khác và dịch vụ. Khi doanh nghiệp và nhân công tích lũy kinh nghiệm và kiến thức cũng là lúc nền kinh tế của họ trở nên đa dạng hơn, còn người dân thì giàu hơn.
Ngày nay nhiều nước đang phát triển vẫn trông cậy vào mô hình này. Tuy nhiên, robot có thể là mối lo.
Ngay cả khi tăng trưởng toàn cầu chậm lại, doanh số robot công nghiệp vẫn tăng 12% từ năm 2014 đến năm 2015, gấp bốn lần từ năm 2009. Khi robot rẻ và tốt hơn, lợi thế của việc sử dụng lao động tay nghề thấp bị xóa nhòa. Một công nhân kém phải chật vật với năng suất của một con robot. Đó là chưa nhắc đến tỷ lệ mắc lỗi thấp và nhiều lợi thế khác của người máy.
Nói cách khác, lợi thế chi phí - yếu tố các nước nghèo từng dùng để thu hút nhiều nhà sản xuất - giờ biến mất trong thời đại robot. Chi phí robot là như nhau ở bất cứ đâu, dù là Mỹ, Trung Quốc hay Madagascar. Đây là lý do vì sao Adidas hiện làm giày ở Đức, trong một nhà máy tự động hóa cao, gần gũi hơn với khách hàng và tránh được nhiều rủi ro, chi phí cùng sự phức tạp đến từ chuỗi cung ứng dài.

tin liên quan

Adidas dùng robot sản xuất thay công nhân vì lương cao
Việc hãng dụng cụ thể thao Adidas xây nhà máy ở Đức là ví dụ rõ nét nhất về việc các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu chuyển dần hoạt động của họ về nước vì lương lao động tăng cao ở châu Á, theo The Wall Street Journal.
Không chỉ các nước đang phát triển gặp khó từ sự phát triển của robot. Những nước giàu hiện hồi hương hoạt động sản xuất mọi thứ, từ quần áo cho đến đồ điện tử. Wal-Mart muốn đem nhánh sản xuất hàng hóa 50 tỉ USD về lại Mỹ trong 10 năm tới, vì lợi thế cạnh tranh quan trọng là tốc độ gia tăng và chi phí thấp.
Các tác động của sự dịch chuyển trên không nên được đánh giá thấp. Những ngày thương mại thế giới tăng trưởng với mức hai chữ số có thể đã qua. Trong lịch sử, thương mại từng đi lên gấp hai lần mức tăng GDP, song vài năm qua đã chững lại, theo Viện nghiên cứu Peterson về Kinh tế Quốc tế. Thương mại có thể chững lại vĩnh viễn.
Với thực tế, bộ kế hoạch phát triển cho các nước nghèo sẽ cần được viết lại. Song vẫn chưa ai rõ sẽ viết lại chúng như thế nào.
Một trong những bước có thể làm là đầu tư vào “công nghệ đột phá”. Điện thoại di động là ví dụ điển hình cho hiện tượng này: nhờ đây, các nước nghèo hơn thu được tất cả lợi ích mà điện thoại mang lại mà không cần phải trả phí lót đường. Trong thời đại kỹ thuật số, nhiều công nghệ khác cũng có thể biến đổi tương tự. Trung Quốc trở thành khách hàng lớn nhất của người máy công nghiệp với hy vọng rằng họ sẽ giúp các nhà sản xuất nhảy vọt về thiết bị điện tử tiên tiến.
Robot Baxter của hãng Rethink Robotics biểu diễn lấy danh thiếp tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở thành phố cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) vào tháng 9.2015 Reuters
Dù thế, máy móc công nghệ sẽ không thể làm tốt nếu thiếu lao động lành nghề. Một nhà máy có robot vận hành cần số lượng lao động lành nghề tối thiểu, nhưng sẽ cần nhiều kỹ sư, nhân viên khoa học máy tính. Đầu tư cho giáo dục, chứ không phải chỉ vào kỹ năng mã hóa, trở nên quan trọng.
Các nước đang phát triển cũng có thể xem xét những chương trình thu hút lao động tay nghề cao. Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác đã thiết lập cơ quan thu hút người lao động được đào tạo trong nước, từng rời đi để đến các quốc gia giàu hơn. Đầu tư vào con người sẽ ngày càng hệ trọng, dù các chính phủ có đủ khả năng làm điều này hay không.
Cuối cùng, các quốc gia hiện cố gắng thúc đẩy tăng trưởng có thể cải thiện chính sách quản lý trong nước. Nếu thương mại ngày càng ít quan trọng, họ cần khuyến khích dòng vốn đầu tư trực tiếp. Nếu nhu cầu lao động có tay nghề lên cao, họ cần nới lỏng chính sách lao động để thu hút dân nhập cư. Và nếu ý tưởng là trở nên then chốt hơn bao giờ hết, họ cần tạo điều kiện cho doanh nhân. Tóm lại, các nước đang phát triển cần giải quyết vấn đề của riêng mình.
Bằng cách này hay cách khác, sự phát triển của robot vẫn đang đến. Những nước đang phát triển là các quốc gia ít chuẩn bị nhất, và cũng có nhiều thứ để mất nhất trước sự thay đổi này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.