Sao cứ 'nhè' vào dân mà đánh thuế?

16/09/2017 08:02 GMT+7

Đó là câu hỏi mà rất nhiều người đặt ra khi "mổ xẻ" dự thảo sửa đổi 5 luật thuế của Bộ Tài chính.

Đầu tiên là tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10 - 12%, bị ảnh hưởng nhiều nhất là người có nhu nhập thấp, người nông thôn - những đối tượng mà tỷ trọng chi tiêu các mặt hàng có VAT lớn hơn người có thu nhập cao và người thành thị. Tiếp đó là đề xuất đánh thuế VAT trên việc chuyển quyền sử dụng đất với tỷ lệ 10%. Nói nôm na là nếu được phê duyệt thì sau này, người dân "sang tên sổ đỏ" sẽ phải nộp thuế.
Chưa hết, cho rằng các đồ uống có đường, ở đây là nước ngọt, người dùng sẽ "tăng cân và béo phì và nhiều ảnh hưởng xấu khác đến sức khỏe bao gồm tim mạch và tiểu đường" nên Bộ Tài chính cũng đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt các loại nước ngọt bao gồm loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất công nghiệp với mức 10%. Chưa biết có chống được béo phì, tiểu đường hay không nhưng chắc chắn những người uống cà phê, nước ngọt có ga, không ga... sẽ phải trả giá đắt hơn nếu muốn sử dụng các loại nước uống này.
Thuế cứ "nhè" vào dân trong khi lương tối thiểu sau rất nhiều lần nâng lên đặt xuống mới chốt được mức tăng 6,5% trong năm tới. Ấy vậy mà trong cuộc họp mới đây, nhiều ý kiến còn muốn hạ lương xuống để bớt chi phí cho doanh nghiệp. Xin lưu ý rằng, mức lương hiện nay người lao động đã không đủ sống. Nếu chi phí tăng (do thuế tăng), chắc chắn họ sẽ thắt lưng, buộc bụng, cắt xén chi tiêu để bù cho phần giá cả đội lên. Cơm áo gạo tiền trong thời buổi khó khăn đâu phải chuyện đùa, chưa kể tăng thuế, phí cũng làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt. Chương trình kích cầu hộ gia đình của Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% trong năm nay có thể bị ảnh hưởng.
Thiết nghĩ, Bộ Tài chính nên lắng nghe để có một chính sách thuế khoan sức dân thay vì tận thu theo kiểu "giết lầm còn hơn bỏ sót".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.