Sẽ công khai chi tiết hơn các dự án thế chấp

29/07/2016 21:52 GMT+7

Ngày 29.7, Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM (VPĐKĐĐ) thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP họp báo thông tin về các dự án thế chấp ngân hàng trên địa bàn TP.

Cuộc họp này đến sau những phản đối gay gắt của doanh nghiệp liên quan đến danh sách 77 dự án thế chấp ngân hàng mà đơn vị này vừa công bố.
Sẽ phân loại mục đích thế chấp
Ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc VPĐKĐĐ, cho biết việc công bố các dự án này theo chỉ đạo của UBND TP dựa trên luật Nhà ở và luật Kinh doanh bất động sản, được xác định là những dự án đủ điều kiện huy động vốn và những dự án đã bán, đang bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Tuy nhiên ông Liên thừa nhận việc công bố thông tin này lần đầu tiên TP thực hiện nên chỉ có thể cung cấp những gì mình có. Do mục đích thế chấp không được thể hiện rõ trong hợp đồng thế chấp nên chưa thể phân loại xem doanh nghiệp thế chấp phục vụ mục đích gì, vay tiền hay để bảo lãnh cho người mua nhà nên xảy ra một số lùm xùm vừa qua. Do đó, đối với những thông tin còn thiếu để phân loại, VPĐKĐĐ sẽ phản ảnh với Ngân hàng Nhà nước để tổ rà soát bổ túc thêm thông tin. Trong thời gian sắp tới VPĐKĐĐ sẽ thực hiện việc cập nhật những chủ đầu tư đã giải chấp, dù chỉ 1-2 căn hộ. Chủ đầu tư tiến hành làm giấy chứng nhận, cũng sẽ công bố.
Cũng theo ông Liên, TP đã chỉ đạo thành lập một tổ công tác rà soát các dự án đang thế chấp, đặc biệt là các dự án đã bàn giao nhà cho cư dân do Sở Xây dựng chủ trì có sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường. Trong thời gian tới tổ rà soát hướng tới công bố thông tin để người tiêu dùng hiểu rõ "sức khỏe" của dự án.
“Chúng tôi chỉ có thông tin từ hồ sơ thế chấp, nên chỉ công bố những thông tin mình có. Nếu chờ cho đến khi thông tin đầy đủ thì không biết đến bao giờ vì nhu cầu biết thông tin của người dân là rất lớn. Do đó chúng tôi chọn cách công bố thông tin và cập nhật, hoàn thiện dần. Ngoài việc công bố danh sách trên website của Sở, người dân quan tâm cũng có thể Văn phòng đăng ký đất đai ở các quận, huyện để yêu cầu cung cấp thông tin. Việc công bố thông tin cá nhân, sẽ rút kinh nghiệm không nêu tên người mua mà chỉ nêu mã số căn hộ. Đồng thời sẽ cố gắng lấy thông tin từ Ngân hàng Nhà nước để phân loại xem dự án thế chấp nhằm mục đích gì, vay tiền hay bảo lãnh cho người mua nhà”, ông Liên cho hay.
Quận, huyện theo dõi việc chậm cấp giấy chứng nhận
Ông Liên cho rằng việc công khai thông tin dự án thế chấp ngân hàng là vô cùng cần thiết, bởi nó sẽ giúp người dân biết được dự án đang thế chấp như thế nào, từ đó có thể yêu cầu chủ đầu tư phải giải chấp căn hộ khi ký hợp đồng mua bán theo quy định. Trường hợp chủ đầu tư chưa thể giải chấp căn hộ, hai bên có thể thỏa thuận với nhau về cách thức thanh toán phù hợp, tránh rủi ro.
“Việc doanh nghiệp đi vay, thế chấp dự án khi kinh doanh bất động sản là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là họ không được làm sai pháp luật, ảnh hưởng quyền lợi của người mua, chẳng hạn như không giải chấp, không rút bớt tài sản mà vẫn bán nhà cho khách hàng hoặc một căn hộ bán cho nhiều người, không giải chấp để làm giấy chứng nhận cho khách hàng”, ông Liên khuyến cáo.
Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã kiến nghị và TP chỉ đạo thực hiện theo chủ trương giao quận, huyện là nơi xử lý đầu tiên công việc theo dõi, xử lý việc chậm cấp giấy chứng nhận tại các dự án. Khi thấy căn hộ chậm được cấp giấy chứng nhận, đặc biệt khi biết dự án đang thế chấp, cư dân cần phản ánh ngay đến UBND phường để phường báo cáo quận. UBND quận sẽ làm việc với các chủ đầu tư để xử lý sự việc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.