Sẽ hình thành mặt bằng giá mới

02/05/2011 00:43 GMT+7

Tỷ giá, giá nguyên liệu đầu vào, giá xăng, giá điện đều đã tăng; CPI 4 tháng đầu năm đã "nuốt chửng" kế hoạch cả năm. Thế nên dù lương cơ bản đã tăng vào ngày 1.5, nỗi lo tăng giá vẫn canh cánh trong mỗi người.

Câu hỏi được quan tâm nhất hiện nay là, sau tất cả những động thái tăng giá nói trên, mặt bằng giá mới đã được thiết lập hay chưa? Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM.


Giá đã tăng mạnh nhưng mặt bằng giá mới vẫn chưa được thiết lập - Ảnh: Hoàng Việt

Ông là người ủng hộ việc đưa giá điện, giá xăng... theo giá thị trường. Ông cũng cho rằng chúng ta phải chấp nhận mặt bằng giá mới. Vậy ông có bất ngờ trước sự tăng quá mạnh của chỉ số CPI trong 4 tháng đầu năm?

Thời điểm đầu năm, Việt Nam đứng trước 4 vấn đề là lạm phát cao, tiền đồng đang mất giá, lãi suất quá cao và một số mặt hàng duy trì quá lâu sự bao cấp, đặc biệt là xăng dầu. Trên cơ sở cân nhắc, trong lúc chống lạm phát thì có nên điều chỉnh giá xăng dầu, giá điện không? Quan điểm của tôi là, chấp nhận điều chỉnh ở mức hợp lý, giảm bao cấp và không tạo nên sự méo mó trên thị trường. Chúng ta phải chấp nhận một mặt bằng giá mới và điều hành vĩ mô trên mặt bằng giá mới đó. Nhưng thú thật, mức tăng CPI tôi dự kiến trước đây không cao đến như vậy.


Ông Trần Du Lịch

Những chính sách tài khóa, tiền tệ mà chúng ta đang triển khai được coi là đúng nhưng giá cả vẫn tăng ngoài dự kiến, ông lý giải thế nào?

Chính sách nào cũng phải có độ trễ. Lạm phát hiện nay của chúng ta do ảnh hưởng độ trễ của chính sách kích lạm phát của năm 2010 và tác dụng trễ của chính sách kéo lạm phát xuống của năm 2011. Đơn cử như việc cắt giảm đầu tư công mới áp dụng vào tháng 3 thì chưa thể phát huy tác dụng ngay được. Ít nhất cũng phải đến tháng 6 mới có thể nhìn thấy hiệu quả. Bên cạnh đó, tháng 3 và tháng 4 có nhiều yếu tố gây tác động lên giá cả như giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới tăng, trong nước thì giá xăng dầu, giá điện, điều chỉnh tỷ giá... Như vậy, CPI những tháng đầu năm của VN bị tác động bởi cả 2 yếu tố là cầu kéo và chi phí đẩy nên đã tăng cao.

Ông đánh giá thế nào về việc triển khai các giải pháp tài khóa và tiền tệ trong thời gian qua?

Tôi cho rằng chính sách tiền tệ đang tuân thủ khá tốt. Chỉ còn một vấn đề cần phải xem xét là luồng tín dụng hiện chảy đi đâu. Theo tôi, mức tăng trưởng tín dụng 20% không phải là thấp. Quan trọng là đưa vốn vào đúng chỗ để phát triển sản xuất, phục vụ tăng trưởng và giảm nợ xấu. Muốn như thế, phải cơ cấu lại việc phân bổ nguồn tín dụng như thế nào cho lành mạnh và hiệu quả nhất. Còn chính sách tài khóa luôn có độ trễ cao hơn. Tuy nhiên theo tôi thì việc thực hiện các chính sách này chưa được rõ nét. Cần phải quyết liệt hơn như giảm tuyệt đối việc ứng vốn, giảm con số tuyệt đối về đầu tư, chưa nhất thiết phải phát hành trái phiếu... Việc cắt giảm đầu tư công nên buộc các ngành, địa phương chọn ưu tiên. Chỉ làm các dự án có tác dụng ngay, ngược lại, phải cắt liền. Bên cạnh đó, phải đổi mới phương thức phân bổ đầu tư trong đó đáp ứng 2 tiêu chí. Những gì có lợi nhất thì làm trước và phải thực hiện đồng bộ. Ví dụ, làm cầu thì phải làm đường đi kèm.

CPI 4 tháng đầu đã tăng tới 9,64%, giá cả hàng hóa cũng tăng mạnh nhưng nỗi lo tăng giá vẫn đang hiện hữu. Vậy mặt bằng giá mới đã được thiết lập hay chưa?

Tôi cho rằng, chỉ số CPI tháng 5 vẫn tăng, nhưng chắc chắn mức tăng sẽ thấp hơn. Nếu chúng ta vẫn kiên trì với các chính sách tài khóa và tiền tệ hiện nay, lạm phát sẽ giảm dần. Như vậy, mặt bằng giá mới sẽ được hình thành hết quý 2. Mặt bằng mới này chắc chắn sẽ cao hơn so với dự kiến ban đầu nhưng xu hướng sẽ giảm trong những tháng cuối năm vì chúng ta đã giảm được lạm phát kỳ vọng. Giảm được lạm phát kỳ vọng thì mới có điều kiện giảm lãi suất. Quan điểm của tôi khi hình thành mặt bằng giá rồi sẽ đi theo lộ trình, ổn định tỷ giá, giảm lãi suất và kiềm chế lạm phát. Tỷ giá đã ổn định, nếu lạm phát kỳ vọng giảm thì sẽ giảm được lãi suất và từ đó kiểm soát lạm phát. Như vậy, mục tiêu năm 2011 sẽ đạt được. Theo tôi, chống lạm phát phải xây dựng biện pháp trong vòng 3 năm. Ví dụ năm 2011 phải giải quyết được lạm phát kỳ vọng. Từ đó, xây dựng chỉ số CPI năm 2012 và từ năm 2013 trở đi, VN phải đạt CPI dưới 5% mỗi năm. Trên tinh thần đó mới tính bài toán tăng trưởng.

Nguyên Hằng (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.