Sẽ tính thuế nguồn lợi từ đầu tư hạ tầng?

28/12/2017 04:53 GMT+7

UBND TP.HCM vừa đề xuất HĐND TP xem xét cơ chế điều tiết nguồn thu của các chủ thể được hưởng lợi từ quỹ đất hai bên đường sau khi nhà nước đầu tư đường giao thông để xây dựng hạ tầng xã hội (trường học, y tế, công viên cây xanh...).

Trước đó, nhiều chuyên gia cho rằng nhà nước đã bỏ rất nhiều tiền để đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội... giúp người dân, doanh nghiệp (DN) hưởng lợi. 
Giới đầu cơ hưởng lợi nhiều nhất
Điển hình như việc TP.HCM đầu tư cải tạo dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm (nằm trên địa bàn các quận 6, 11, Tân Phú), hàng nghìn căn nhà trước kia nằm trong hẻm, nay trở thành nhà mặt tiền đường rộng 12 m. Giá đất khu vực này tăng gấp nhiều lần so với trước. Mặc dù nhà nước phải bỏ ra tổng vốn đầu tư dự án là 166,6 triệu USD vay từ Ngân hàng Thế giới, và 1.714 tỉ đồng ngân sách chi bồi thường, giải tỏa - tái định cư nhưng toàn bộ giá trị gia tăng từ đất hai bên đường người dân và DN hưởng hết, nhà nước không thu được gì để tái đầu tư vào các dự án khác.
Hay dự án metro Bến Thành - Suối Tiên, hiện các dự án bất động sản (BĐS) mọc lên chi chít dọc tuyến đường này, giá đất cũng theo đó tăng cao ngất ngưởng nhưng tiền gia tăng từ đất dọc con đường này chỉ được “chảy” vào túi một số ít nhà đầu tư BĐS và người dân có đất hai bên đường.
Gần đây nhất, việc TP.HCM công bố đầu tư cầu nối qua đảo Kim Cương (Q.2), giá nhà đất quanh khu vực này đã tăng lên gấp đôi so với trước. Nhà đầu tư, DN BĐS trúng đậm nhưng nhà nước cũng không thu được đồng nào từ việc tăng giá.
Thực tế lâu nay, các dự án hạ tầng làm đến đâu thì giá đất tăng đến đó. Thậm chí tăng thành nhiều đợt. Lần đầu là khi mới có thông tin, lần thứ hai là khi khởi công dự án và đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng giá đất lại tăng tiếp. Hạ tầng làm đến đâu dự án BĐS mọc lên đến đó. Dù nhà nước bỏ ra rất nhiều tiền để làm hạ tầng nhưng nguồn lợi từ việc tăng giá đất chỉ một số người được hưởng, trong đó hầu hết là giới đầu cơ BĐS.
Điều tiết bằng thuế
TS Huỳnh Thế Du, thuộc Trường đại học Fulbright, cho biết ở một số nước khi làm một dự án hạ tầng, nhà nước thường thu hồi nhiều hơn số đất mà dự án sử dụng. Phần diện tích đất dôi dư hai bên đường sẽ được đem đấu giá để thu hồi vốn, thậm chí dư thừa để trang trải chi phí đầu tư. Ở VN cũng có một số dự án thực hiện theo cách này và rất hiệu quả. Điển hình là đường Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM), phần tiền thu được từ bán đấu giá đất hai bên đường đã dư tiền làm đường.
Tuy nhiên, trong nhiều tình huống việc xây dựng hay cải tạo cơ sở hạ tầng là việc làm bắt buộc như giải quyết tình trạng ngập úng hay xuống cấp của một tuyến đường trong các khu đô thị hiện hữu, nhà nước sẽ rất tốn kém để thực hiện thu hồi đất dù cơ sở hạ tầng được xây dựng hay cải thiện, các hộ dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Trong trường hợp như vậy, nhà nước có thể áp dụng một số loại thuế hay phí đặc thù để thu hồi một phần giá trị tài sản gia tăng của những người hưởng lợi để trang trải cho phí đầu tư.
Theo ông Huỳnh Thế Du, nhà nước có thể thu thuế cải thiện, bán quyền phát triển và phí tác động. Trong đó phổ biến nhất hiện nay là thu thuế cải thiện. Ví dụ như khi nhà nước mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa giá nhà đất tăng từ 1 tỉ đồng lên 2 tỉ đồng thì người dân phải góp một phần tăng thêm của 1 tỉ vào ngân sách. Đó là phí cải thiện. Nếu những ngôi nhà hai bên đường mới được xây dựng, nâng cấp, chủ đầu tư muốn xây dựng cao hơn thì phải đóng thêm tiền cho phần xây dựng tăng thêm, vì gây gánh nặng lên hạ tầng. Đó là phí phát triển.
Chuyên gia Lê Văn Phú cho biết nhiều quốc gia đã áp dụng chính sách điều tiết ở các khu vực do đầu tư cơ sở hạ tầng làm gia tăng giá trị của đất. Ở Colombia, Peru, Argentina áp dụng hình thức thuế/phí đối với giá trị gia tăng từ đất. Hàn Quốc thì áp dụng thuế quy hoạch đô thị. Indonesia tính trên thuế đất đai, thuế suất được áp dụng cho cả nhà và đất là 0,5%/giá trị tài sản. Tại VN, ông Phú đề xuất công thức: giá trị tăng thêm dự kiến bằng (=) tỷ lệ phần trăm dự kiến tăng thêm của lô đất nhân (x) với giá trị thị trường ban đầu của lô đất. “Để giảm bớt gánh nặng đối với chủ đất nên cho phép người dân được đóng khoản thuế này trong thời hạn một vài năm tùy theo điều kiện kinh tế xã hội của từng vùng miền hoặc khu vực mảnh đất đó tọa lạc, nhưng dài nhất là 5 năm”, ông Phú đề xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.