Shell sắp có thương vụ sáp nhập lớn nhất lịch sử dầu khí

08/04/2015 19:11 GMT+7

(TNO) Royal Dutch Shell (Hà Lan) và BG Group (Anh) sẽ thực hiện thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) gần 70 tỉ USD trong thời gian tới. Đây được cho là thương vụ sáp nhập lớn nhất ngành năng lượng thế giới trong vòng một thập niên qua.

(TNO) Royal Dutch Shell (Hà Lan) và BG Group (Anh) sẽ thực hiện thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) gần 70 tỉ USD trong thời gian tới. Đây được cho là thương vụ sáp nhập lớn nhất ngành năng lượng thế giới trong vòng một thập niên qua.

Nếu hoàn tất, thương vụ M&A giữa Royal Dutch Shell và BG Group sẽ là lớn nhất thuộc ngành năng lượng trong vòng một thập niên trở lại đây - Ảnh: Reuters
Bloomberg hôm nay 8.4 đưa tin Royal Dutch Shell đã đề nghị mua BG Group với giá 47 tỉ bảng, tương đương 69,6 tỉ USD, bằng cả tiền mặt và cổ phiếu. Ngay sau thông tin này, cổ phiếu BG tăng 38% tại London, trong khi Shell trượt 6%, theo CNN.
Bloomberg trích dẫn dữ liệu cho hay thương vụ sáp nhập giữa Shell, tập đoàn thăm dò dầu khí lớn nhất châu Âu tính theo giá trị thị trường và BG Group, hãng năng lượng lớn thứ ba của Anh, sẽ là thương vụ M&A lớn nhất thuộc ngành năng lượng trong vòng 10 năm trở lại đây.
Theo CNN, BG Group là hãng sở hữu nhiều giếng dầu tại bờ biển Brazil và lượng khí đốt dồi dào tại Úc. Nếu hoàn tất, dự trữ dầu mỏ, khí đốt của hãng Shell sẽ tăng 25% và sản xuất sẽ tăng 20%.
Giá dầu thấp kéo dài đã làm dấy lên làn sóng M&A của các hãng dầu mỏ. Shell không phải là hãng duy nhất đã và đang hành động để tăng quy mô công ty.
CNN cho biết hãng dịch vụ dầu mỏ Halliburton (Mỹ) vừa đề nghị chi 34,6 tỉ USD cho Baker Hughes (Mỹ), còn Repsol (Tây Ban Nha) thì chi 8 tỉ USD mua lại một công ty Canada hồi năm ngoái. Ngoài ra, nhiều thương vụ nhỏ khác cũng đã được công bố.
Nếu tính luôn cả thương vụ sắp tới của Shell, quy mô M&A trong ngành năng lượng toàn cầu năm nay hiện đứng ở mốc 112 tỉ USD, theo thống kê của Công ty tài chính quốc tế Dealogic (Mỹ). Con số này gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, khoảng 61,4 tỉ USD.
Khi giá năng lượng cao, các hãng dầu mỏ hài lòng với việc tiếp tục khoan dầu. Ngược lại khi giá giảm, họ thường chật vật xoay sở giữa lợi nhuận thấp và chi phí cao. Các công ty nhỏ khi đó trở thành mục tiêu thâu tóm hấp dẫn. Những thương vụ M&A lớn tạo ra các đại gia trong lĩnh vực năng lượng. Đây là những hãng đã tận dụng lợi thế về quy mô để càng có lợi nhuận lớn hơn, CNN lý giải.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.