Sổ hồng - sổ đỏ “cuộc giằng co” chưa kết thúc

11/09/2009 23:11 GMT+7

Cuộc giằng co" 15 năm giữa sổ hồng - sổ đỏ cuối cùng vẫn chưa thể kết thúc vì kể từ ngày 10.9, các địa phương lại tiếp tục cấp 2 giấy, cho dù Luật Sửa đổi một số điều liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản đã "khai tử" nó kể từ ngày 1.8.2009.

Cơ quan quản lý lúng túng

Có 2/6 câu hỏi của Thanh Niên gửi đến lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) liên quan đến việc cấp sổ hồng, sổ đỏ hôm 10.9 đã không được trả lời. Đó là Bộ TN-MT có lường trước những tình huống rắc rối do chậm có văn bản hướng dẫn thi hành việc cấp một giấy cho cả nhà và đất hay không? Và tại sao phải chờ đến ngày 24.8, tức là gần một tháng sau ngày tạm dừng cấp sổ hồng, sổ đỏ, Bộ TN-MT mới nghĩ đến việc kiến nghị tiếp tục cho đăng bộ trên mẫu cũ đối với những trường hợp chuyển nhượng nhà, đất?

Hành trình 15 năm GCN nhà đất

* Hiện có 4 loại mẫu GCN cho nhà và đất cùng tồn tại, gồm sổ đỏ (GCN quyền sử dụng đất) theo Luật Đất đai năm 1993; sổ đỏ theo Luật Đất đai năm 2003; sổ hồng (GCN quyền sở hữu nhà ở) theo Nghị định 61/CP năm 1994 về mua bán kinh doanh nhà ở và sổ hồng theo Luật Nhà ở và Nghị định 90/2006/NĐ-CP năm 2006.

* Năm 1994, khi sổ hồng ra đời theo Nghị định 61 đã có cuộc tranh cãi về việc có nên tồn tại 2 loại giấy do 2 cơ quan nhà nước cấp hay không, nhưng không ngã ngũ.

* Năm 2003, Luật Đất đai sửa đổi quy định chỉ cấp một giấy là GCN quyền sử dụng đất và ghi nhận tài sản trên đất (do Văn phòng đăng ký nhà đất thuộc ngành TN-MT cấp).

* Luật Nhà ở năm 2005 và Nghị định 90 lại quy định tách riêng để cấp GCN quyền sở hữu nhà (do cơ quan xây dựng cấp).

* Tháng 11.2007, Quốc hội ban hành Nghị quyết 07/2007/QH12, thống nhất cấp một giấy cho cả nhà và đất, thống nhất một đầu mối cấp giấy (Văn phòng đăng ký nhà đất) nhưng phải đến tháng 6.2009, Quốc hội mới thông qua Luật Sửa đổi một số điều liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản để luật hóa việc cấp "một giấy".

Lý do không trả lời, theo như ông Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, kiêm người phát ngôn của Bộ TN-MT Lê Văn Hợp là do "chưa có điều kiện để trả lời" (?). Thực chất, điều này cho thấy Bộ TN-MT hoàn toàn không hình dung được những rắc rối có thể phát sinh khi "tạm dừng cấp sổ hồng, sổ đỏ" trên thực tế. Mà nguyên nhân của nó chính là sự chuẩn bị không tốt từ cơ quan tham mưu là Bộ TN-MT và nó cũng chứng tỏ sự lúng túng trong điều hành của bộ này.

Luật Sửa đổi các điều liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản được thông qua tháng 6.2008, có hiệu lực từ 1.8.2009. Nhưng phải đến ngày 10.8.2009, Bộ TN-MT mới trình Chính phủ dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành liên quan đến cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (cần lưu ý rằng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định dự thảo văn bản hướng dẫn - nếu có - phải được trình cùng với dự thảo luật). Theo trả lời của ông Lê Văn Hợp ngày 10.9 thì: "Dự thảo nghị định này đang được hoàn thiện và xin ý kiến các thành viên Chính phủ. Hiện nay Bộ đang tích cực xây dựng dự thảo các thông tư hướng dẫn thi hành, khi nghị định được ban hành thì Bộ sẽ ban hành các thông tư để đáp ứng yêu cầu triển khai trên thực tế".

Hơn 1 tháng kể từ ngày luật có hiệu lực, văn bản hướng dẫn vẫn ở mức lấy ý kiến thì Bộ TN-MT có thể gọi là "hoàn thành trách nhiệm" hay không? Nhất là trong tình huống hàng trăm hồ sơ, hàng nghìn người dân đang phải chờ một quyết định để được cấp giấy công nhận chủ quyền tài sản. Lẽ ra, nếu biết quy trình ban hành văn bản sẽ khiến Nghị định không ra kịp và để làm hết trách nhiệm, Bộ TN-MT đã phải đưa ra giải pháp xử lý nhanh hơn, không để xảy ra tình trạng ách tắc đối với hàng trăm hồ sơ mua bán, chuyển nhượng nhà đất như vừa rồi.

 Cũng trả lời Thanh Niên, ông Ngô Trọng Khang, Giám đốc văn phòng đăng ký nhà đất Hà Nội cho biết, Hà Nội không bị rơi vào cảnh ách tắc. Sở dĩ như vậy là vì "chúng tôi không dừng cấp giấy mà vẫn tiếp tục đăng bộ trên trang 4 của sổ đỏ cũ kể từ ngày 1.8". Rõ ràng các cơ quan quản lý ở địa phương đã rất biết phải làm như thế nào để tránh gây phiền hà, ách tắc cho hoạt động giao dịch hợp pháp của người dân.

Hệ quả pháp lý khó lường

 Phải đến ngày 24.8, sau rất nhiều áp lực từ dư luận và các địa phương, Bộ TN-MT mới nghĩ đến việc trình Chính phủ đề nghị tiếp tục cho đăng bộ trên trang 4 "sổ đỏ" cũ đối với những trường hợp chuyển nhượng nhà, đất. Trong khi thực chất, trong phạm vi quyền hạn của mình, Bộ TN-MT hoàn toàn có thể giải quyết chuyện này "gọn gàng" hơn từ trước ngày 1.8. Thứ nhất, việc xác định quyền sử dụng đất như thế nào để được coi là hợp lệ, mới là điều quan trọng. Điều này đã được xác định rất chi tiết trong luật, không cần phải chờ nghị định hướng dẫn. Thứ hai, cấu trúc tờ giấy ra sao là công việc hoàn toàn chuyên môn. Do vậy cũng không cần phải đợi nghị định mới có thể thi hành cấp "một giấy" cho cả nhà và đất.

Trả lời Thanh Niên, ông Lê Văn Hợp cũng thừa nhận, việc ban hành mẫu giấy chứng nhận (mới) thuộc thẩm quyền của Bộ TN-MT. Như vậy thì để giải quyết việc cấp giấy sau ngày 1.8.2009 (trong điều kiện chưa kịp ban hành nghị định như đã biết), Bộ TN-MT cần thi hành thẩm quyền, ra quyết định ban hành mẫu GCN (mới) và gửi một thông báo mang tính chất hướng dẫn nghiệp vụ cho các địa phương về việc ghi gì trên tờ giấy ấy; đơn giản hơn là phiên từ nội dung "sổ đỏ", "sổ hồng" sang là xong. Không nhất thiết để sự chờ đợi đến rối loạn như vậy.

GCN chỉ đơn giản là một chứng thư hành chính, không phải là một văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy việc để chuyện mẫu giấy chi phối đến quá trình thực hiện chính sách là điều hết sức đáng tiếc. Đó là chưa kể, một chuyên gia luật pháp (đề nghị giấu tên) nói với Thanh Niên rằng: đề nghị cho đăng bộ trên "sổ đỏ" cũ của Bộ TN-MT là rất vội vàng và ngay cả quyết định tiếp tục cho phép cấp 2 giấy từ ngày 9.9.2009 cũng sẽ làm nảy sinh những hệ quả pháp lý khó lường. Bởi lẽ, về mặt bản chất, việc tiếp tục cấp sổ hồng, sổ đỏ vào thời điểm hiện nay là trái luật. Trên thực tế, sau này nếu phát sinh tranh chấp, tòa hoàn toàn có thể tuyên vô hiệu đối với những sổ đỏ, sổ hồng cấp sau ngày 1.8.2009.

TP.HCM giải quyết hồ sơ nhà đất trở lại

Một số quận, huyện tại TP.HCM đã bắt đầu cấp GCN nhà đất trở lại sau một thời gian ách tắc. Bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Q.Tân Phú - cho biết: “Ngay khi đọc thông tin trên báo chí, tôi đã chỉ đạo cho anh em tiến hành ngay việc in GCN (theo mẫu cũ) đối với những hồ sơ đã thụ lý để giao cho người dân. Số lượng hồ sơ quận Tân Phú đã tiếp nhận từ sau ngày 1.8 khoảng 500 hồ sơ và đã thụ lý xong.

Trong hai ngày 10 và 11.9, Phòng TN-MT in xong khoảng 500 GCN cho số hồ sơ nói trên để trong tuần tới giao trả cho dân”. Theo bà Khuê, quận còn khoảng 5.000 mẫu GCN, số lượng giấy này hy vọng sẽ đủ cấp cho dân trong thời gian chờ có mẫu giấy mới. Tại quận 8, ông Nguyễn Hồng Lam - Phó phòng TN-MT - nói: “Thời gian qua, do chưa có mẫu giấy mới nên số lượng hồ sơ tồn đọng tại quận 8 là 959 hồ sơ, trong đó đề nghị cấp GCN là 561, đăng bộ là 398 hồ sơ.

Theo thống kê chưa đầy đủ, quận 8 có khoảng 73 ngàn căn nhà, thửa đất cần cấp GCN. Trong số này, quận đã cấp được 32 ngàn GCN. Những ách tắc, bất cập về chính sách, thủ tục liên quan đến giấy tờ nhà đất vừa qua đã làm cho tiến độ cấp GCN chậm lại”. Ông Nguyễn Hồng - Phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp cho hay: “Bây giờ, đối với những hồ sơ đã thụ lý xong, nếu trường hợp người dân có nhu cầu cấp theo GCN cũ thì quận sẽ cấp ngay, còn những trường hợp người dân chưa có nhu cầu gấp thì có thể chờ để được cấp theo mẫu GCN mới”.

Ông Phạm Ngọc Liên - Giám đốc Trung tâm thông tin đăng ký nhà đất và TN-MT (thuộc Sở TN-MT) - cho biết: “Tồn đọng nhiều nhất tại các quận, huyện từ 1.8 đến nay là hồ sơ cấp GCN hoặc chuyển quyền sở hữu nhà đất, còn các hồ sơ đăng ký thế chấp và tái thế chấp, góp vốn hình thành pháp nhân mới... thì không vướng mắc nhiều. Theo tôi, khi Chính phủ đã cho phép cấp GCN theo mẫu cũ thì mặc nhiên các quyền của người dân có GCN nhà đất trước 1.8 vẫn được bảo lưu và công nhận. Đây là chỉ đạo kịp thời để xử lý hồ sơ nhà đất vốn ách tắc, tồn đọng trong thời gian qua”.

Trần Thanh Bình

An Nguyên - Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.