Startup Việt đi 'học' cách làm giàu từ doanh nhân thế giới

29/11/2017 19:25 GMT+7

Có 13 startup và nhà xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt tham dự Hội nghị thượng đỉnh doanh nhân toàn cầu 2017 (Global Entrepreneuship Summit - GES 2017) được tổ chức tại thành phố Hyderabad (Ấn Độ) từ ngày 28 - 30.11.

So với một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, số lượng nhà khởi nghiệp của Việt Nam tham dự GES 2017 đông nhất.
Bà Nguyễn Nhã Quyên, Giám đốc phát triển Hệ sinh thái thuộc Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ SVF, cho biết sau một ngày làm việc, kết nối với cộng đồng doanh nhân thế giới, kết quả thu về "ngoài mong đợi". Ở Việt Nam, SVF là tổ chức phi lợi nhuận, tập trung hỗ trợ startup và 80% đến từ nông nghiệp. Bà Quyên cho biết nhiệm vụ của SVF là hỗ trợ tối đa để thương mại hóa được các sản phẩm nông nghiệp của các startup đang được SVF hỗ trợ.
"Điểm yếu trong sản xuất chế biến nông sản của các bạn startup Việt là không có công nghệ đủ tốt để cho ra sản phẩm hoàn hảo có thể bán ra thị trường trong nước và xuất khẩu. Sáng nay tôi may mắn gặp CEO một doanh nghiệp khởi nghiệp tại Ấn là a-Idea, Trung tâm cải tiến nông nghiệp, chuyên nghiên cứu công nghệ nhằm tối ưu hóa sản phẩm chế biến. Tôi nghĩ sẽ có những thảo luận sâu hơn về đầu tư công nghệ cho tương lai", bà Quyên cho biết.
Các sản phẩm nông nghiệp mà SVF đang muốn hỗ trợ startup Việt gồm: mứt trái cây, sản phẩm công nghệ từ lá sen, xơ mướp, jam bông làm từ nấm, tinh dầu... Ngoài ra, theo bà Quyên, cộng đồng người Việt, những trí thức Việt kiều, du học sinh.... cũng là kênh quan trọng để hỗ trợ startup Việt đưa sản phẩm ra thế giới.
Ông Lê Vũ Cường, Giám đốc Công ty 1516 Green Interior Architectural, một startup trong lĩnh vực năng lượng xanh và hạ tầng, cho biết gần 30% dân vùng sâu vùng xa ở Ấn Độ vẫn còn thiếu hoặc chưa có điện. Đó là cơ hội và cũng thách thức. Ông Cường nói: "Thị trường hấp dẫn nhưng rất nhiều nhà kinh doanh lĩnh vực này nhòm ngó. Tôi gặp khá nhiều nhà đầu tư kinh doanh cùng lĩnh vực này tại đây. Tôi nghĩ phải kiên trì bởi đây là cơ hội tốt".
Thế mạnh của các startup Việt tại GES so với một số startup đến từ các nước khác là ngoại ngữ. Đa số đều rất thoải mái trong giao tiếp kết nối với doanh nhân các nước. Markos Lemma, sáng lập Iceaddis, đến từ Ethiopia nhận xét startup Việt giỏi và ham tìm tòi học hỏi, nhiệt huyết và đầy tham vọng: "Các bạn ấy cho biết đi để học cách làm giàu có ích cho xã hội từ các doanh nhân toàn cầu. Tôi nghĩ tư duy đó rất quan trọng. Mở ra nhiều cánh cửa hơn cho họ". Lemma cũng cho biết đã đến Việt Nam vài lần và đang quan tâm đầu tư một số dự án khởi nghiệp tại đất nước hình chữ S.
Trong lĩnh vực giáo dục, bà Phạm Thị Ngọc Hoa - sáng lập tổ chức xã hội LivingDream, bà Nguyễn Thị Mai Hương - sáng lập Color Pencils, bà Lê Thị Ngọc Ngân - sáng lập diễn đàn OBook (dự án nhận giải nhì từ cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp do Đại sứ quán Mỹ tổ chức)... đều chia sẻ cũng như cập nhật nhiều thông tin bổ ích từ việc kết nối và tham gia GES 2017.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.