Sự điều chỉnh cần thiết

05/09/2009 22:30 GMT+7

Hai phiên cuối tuần qua, VN-Index đã giảm nhanh, tổng cộng 19,2 điểm và chỉ còn 528,49 điểm. Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng giảm 5,28 điểm và chốt ở mức 166,92 điểm. Điều này đang khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) lo lắng.

Tác động của thông tin

Ngày 3.9, bài đánh giá về thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam của Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse đăng trên Bloomberg đã được nhiều trang web trong nước trích lại khiến các NĐT phải chùn tay. Bài nhận định này cho rằng TTCK Việt Nam đã tăng mạnh 71% từ đầu năm đến nay, riêng trong tháng 8 cũng có mức tăng 17%.

Báo cáo này viết: "Hoạt động tín dụng ngân hàng tăng mạnh đã thúc đẩy đợt phục hồi của thị trường Việt Nam từ tháng 4 đến nay. Chúng tôi cho rằng dòng vốn tín dụng sắp tới chảy chậm lại sẽ chấm dứt sự thăng hoa này của thị trường". Các nhà phân tích của Credit Suisse cho rằng, hệ số giá thị trường/giá trị sổ sách (P/B) của các doanh nghiệp niêm yết lớn nhất trên thị trường Việt Nam hiện cao thứ hai ở thị trường châu Á (trừ Nhật Bản).

Trong khi đó, hệ số giá/thu nhập (P/E) của các cổ phiếu này đang ở mức cao nhất nếu không tính tới các khoản lợi nhuận phi hoạt động. Hơn nữa, hoạt động tín dụng của các ngân hàng có thể sẽ chậm lại sau khi tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, và các dòng vốn đổ vào TTCK vì vậy sẽ bị hạn chế. Do vậy đây là cơ hội để chốt lời.

Cùng ngày, các NĐT còn đón nhận thêm thông tin Quỹ đầu tư Indochina Capital Vietnam Holdings Limited (ICV) sẽ thoái vốn để đóng quỹ sau đại hội cổ đông bất thường. Tính đến hết tháng 7.2009, giá trị tài sản ròng (NAV) của ICV đạt gần 243 triệu USD, tăng hơn 14% so với cuối năm 2008. Trong đó, danh mục đầu tư cổ phiếu niêm yết chiếm 37,9% NAV, cổ phiếu chưa niêm yết chiếm 4,3% NAV; với các cổ phiếu gồm BVH chiếm 6,9% NAV, VCB (6,8%), FPT (5%), VNM (3,8%), DPM (2,5%), GMD (2,3%), REE (2,1%), Ninomaxx (2,2%)...

Hai thông tin trên cùng lúc lan sang tất cả sàn giao dịch chứng khoán khiến TTCK Việt Nam ngày 4.9 rực lửa trên bảng giá điện tử khi hầu hết cổ phiếu rớt sàn. Một NĐT tên Thy tại sàn SSI lo ngại số NĐT trở nên bi quan sẽ nhiều hơn. "Có thể tuần sau thị trường lại tiếp tục giảm, kiểu này nhiều người lại lo cắt lỗ mà thôi" - chị Thy nói. Trong khi đó, anh Ngọc, một NĐT tại sàn Đông Á cho biết mặc dù anh ít để bị tâm lý chi phối nhưng e rằng đợt điều chỉnh sẽ dài hơn dự đoán. "Nhận định của Credit Suisse khi cho rằng nên chốt lời là tất yếu vì nhiều cổ phiếu đã tăng giá khá mạnh trong thời gian qua. Thế nhưng P/E đang ở mức cao nhất thì có thể phải xem xét lại vì tùy từng cổ phiếu cụ thể chứ không thể đánh đồng như vậy" - anh Ngọc nói.

Điều chỉnh là cần thiết

Sau nhiều ngày tăng điểm liên tục trước đó, việc điều chỉnh của TTCK Việt Nam hai phiên cuối tuần qua được xem là chuyện bình thường. Trong khi đó, khối NĐT nước ngoài vẫn tiếp tục mua ròng trên cả hai sàn. Lượng giao dịch vẫn duy trì ở mức cao trong suốt tuần qua với hơn 4.000 tỉ đồng/phiên. Quan trọng là nguồn vốn vẫn nằm trong TTCK vì hiện nay chưa có kênh đầu tư nào khác hấp dẫn hơn. Điều này cho thấy một số NĐT vẫn có niềm tin vào thị trường và cổ phiếu giảm giá là cơ hội để mua vào.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC, thị trường luôn có tăng, có giảm. "Nhận định của Credit Suisse cũng như những báo cáo trước đó của các tổ chức nước ngoài khác cũng chỉ là thông tin để tham khảo. Không phải khi nào NĐT cũng làm theo lời khuyên của các báo cáo đó mà họ có sự sàng lọc thông tin và đánh giá riêng của mình" - ông Huỳnh Anh Tuấn nói.

TS Lê Thẩm Dương, trường ĐH Ngân hàng TP.HCM nhận định hai thông tin trên đều có tác động đến tâm lý NĐT cá nhân nhưng có lẽ không nhiều. "Quan trọng là thị trường đang đến lúc điều chỉnh cũng như TTCK các nước trên thế giới vì nếu tăng hoài mới là chuyện phi lý. Tuy nhiên các thông tin trên xuất hiện lúc này đã làm giảm điểm mạnh hơn bình thường khi tâm lý NĐT bị dao động. Nhận định của

Credit Suisse còn thiếu căn cứ thuyết phục, nhất là TTCK Việt Nam cũng như các NĐT Việt Nam có những đặc điểm riêng mà chưa chắc họ đã hiểu được" - TS Lê Thẩm Dương đánh giá.

Nền kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam đang dần dần hồi phục là cơ sở vững chắc cho sự phát triển bền vững của TTCK. Các chuyên gia tài chính và chứng khoán đều cho rằng đây không phải là lúc quá bi quan để nghĩ đến chuyện chỉ số chứng khoán trượt dài như cách đây 1 năm. Nếu NĐT đã có sự phân tích và chọn lọc cổ phiếu để đầu tư thì phải có tâm lý vững vàng hơn trước những dao động trên thị trường. 

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.