Tái cấu trúc Vicem: Tập trung vào giảm chi phí vốn

07/08/2020 18:33 GMT+7

4 năm tái cấu trúc hoạt động theo mô hình mới, một loạt công ty con thuộc Vicem đã có lãi và tự cân đối được dòng tiền trả nợ; đời sống của người lao động được cải thiện đáng kể.

Đứng dậy từ bờ vực

Chính thức vận hành từ tháng 2.2010, Nhà máy Xi măng Hạ Long thuộc Công ty CP Xi măng Hạ Long không chỉ kinh doanh thua lỗ, còn khiến ngân sách nhà nước phải gánh một khoản nợ lớn. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến ngày 21.12.2015, Xi măng Hạ Long có vốn điều lệ 982 tỉ đồng với 2 cổ đông chính là Tổng công ty Sông Đà (chiếm 65,75% vốn điều lệ) và các đơn vị thành viên Tập đoàn Dầu khí (PVN) chiếm 34,24% vốn điều lệ. Tổng tài sản 5.361 tỉ đồng, tổng nợ phải trả là 8.029 tỉ đồng, công ty lỗ lũy kế 3.649 tỉ đồng.
Năm 2016, Xi măng Hạ Long được chuyển giao về Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem). Với nỗ lực tái cơ cấu toàn diện từ sản xuất đến mô hình quản trị, Vicem Hạ Long nhanh chóng được vực dậy, trở thành thương hiệu khá nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Cụ thể, từ tháng 3.2016 đến ngày 31.12.2019, công ty đã cân đối được hơn 3.640 tỉ đồng để trả nợ (nợ gốc 2.763 tỉ đồng; lãi và phí vay 876,67 tỉ đồng) cho các tổ chức tín dụng. Trong đó phần từ nguồn vốn điều lệ tăng thêm do Vicem góp hơn 960 tỉ đồng và phần từ sản xuất kinh doanh 2.680 tỉ đồng.
Vì sao từ một công ty đứng trên bờ vực phá sản, Vicem Hạ Long nhanh chóng đứng dậy với kết quả kinh doanh ấn tượng trên, ông Hoàng Anh Đức thẳng thắn bày tỏ: “Nếu không về Vicem và nhận được chỉ đạo, định hướng khi tái cấu trúc thì công ty khó có thể trụ vững. Nhờ sự táo bạo, quyết tâm và tầm nhìn của Chủ tịch Vicem đưa công nghệ mới, tăng năng suất, thay đổi mô hình quản trị phân đoạn đến từng nơi, từng tổ rất hiệu quả. Chính điều đó đã làm chúng tôi tự tin, thúc đẩy được năng lực làm việc tối đa cho toàn thể cán bộ, người lao động”.
Ông Đỗ Tiến Trình, Tổng giám đốc Xi măng Bút Sơn cho biết, sau khi tiến hành tái cơ cấu được tự chủ trong hoạt động SXKD công ty làm ăn có hiệu quả, có lãi. Lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 92,2 tỉ đồng bằng 184% năm 2018. Đáng nói công ty nộp ngân sách 178,3 tỉ đồng bằng 107% năm 2018. Đời sống người lao động cũng được nâng cao với mức bình quân 12,8 triệu đồng/người. Mặc dù chịu tác động bởi dịch Covid-19 nhưng 6 tháng đầu năm Bút Sơn vẫn lãi trước thuế hơn 35 tỉ đồng và đặt mục tiêu năm nay lãi hơn 100 tỉ đồng.
“Nếu không có sự thay đổi từ tái cấu trúc chắc khó có kết quả trên. Chủ tịch Vicem và Ban lãnh đạo của tổng công ty gần như cuối tuần nào cũng triệu tập chúng tôi lên họp. Họp để tìm các giải pháp mới, công nghệ mới, phát kiến để nâng cao năng lực sản xuất, giảm chi phí biến đổi...”, Tổng giám đốc Xi măng Bút Sơn giãi bày.
Rác thải công nghiệp là vải vụn, nhựa… trở thành nhiên liệu trong các lò xi măng của Vicem - Ảnh: Anh Đan

Rác thải công nghiệp là vải vụn, nhựa… trở thành nhiên liệu trong các lò xi măng của Vicem

Ảnh: Anh Đan

Lợi nhuận tổng hợp cao nhất từ trước đến nay

Không chỉ có Bút Sơn, Hạ Long, Chủ tịch Vicem Bùi Hồng Minh cho biết, quá trình tái cơ cấu đã từng bước cho thấy hiệu quả rõ rệt tại tất cả các thành viên. Đặc biệt, sau khi Vicem thực hiện cơ cấu lại và sáp nhập thương hiệu yếu vào thương hiệu mạnh (Xi măng Sông Thao vào Xi măng Hải Phòng); Xi măng Hải Vân vào Hoàng Thạch và Tam Điệp vào Bỉm Sơn, tất cả các công ty mới đều thoát khỏi tình trạng thua lỗ, kinh doanh có lãi, tự chủ về tài chính cho việc trả nợ dần các khoản nợ đầu tư và lỗ lũy kế phát sinh từ ngày trước khi về với Vicem.

Năm 2019, Vicem có lợi nhuận tổng hợp cao nhất từ trước đến nay, lên đến gần 3.200 tỉ đồng, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROA) đạt 16,91%.

Với bất cứ đơn vị SXKD nào vốn là nguồn lực chủ yếu quyết định và chi phối hoạt động của DN. Quá trình tái cấu trúc tài chính, theo Chủ tịch Vicem, công ty không nhắm vào phương án tái cấu trúc “thô” (tăng vốn tự có, giảm chi phí đi vay) mà tập trung vào cấu trúc “tinh”, đó là giảm chi phí vốn trong các lĩnh vực sản xuất.

Theo đó, phương án mang lại hiệu quả lớn nhất là giảm nguồn vốn mua công nghệ sản xuất bằng việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ sản xuất mới. Theo định hướng này Vicem đã cùng hãng FLSmidth của Đan Mạch (một hãng cung cấp hàng đầu thế giới về các giải pháp công nghệ và thiết bị dây chuyền sản xuất xi măng cũng như khai thác mỏ với 137 năm kinh nghiệm) ký “Tuyên bố Hà Nội”. Qua đó thảo luận, hợp tác nghiên cứu phát minh, phát kiến công nghệ xi măng hướng tới “Không phát thải – Tuần hoàn tự nhiên”.

Phương án thứ hai, theo ông Minh là phát triển hệ thống sản xuất để tạo nên kinh tế tuần hoàn. Giải pháp mà các DN sản xuất đặc biệt các DN trong ngành vật liệu xây dựng có thể hướng tới trong cả ngắn hạn và dài hạn là tập trung tối đa các chất thải của ngành công nghiệp và các ngành kinh tế xã hội, chất thải trong hoạt động hằng ngày của xã hội (rác thải, bùn thải…) để thay thế nguyên nhiên liệu trong sản xuất vừa đảm bảo làm sạch môi trường. Đây là xu thế tất yếu và là chiến lược thông minh để giảm chi phí mua nguyên liệu.
“Quá trình tái cơ cấu tại Vicem đã từng bước cho thấy hiệu quả rõ rệt. Các đơn vị thành viên tự tin hơn, quyết liệt và sáng tạo hơn. Từng bước cải thiện tình hình tài chính để phát triển lớn mạnh, đảm bảo vai trò dẫn dắt và điều phối thị trường xi măng Việt Nam”, ông Minh cho biết thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.