Tái cơ cấu kinh tế ì ạch: 3 năm chưa chỉ ra trách nhiệm

02/10/2014 06:00 GMT+7

Càng tái cơ cấu đà tăng trưởng càng đi xuống, năng lực cạnh tranh càng giảm, mô hình mới gắn với chất lượng cao vẫn chưa thấy... là những vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận trong phiên làm việc hôm qua.

Càng tái cơ cấu đà tăng trưởng càng đi xuống, năng lực cạnh tranh càng giảm, mô hình mới gắn với chất lượng cao vẫn chưa thấy... là những vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận trong phiên làm việc hôm qua.

Tái cơ cấu kinh tế ì ạch: 3 năm chưa chỉ ra trách nhiệm
Tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chậm so với yêu cầu - Ảnh: Thanh Hải

Tại phiên làm việc sáng 1.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã nghe báo cáo của Chính phủ về tái cơ cấu ba lĩnh vực: đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ngân hàng (NH) trong 3 năm qua; đồng thời cũng nghe báo cáo giám sát của Ủy ban Kinh tế.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại phiên họp đã đánh giá chất lượng các báo cáo này không cao, vì không mổ xẻ được vấn đề cụ thể, gần như chỉ nói chung chung và đặc biệt không chỉ rõ được trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức khi để xảy ra sự chậm trễ, thiếu hiệu quả trong quá trình triển khai.

 

Quả thực, báo cáo giám sát phản ánh rất sinh động thực trạng. Nhưng tái cơ cấu được gì, thiếu gì và trách nhiệm các cấp như thế nào thì tôi chưa thấy bóng dáng đó. Điều đầu tiên trong giám sát là làm rõ trách nhiệm từng cấp một

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền

Càng “tái” càng yếu

Báo cáo giám sát cho thấy bức tranh tái cơ cấu khá u ám khi mục tiêu lớn nhất là tốc độ tăng GDP giai đoạn tái cơ cấu 2011 -2015 không đạt theo Nghị quyết của QH (6,5 - 7%), giai đoạn 2011 - 2013 tăng trưởng chỉ 5,64%. Tái cơ cấu đầu tư công càng khiến cho tỷ lệ bội chi ngân sách, nợ công so với GDP tiếp tục tăng và đang ở mức cao.

Trong 3 năm qua, tái cơ cấu DNNN đã sắp xếp được 180 đơn vị, trong đó cổ phần hóa 99 đơn vị với gần 19.000 tỉ đồng cổ phần chào bán. Nhưng tỷ trọng đóng góp vào GDP của DNNN là 34,72% năm 2009 lại giảm xuống còn 32,4% năm 2013. Báo cáo chỉ rõ tiến độ tái cơ cấu DNNN chậm so với yêu cầu, chưa xem xét xử lý một số DN chần chừ trong quá trình triển khai để làm gương và tạo áp lực buộc các DNNN đẩy nhanh tái cấu trúc. Nhiều DN hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay; một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước dùng vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tương tự, việc thực hiện tái cơ cấu NH từ đầu 2012 đến hết tháng 6.2014 xử lý tổng cộng 201.250 tỉ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, nợ xấu 2012 chiếm 4,08% giảm xuống 3,61% trong 2013 thì lại tăng lên 4,17% trong 6 tháng năm 2014. Công ty VAMC mua được hơn 56.000 tỉ đồng nhưng chỉ bán được 1.400 tỉ đồng nợ xấu. Đáng nói, năng lực cạnh tranh của nhiều tổ chức tín dụng chưa được cải thiện đáng kể, nhất là áp dụng chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Vấn đề sở hữu chéo, đầu tư trong hệ thống đang diễn biến phức tạp, vốn điều lệ không phản ánh đúng thực chất, dẫn đến nguy cơ chi phối, thao túng hoạt động NH.

“Cứ êm ái, dịu dàng thì ra nghị quyết làm gì”

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền đánh giá báo cáo giám sát không làm rõ trách nhiệm từng cấp, không xác định được mô hình như thế nào. Ông dẫn chứng, các DNNN trong đó tập đoàn, tổng công ty thí điểm rất nhiều năm nhưng vẫn chậm, nhiều bất cập. Hai tập đoàn Vinashin, Vinalines thua lỗ nhưng hành lang pháp lý vẫn chỉ là văn bản thí điểm. “Quả thực, báo cáo giám sát phản ánh rất sinh động thực trạng. Nhưng tái cơ cấu được gì, thiếu gì và trách nhiệm các cấp như thế nào thì tôi chưa thấy bóng dáng đó. Điều đầu tiên trong giám sát là làm rõ trách nhiệm từng cấp một”, ông Quyền nói.

Dự kiến khả năng thực hiện các mục tiêu giai đoạn 2011 - 2015
(Nguồn báo cáo giám sát Ủy ban Kinh tế)

Tái cơ cấu kinh tế ì ạch: 3 năm chưa chỉ ra trách nhiệm

Đồng quan điểm, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý báo cáo ít nhất phải chỉ ra được trách nhiệm của cấp nào, ngành nào trong triển khai đề án tái cơ cấu chậm. Chậm do ban hành chính sách chưa chính xác hay khi thực hiện không quyết liệt...

Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cũng nói: “Tôi tự hỏi mấy nước xung quanh ta họ có tái cấu trúc không mà tăng trưởng GDP đều trên 7,5% cả, lạm phát của họ thì rất thấp. Không biết họ có tái không mà sao khá thế! Chắc chắn họ cũng khó khăn như ta, bị tác động khủng hoảng kinh tế thế giới, thậm chí họ còn bị động đất, thiên tai rất nặng nề”.

Băn khoăn về nhiều vấn đề tái cơ cấu, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng kỳ họp tới đây QH ra Nghị quyết nâng cao hiệu quả tái cơ cấu thì cần phải làm rõ giải pháp, chủ trương như thế nào. Đặc biệt, ông lưu ý phải bỏ “công thức” “QH cơ bản tán thành với báo cáo giám sát” như lâu nay, vì cứ giữ thì không biết đường nào mà thực hiện. Về nỗ lực phấn đấu tăng trưởng GDP năm nay 5,8%, năm sau khoảng hơn 6%, theo ông có thể đạt được và cao hơn một chút nhưng kết quả cuối cùng vẫn không hoàn thành chỉ tiêu QH giao. Tái cơ cấu đầu tư công hạn chế lớn nhất là đầu tư chưa hiệu quả, chất lượng công trình còn nhiều vấn đề, năng suất lao động không cao. Đặc biệt, nguy cơ nợ xấu, an toàn nợ công đang bị đe dọa. QH lo lắng khi thấy tốc độ nợ công tăng nhanh, bội chi lớn nên phải vay nợ, đảo nợ.

Liên quan đến tái cơ cấu tổ chức tín dụng, Chủ tịch QH lưu ý các NH trích lập dự phòng rủi ro để xử lý trong tương lai. “Nếu chúng ta cứ êm êm ái ái, dịu dịu dàng dàng nói sẽ tăng cường thúc đẩy thì ra thêm nghị quyết nữa làm gì, vì nghị quyết của Đảng còn mạnh hơn nhiều. Cái gì là chủ trương, giải pháp, mục tiêu phải rõ. Đưa ra rồi phải giải quyết để đạt mục tiêu đó”, Chủ tịch kết luận.

“Người phê duyệt không biết dự án thực hiện thế nào”

Tại hội thảo “Chiến lược giám sát và đánh giá đầu tư công thời kỳ 2015 - 2020”, do Bộ KH-ĐT tổ chức hôm qua (1.10), ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư thuộc bộ này, cho biết từ năm 2010 - 2013 số dự án có giám sát báo cáo chỉ đạt 60% tổng số dự án (20.000 - 26.000 dự án). Cũng theo ông Tự, mặc dù quy định hiện nay là các dự án không báo cáo hằng năm (để giám sát) sẽ không được cấp vốn trong năm tiếp theo, nhưng thực tế kiểm tra các dự án không báo cáo vẫn được cấp vốn.

“Thực tế, người phê duyệt dự án cũng không biết dự án được thực hiện thế nào. Đấy là điều cần phải chấn chỉnh”, ông Tự nói. Theo ông, nguyên nhân báo cáo chưa đều đặn hoặc chưa hiệu quả vì quy định định kỳ bằng báo cáo giấy, gây mất thời gian đơn vị báo cáo, số lượng thực hiện và số liệu chưa được cập nhật. Bộ KH-ĐT đã thiết lập hệ thống báo cáo dự án sử dụng vốn đầu tư công, nhưng hệ thống này mới xây dựng được 70% và vẫn chưa thử nghiệm được.

Một số chuyên gia tại hội thảo cho rằng việc giám sát đánh giá đầu tư công đang được đặt ra cấp thiết và dự án luật Đầu tư công trình QH xem xét, thông qua thời gian tới nên quy định phải có đánh giá tất cả nguồn vốn đầu tư công. Đặc biệt là với các dự án PPP, ODA và vốn vay ưu đãi cần tăng cường vai trò QH, các cơ quan T.Ư, đoàn thể xã hội với việc giám sát đầu tư. 

Hà Nguyễn

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.